Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nở rộ thanh lý shop online

Từng là phương thức kinh doanh được nhiều người ưa chuộng, nhưng hiện tại, nhiều chủ shop online rao bán cửa hàng vì ế khách.

Nở rộ thanh lý shop online

Từng là phương thức kinh doanh được nhiều người ưa chuộng, nhưng hiện tại, nhiều chủ shop online rao bán cửa hàng vì ế khách.

Có tới 2 shop bán hàng trên mạng hoạt động từ năm 2009 nhưng Minh Phương, nhà ở Hoàng Mai (Hà Nội) đang phải rao bán toàn bộ để tìm một công việc khác có thu nhập ổn định hơn. Hơn 200 sản phẩm, số điện thoại, website và thương hiệu của shop được cô bán lại với giá gần 30 triệu đồng. "Giá nhập mỗi sản phẩm đã hơn 100.000 đồng, chưa tính chi phí quảng cáo trên Google cũng phải lên tới 7-8 triệu đồng, công sức làm ròng rã mấy năm trời. Ngoài ra, trang xã hội của cửa hàng mình có tới gần 20.000 người theo dõi, coi như làm truyền thông hộ chủ mới luôn. Mức giá 30 triệu đồng mình đưa ra như thế đã là rất rẻ rồi".

Bán lại website, nhưng nhiều chủ cửa hàng vẫn giữ lại domain và hosting - hai nội dung quan trọng của web.

Phương cho biết, từ cuối năm 2012, việc bán hàng rất ế ẩm. "Tuy shop online có chi phí duy trì hàng tháng rất thấp nhưng thời gian tiêu tốn để giữ vị trí tìm kiếm trên Google lại rất nhiều, trong khi thu nhập bấp bênh, phải liên tục lấy sản phẩm mới về khiến hàng tồn tăng cao", cô chia sẻ.

Chung cảnh ngộ với Minh Phương, khá nhiều chủ cửa hàng khác cũng rao bán, chuyển nhượng lại shop online. Lý do bận học, có việc riêng, đi ra nước ngoài.... được nhiều người đưa ra, nhưng 70% sản phẩm đều là hàng tồn từ các mùa trước đã "tố cáo" người bán về mức độ ế ẩm của thị trường. Giá của các website (chỉ có code mà không gồm domain hay hosting) dao động từ 5-10 triệu đồng, riêng một số web sang tay đầy đủ sẽ có giá trên 30 triệu đồng.

Thế nhưng, rao bán suốt 2 tháng Minh Phương vẫn không tìm được người mua lại. Thậm chí cả khi cô sẵn sàng giảm giá cho người mua toàn bộ 2 trang web, nhưng lượng khách hỏi thăm cũng rất ít.

"Hiện nay có quá nhiều trang web bán hàng online kiểu này, với nguồn nhập chủ yếu từ Trung Quốc, giá cả và kiểu mẫu khá tương đồng. Chưa kể người bán hàng có thể chẳng cần một duy trì một trang web tốn kém mà đăng nhập thành viên vào một diễn đàn là có thể bán hàng rồi", Đặng Linh, chủ một website thời trang cần thanh lý giải thích.

Thực tế, ngoài nguyên nhân khách quan do thị trường ế ẩm, không ít người có nhu cầu kinh doanh vẫn dè chừng hình thức mua lại website kiểu này. Theo họ, hosting là yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì tốc độ truy cập cũng như độ ổn định của website, do đó, nếu không rao bán toàn bộ, cơ hội chuyển nhượng được là rất nhỏ.

"Có lần muốn mua một shop online có tiếng được rao bán, nhưng hỏi ra mới biết là tài sản tranh chấp của 2 vợ chồng người chủ trước. Thủ tục ly dị của 2 bên kéo dài đến hàng tháng trời, khiến tôi không thể chờ họ giải quyết xong rồi mới đầu tư được. Chưa kể, tên miền của nhiều website bị rao bán cho nhiều người một lúc mà người mua khó có thể kiểm tra được, đến khi phát hiện ra thì người bán đã biến mất", thành viên MeMin trên một diễn đàn mua bán online có tiếng chia sẻ.

Trần Anh

Theo Infonet

Trần Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm