Dịch vụ kinh doanh tự phát kiếm được bộn tiền nhờ sức hút của Vision Pro. Ảnh: EPA. |
Hàng chục quảng cáo cho thuê Vision Pro như vậy ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An và Nam Kinh xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như Xianyu của Alibaba, Zhuan Zhuan của 58.com.
Vision Space, một start-up VR có trụ sở tại Bắc Kinh, đã mở vài cửa hàng cho phép khách hàng dùng thử bộ kính Apple với giá 98 nhân dân tệ (13,60 USD) mỗi giờ. Cửa hàng lớn nhất, tọa lạc tại trung tâm mua sắm Hopson One, Bắc Kinh, đã nhận được hơn 10.000 lượt khách hàng kể từ ngày 4/2, CEO Song Lei cho biết.
“Cuối tuần là thời điểm bận rộn. Mọi người còn phải xếp hàng để thuê”, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành nói với SCMP.
Một người dùng tên Fu đã thử nghiệm thiết bị tại cửa hàng Vision Space hôm 26/2. Đã có một chiếc Meta Quest 3 ở nhà, anh nhận xét Vision Pro “xuất sắc” hơn bộ kính của Meta “ở mọi phương diện”.
Trong quảng cáo, giá thuê headset Apple dao động từ 98 tệ/giờ đến 1.500 tệ/ngày. Một số cửa hàng còn yêu cầu đặt cọc ít nhất 30.000 tệ. Người thuê cũng sẽ có quyền lựa chọn mua thiết bị hoặc không sau khi sử dụng.
Một người cho thuê ở Thượng Hải cho biết giá thuê “tốt hơn bản demo 30 phút của Apple Store” vì linh hoạt hơn về mặt thời gian, bởi chương trình dùng thử miễn phí Vision Pro hiện chỉ có tại các cửa hàng ở Mỹ.
Chủ hãng cho thuê khác cho biết hầu hết khách hàng của cô đều hài lòng với sản phẩm. Hơn một nửa khách nói họ muốn mua thiết bị này. Tuy nhiên, cũng có người nó bộ kính “không phù hợp với khuôn mặt châu Á điển hình với sống mũi thấp”.
Ở Bắc Kinh, một chủ cho thuê khác cho biết bộ kính đã được khách đặt kín chỗ cho đến ngày 4/3. Dự kiến doanh thu kiếm được sẽ đạt khoảng 9.000 tệ vào cuối tháng này. “Tôi sẽ hoàn vốn trong khoảng 3 tháng”, anh chia sẻ.
Cơn sốt Vision Pro vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Trung Quốc. Ảnh: Apple. |
Ngoài cho thuê Vision Pro, các sản phẩm ăn theo, giá thành rẻ như Vision SE cũng dần nở rộ. Sản phẩm này do hãng nội địa EmdoorVR sản xuất và được bán ở trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến với giá dưới 2.000 nhân dân tệ.
Rẻ hơn 12,5 lần so với Vision Pro, Vision SE chỉ được trang bị bộ xử lý AR và VR cấp thấp Qualcomm Snapdragon XR1. Do đó, sản phẩm thiếu trải nghiệm tương tác theo dõi bằng mắt và cử chỉ tay như Vision Pro. Nhưng với một mức giá phải chăng, người dùng vẫn có thể xem video, lướt web và truy cập ứng dụng trong môi trường VR và AR thông qua màn hình LCD 5,5 inch có độ phân giải 3664 x 1920 pixel.
Tuy nhiên, theo SCMP, những người thuê Vision Pro có thể không có nhiều thời gian để kiếm doanh thu từ dịch vụ tự phát này. Vì đầu tháng 2, CEO Tim Cook đã khẳng định thiết bị này sẽ sớm được bán tại Trung Quốc.
Trang tin tài chính Wallstreetcn.com cũng đưa tin Vision Pro sẽ được phát hành tại Trung Quốc trước tháng 5 và quá trình đăng ký với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin “sắp hoàn tất”.
Trong khi đó, cơn sốt kính thực tế ảo Apple vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên Weibo, chủ đề #AppleVisionPro đã thu hút 60 triệu lượt xem, trong khi #VisionPro có 12 triệu lượt xem tính đến ngày 26/2.
Bài đánh giá headset của chuyên gia công nghệ nổi tiếng He Shijie đã nhận được hơn 3,5 triệu lượt xem. Ông ca ngợi thiết bị này vì “cung cấp những trải nghiệm và tương tác giác quan đột phá”, bao gồm màn hình độ phân giải cao với độ trễ thấp. Song, ông cũng chỉ ra nhược điểm của sản phẩm là “không thoải mái khi sử dụng”.
“Phần lớn trọng lượng dồn lên khuôn mặt. Cứ 20 phút sử dụng là tôi lại phải nghỉ ngơi một lần”, ông nói trong bài đánh giá.
Theo SCMP, mặc dù Meta và các công ty khác đã sản xuất kính thực tế ảo suốt nhiều năm qua, nhiều chuyên gia trong ngành tin rằng Vision Pro của Apple mới có tiềm năng mở rộng tệp khách hàng của công nghệ này, vượt ra ngoài giới game thủ.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn