Trong khi nguồn cung tiền lẻ từ các ngân hàng không đủ đáp ứng, người dân tìm đến “chợ đen” để mua hoặc đổi với mức giá cao.
Đổi tiền lẻ từ công khai đến online
Theo khảo sát của PV báo Lao Động, tại một số cổng đền chùa ở Hà Nội, tiền lẻ đổi ở mức “10 ăn 7” (100.000 đồng thu về 70.000 đồng).
Tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), các sạp cửa hàng treo biển đổi tiền lẻ hai bên cổng vào, nhiều sạp bán vàng mã, hoa quả kèm luôn cả dịch vụ đổi tiền lẻ. Giá đổi tiền ở đây rất đồng đều, với mệnh giá 1.000 đồng là “10 ăn 8”, mệnh giá 500 đồng là “10 ăn 7”.
Không chỉ đổi tiền lẻ công khai ngoài thị trường, vài năm gần đây dịch vụ đổi tiền online cũng phát triển mạnh. Dạo quanh một số website như doitienle, muaban, chotot, những tin đăng đổi tiền lẻ, giao hàng tận nhà liên tục được cập nhật.
Tại các website này, người kinh doanh cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, mệnh giá tiền… Các tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng là loại tiền có nhu cầu đổi cao nhất với phụ phí lần lượt là 5%, 10%, 15% nếu đổi tiền nguyên thếp.
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết: “Tiền là để thanh toán chứ không phải đi lễ. Việc người dân đi lễ rải tiền lẻ tại các ban thờ tự vừa gây lãng phí cho Nhà nước vừa tạo hình ảnh phản cảm dưới góc độ văn hóa. Bộ ủng hộ việc NHNN không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá nhỏ. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và giúp giáo dục người dân ý thức sử dụng đồng tiền”.
Hoạt động thu đổi tiền lẻ trái phép .
|
Vận động, tuyên truyền là chính
Khi được hỏi đến nay có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt vì kinh doanh tiền lẻ trái phép? Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận hiện NHNN chủ yếu vẫn theo hướng vận động, tuyên truyền ý thức người dân không dùng tiền lẻ trong hoạt động tín ngưỡng.
“Người đổi tiền trái phép chủ yếu là hoạt động buôn bán nhỏ lẻ. Nếu đòi hỏi việc buôn tiền lẻ ngoài thị trường hết hẳn thì chưa thể vì đây là vấn đề tâm linh. Tôi hy vọng thời gian ngắn, vấn đề này có sự thay đổi để việc sử dụng tiền lẻ cúng tại các đền chùa không đến mức phản cảm”.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành cho biết Bộ VHTTDL thành lập đoàn liên ngành phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan địa phương để xử phạt và hiện nay các trường hợp vi phạm được đưa về cho các chủ tịch huyện và tỉnh xử lý.
Tuy nhiên trên thực tế, người đổi tiền lẻ hiện bày ra nhiều mánh khóe để qua mặt các cơ quan chức năng khi đến kiểm tra.
Mặc dù theo Nghị định 96/2014, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Nhưng nếu các cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết, Nghị định 96 chỉ mới nằm trên giấy tờ.
Để nghị định này thực sự có hiệu lực trong đời sống là phải khiến người dân thay đổi nhận thức, trả lại cho đồng tiền về đúng chức năng của nó là thanh toán và cất trữ.