Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không in tiền mới dưới 5.000 đồng vào dịp Tết

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị không chi in các loại tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi tiền đã qua sử dụng.

Trong cuộc họp báo thông tin về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM dịp Tết Nguyên đán của hệ thống ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên chủ trương không in mới tiền mệnh giá nhỏ lẻ (loại từ 5.000 đồng trở xuống) trong dịp Tết nguyên đán 2016 nếu tiền trong kho của các ngân hàng vẫn còn. Để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích sử dụng các loại tiền đã qua lưu thông, tiền còn tồn kho.

Theo ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Phát hành kho quỹ, nếu tính cả năm 2016, việc không in tiền mới nhỏ lẻ dịp Tết suốt 4 năm qua đã tiết kiệm cho ngân sách tới 1.500 tỷ đồng. Đây là tổng chi phí phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm, và đều phải chi bằng nguồn ngân sách.

Thu đổi tiền lẻ mới dịp Tết dù là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn diễn ra rầm rộ trong nhiều năm qua. Ảnh: Hoàng Hà.

Cơ quan này cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyên truyền dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý, đúng chức năng khi tham gia lễ hội, đền, chùa... Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh tiền nhỏ lẻ trái phép tại các di tích đền chùa, lễ hội, hoặc kinh doanh trên mạng, đổi tiền mới ăn chênh lệch cũng sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm, nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu tới tình hình lưu thông tiền tệ, tới văn hóa cũng như hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, do thói quen sử dụng tiền mặt còn lớn nên 80% giao dịch qua ATM là rút tiền mặt. Với nhu cầu Tết, Vụ thanh toán khẳng định, có thể gây ra tắc nghẽn hệ thống ATM cục bộ.

Để tránh tình trạng này, Cục Phát hành kho quỹ đã có ưu tiên cung ứng số lượng tiền mặt lớn cho hệ thống ngân hàng tại các tỉnh thành phố có nhu cầu cao, gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai...

Tại các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, ngoài chuẩn bị tốt hệ thống các máy ATM, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt khác. Khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần thống nhất với doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị để tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng lúc tại các điểm máy ATM dẫn đến tình trạng quá tải.

"Rút kinh nghiệm nhiều năm trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị trong ngành đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi dù là dịp nghỉ tết nhưng các doanh nghiệp này vẫn cần hoạt động thanh toán. Các hoạt động thu đổi ngoại tệ của khách du lịch cũng phải được đáp ứng đầy đủ", Phó thống đốc Tú chia sẻ.

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được 95 tỷ đồng khi không in tiền mới trị giá 500 đồng vào lưu thông. Năm 2014, cơ quan này không đưa tiền mới 3 mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng vào lưu thông, tiết kiệm chi phí khoảng 300 tỷ đồng.

Năm 2015, bắt đầu chủ trương không đưa tiền nhỏ lẻ giá trị từ 5.000 đồng trở xuống in mới vào dịp Tết đã tiết kiệm khoảng 580 tỷ đồng. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, con số tiết kiệm không in tiền nhỏ lẻ mới năm nay sẽ là hơn 410 tỷ đồng.

Phí đổi tiền 500 đồng mới lên đến 100%

Dịch vụ đổi tiền mới cho Tết ở mệnh giá 500 đồng có mức phí dao động 70-100%. Tiền 10.000 đồng và 50.000 đồng không có sẵn, khách sẽ phải chờ sau ngày 15/1/2016.

 

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm