Từ sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 dẫn tới cuộc chiến chưa có hồi kết của Israel tại Gaza, tổ chức Hezbollah tại Lebanon và quân đội Israel đã liên tục có các cuộc tấn công qua lại trả đũa lẫn nhau, khiến hàng chục nghìn người từ cả hai phía phải rời bỏ nơi ở.
Cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel bị coi là mối đe dọa lớn nhất có thể làm nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực không thể kiểm soát, đồng thời một lần nữa cho thấy sức mạnh không thể xem thường của tổ chức này, theo Guardian.
Sinh ra từ nội chiến
Hezbollah là phong trào chính trị - vũ trang Hồi giáo dòng Shiah do Iran thành lập trong bối cảnh nội chiến ở Lebanon giai đoạn 1975-1990. Hezbollah bắt đầu nổi danh khi trực tiếp đối đầu với Israel sau khi quân đội Israel can thiệp vào Lebanon năm 1982.
Cuộc nội chiến kéo dài 15 năm giữa các phe phái tôn giáo, chính trị ở Lebanon kết thúc sau khi các phe bán quân sự đồng ý giao nộp vũ khí.
Tuy vậy, Hezbollah là ngoại lệ. Nhóm này từ chối giao nộp kho vũ khí của mình với lý do tiếp tục cuộc chiến với các lực lượng Israel khi đó đang tạm chiếm miền Nam của Lebanon.
Người ủng hộ đang nghe bài thuyết giảng của Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah. Ảnh: CNN. |
Hezbollah dành được sự ủng hộ lớn trong nội bộ Lebanon sau khi buộc Israel rút quân năm 2000. Thậm chí một bộ phận người dân theo đạo Thiên chúa, hay nhánh Hồi giáo dòng Sunni vốn luôn thù địch với dòng Shiah, cũng ủng hộ Hezbollah.
Hezbollah từng tiến hành nhiều vụ tấn công gây thiệt hại lớn cho thường dân, vì thế tổ chức này bị Mỹ và nhiều chính phủ phương Tây đưa vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, hoạt động của Hezbollah vượt xa khỏi phạm vi quân sự.
Sau nhiều năm phát triển, Hezbollah đã trở thành một thế lực chính trị - xã hội ở Lebanon. Tổ chức này nắm trong tay nhiều trung tâm y tế, trường học, nhiều kênh truyền hình có ảnh hưởng và các cơ sở kinh doanh hái ra tiền.
Hezbollah hiện là một đảng chính trị chính thức trên chính trường Lebanon, nhiều thành viên của nhóm này đã trở thành bộ trưởng và đại biểu quốc hội.
Trong cuộc bầu cử quốc hội Lebanon năm 2022, tất cả 13 ứng viên của Hezbollah đã giành chiến thắng. Liên minh chính trị do Hezbollah dẫn đầu giành 61 trong tổng số 128 ghế đại biểu quốc hội, theo NPR.
Hezbollah hiện nắm quyền tại các bộ Lao động, Dịch vụ công. Hezbollah cũng thường tham gia các liên minh chính trị, thậm chí với các đảng Thiên chúa giáo.
Sức mạnh thao túng Lebanon
Sự chia rẽ, bè phái cùng nạn tham nhũng khiến chính phủ Lebanon luôn ở thế yếu. Đấu đá nội bộ khiến Lebanon hiện không có tổng thống chính thức.
Hiện trạng nói trên cho phép Hezbollah tự do hoạt động mà hầu như không bị kiềm chế bởi bất cứ lực lượng nào ở Lebanon. Ngay cả Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, người tuyên bố là chính trị gia theo chủ nghĩa tự do, cũng hầu như không có tiếng nói trong những gì mà Hezbollah thực hiện.
Nhiều chuyên gia tin rằng Hezbollah có thể dễ dàng đánh bại quân đội quốc gia Lebanon nếu nhóm này muốn. Dù vậy, Hezbollah dường như muốn duy trì nguyên trạng như hiện nay.
Với sự ủng hộ tài chính và vũ khí từ Iran và Syria, Hezbollah đóng vai trò to lớn trong nhà nước Lebanon hiện tại.
Lực lượng quân sự của Hezbollah được cho là mạnh áp đảo quân đội chính phủ Lebanon. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, qua thời gian, sự ủng hộ của người dân trong nước dành cho Hezbollah đang ngày một suy giảm, đặc biệt sau khi nhóm này hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trấn áp các nhóm phiến quân nổi dậy.
Những người ủng hộ Hezbollah giải thích rằng lực lượng này, với tư cách tổ chức ủy nhiệm có sức mạnh lớn nhất của Iran tại khu vực, không thể đứng ngoài cuộc khi Tehran hỗ trợ chính quyền Assad trong nội chiến ở Syria, cũng như tham gia "trục kháng chiến" chống Israel và Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều người Lebanon coi sự tham gia của Hezbollah vào nội chiến ở Syria là cuộc can thiệp quân sự phi lý vào xung đột vũ trang ở nước ngoài, với rủi ro kéo Lebanon chìm sâu vào bất ổn, trong bối cảnh chính nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc nội chiến đẫm máu.
Từ khi chiến sự nổ ra ở Gaza, Hezbollah một lần nữa tham chiến chống lại Israel. Hezbollah phối hợp chặt chẽ với Hamas, đồng thời cho phép Hamas hoạt động trên lãnh thổ Lebanon.
Tuy có chung kẻ thù là Israel, Hezbollah và Hamas không hẳn là những đồng minh bền chặt.
Hamas là phong trào Hồi giáo dòng Sunni, trái với con đường Hồi giáo dòng Shiah của Hezbollah. Dù được coi là tổ chức ủy nhiệm của Iran, Hamas vẫn hoạt động tương đối độc lập. Trong nội chiến ở Syria, Hamas ban đầu ủng hộ các lực lượng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Assad, điều này từng khiến quan hệ giữa Hamas và Hezbollah trở nên lạnh nhạt.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...