Tính đến 12h ngày 10/5, số liệu từ ĐH Johns Hopkins, toàn nước Mỹ có 1.309.168 ca nhiễm bệnh Covid-19, cướp đi sinh mạng 78.792 người.
Trước tình hình đó, Variety gọi đây là cuộc "khủng hoảng" của giới giải trí Hollywood, khi rất nhiều diễn viên, nhà sản xuất rơi vào cảnh thất nghiệp.
Thất nghiệp, xin viện trợ đang bao trùm Hollywood. |
Kẻ may mắn
"Mac Brandt là một trong những người may mắn".
Anh đã nộp đơn yêu cầu Chính phủ trợ cấp thất nghiệp với mức 1.200 USD/tháng. Những tưởng, điều này không bao giờ xảy ra với những ngôi sao giải trí. Nhưng cuối cùng, anh tự gọi mình là "kẻ may mắn" vì có thể xin được trợ cấp khi không đóng phim.
6 năm qua, Brandt hoàn toàn sống tốt nhờ vai diễn Mac Sullivan trong Kingdom, kèm theo đó là loạt series hành động, trong đó có Arrested Development.
Đóng phim giúp anh có được cuộc sống sung túc. Nhưng điều đó không kéo dài lâu, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ từ đầu tháng 3.
Không ai ngờ, ngôi sao Hollywood như Mac Brandnt cũng có ngày lâm vào cảnh thất nghiệp. |
Mac Brandnt bị thất nghiệp.
"Khi tôi xuất hiện trên Station 19, nhiều người nói gã này được lên truyền hình, chắc giàu lắm. Nhưng suy cho cùng, điện ảnh cũng chỉ là ngành công nghiệp, cần phải có công việc, hoạt động để duy trì. Giờ thì không thể rồi, mọi thứ đều đóng cửa, trì hoãn", sao phim Kingdom nói.
"Kẻ may mắn" đã nộp đơn xin thất nghiệp, yêu cầu duy trì thẻ tín dụng, dời thời gian chi trả vay thế chấp. "Nếu thanh toán các khoản vay, tôi sẽ không có tiền để mua nhu yếu phẩm. Tôi rất hoảng hốt, đang nghĩ đến chuyện tìm việc ở Amazon", Bradnt nói thêm.
Dù thấy khó khăn, Brandnt vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người. Anh cảm thấy thương cho những nhân viên hậu trường, hoàn toàn thất nghiệp bởi dịch bệnh.
Những con số biết nói
Covid-19 được xem là đại dịch có tác động tiêu cực đến giới giải trí Hollywood. Thậm chí, ảnh hưởng kinh tế từ dịch bệnh còn nặng nề hơn cả vụ khủng bố vào tòa tháp đôi Mỹ năm 2001, khủng hoảng kinh tế thế giới 2009.
Thống kê từ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang sử dụng 892.000 lao động. Mùa dịch, có đến 125.000 nhân viên hoặc chấp nhận làm không công, hoặc nghỉ ngang không quyền lợi.
Có đến 282.000 người làm việc trong lĩnh vực sân khấu, trung tâm giải trí cũng bị nghỉ không lương vô thời hạn. Ngoài ra, có đến 170.000 diễn viên, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật, hậu trường lâm vào cảnh thất nghiệp.
Ngoài ra, có hơn 150.000 người bị làm trái nghề, không hoạt động nghệ thuật, tranh giành vị trí vận chuyển thực phẩm, nhân viên bảo vệ ở tuyến đầu chống dịch.
Hollywood đang sống trong chuỗi ngày ảm đạm. |
Công viên giải trí Disney - nơi tạo công ăn việc làm cho hơn 100.000 người - cũng chính thức đóng cửa hoàn toàn các chi nhánh toàn thế giới từ ngày 19/4. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm hàng loạt người lao động lâm vào cảnh không tiền, không bạc.
"Có khoảng vài trăm nghìn người trong ngành công nghiệp giải trí mất việc từ đầu tháng 3, nhất là từ khi thực hiện việc giãn cách xã hội. Con số này gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2009", Variety cho hay.
Số phận của Hollywood sẽ ra sao?
Không thể trách được những gì đang diễn ra ở Hollywood, bởi dịch bệnh đang ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, không riêng gì ngành công nghiệp điện ảnh.
Song, nhiều diễn viên, ngôi sao và người làm trong lĩnh vực giải trí vẫn lo lắng về số phận hẩm hiu, tương lai đầy bế tắc.
Nhiều sao hạng A vẫn có của ăn của để trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Những cái tên như Brad Pitt, Chris Hemsworth cùng hàng loạt tài tử, minh tinh vẫn sống khỏe qua mùa dịch.
Song, phần lớn người làm giải trí đều chịu rủi ro khi chấp nhận làm hợp đồng thời vụ, bán thời gian chờ cơ hội đổi đời. "Có quá ít cách để kiếm sống, diễn viên làm nghề đã khó khăn, xin làm bồi bàn cũng không thể, vì có quá nhiều nhà hàng đóng cửa".
Việc xin trợ cấp thất nghiệp cũng dẫn đến nhiều vấn đề. Phần lớn diễn viên làm việc thời vụ, gặp khó khăn trong việc xin tiền Chính phủ.
Công viên giải trí Disney đóng cửa, đặt dấu chấm hết cho hơn 100.000 nhân viên mất việc ở Hollywood nói riêng và các chi nhánh toàn thế giới nói chung. |
"Thật vô ích".
Marquis Howell - 39 tuổi, nghệ sĩ guitar tại Disney, đồng thời là ông bố ba con - tâm sự với Variety. Trong giai đoạn cách ly xã hội, anh được công ty trả lương 193 USD/tuần. Số tiền ít ỏi trên không giúp anh trả tiền nhà và nuôi hai con.
Cuối cùng, Disney cũng đóng cửa các công việc từ ngày 19/4. Hơn 100.000 nhân viên lâm vào cảnh thất nghiệp. Howell tự nhận mình đang sống như một bóng ma vất vưởng.
Tara Swennen - 40 tuổi, stylist, người từng hợp tác với minh tinh nổi tiếng như Kristen Stewart, Allison Janney - cho biết phải làm "bù đầu bù cổ" làm 4 công việc khác nhau/tuần để kiếm ăn. Hợp đồng biểu diễn cạn kiệt, không ai mướn cô tư vấn. Hoạt động trái nghề càng khiến Swennen cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng.
Iris Abril - chuyên gia trang điểm từng hợp tác với đoàn phim Brooklyn 99 - cho rằng cô và những người đứng sau hào quang của những ngôi sao đang sống thoi thóp, theo đúng nghĩa đen.
"Chúng tôi bế tắc, sống bằng tiền tiết kiệm, quỹ hỗ trợ ít ỏi. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các tổ chức từ thiện", Abril cay đắng nói với Variety.
Nỗ lực giải cứu cá mắc cạn đang thoi thóp
Dịch bệnh bùng phát, nhưng phần nào dần tạm lắng. Người làm trong ngành giải trí bắt đầu tìm lại công việc, đưa những giải pháp, bước đầu tự cứu lấy chính mình. Họ ví mình là cá mắc cạn, đang thoi thóp tìm nguồn sống ở bờ biển Hollywood.
Ông Rene Broussard - 56 tuổi, điều hành nhà hát Zeitgeist tại New Orleans - cho biết đang nỗ lực vực dậy để nuôi sống mẹ 85 tuổi mắc Alzheimer và em gái bị tim mạch.
Dù đã cứu sống nhà hát sau thảm họa bão Katrina - cơn bão đứng thứ 5 về độ thiệt hại trong lịch sử Mỹ - nhưng Broussard vẫn hoài nghi về sự thành công lần này.
"Khi nhà hát mở cửa, phần lớn giới trẻ đã quen với TV, Netflix, nỗ lực quay lại vô cùng khó khăn. Tôi không dám hy vọng nhiều", người đàn ông 56 tuổi nói.
Kaitlin Puccio - 30 tuổi, diễn viên, người mẫu ít tên tuổi - lại tìm kiếm cơ hội thông qua các game show truyền hình. Hiện tại, cô chỉ sống được bằng việc lồng tiếng, làm việc từ xa, đồng lương ít ỏi. Puccio luôn mong muốn tìm lại hào quang sau dịch Covid-19.
Vợ chồng David Beckham sở hữu khối tài sản hơn 350 triệu USD vẫn "ngửa tay" xin tiền chính phủ bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh. |
Trong khi đó, giữa mùa dịch, Victoria ra quyết định tạm hoãn việc ra mắt thương hiệu, nghĩ đến chuyện sa thải 30 nhân viên để xin tiền trợ cấp từ Chính phủ.
Bởi, việc kinh doanh của nhà Beck đang tỏ ra trì trệ. Hình ảnh gia đình kiểu mẫu không cứu nổi đế chế triệu USD đang lung lay, đứng trên bờ vực phá sản.
Nhà Beck còn muốn xin tiền Chính phủ, những người bình thường, doanh nghiệp giải trí nhỏ lẻ phải ra rao?
Bên cạnh những cá nhân đơn chiếc, nhiều hãng phim, công ty rục rịch chuẩn bị cho ngày trở lại. Steffen Schlachtenhaufen - 41 tuổi, nhà văn, sản xuất phim - chuẩn bị nhiều khả năng quay lại. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với chuyện tiếp tục bị trì hoãn dài hạn.
"Ông trùm ứng dụng xem phim" Netflix và một số công ty truyền thông như Warner Media, Viacom... cũng gây quỹ hỗ trợ người thất nghiệp. Họ cho rằng điều này giúp nhân viên và công ty thêm kết nối. Song, nếu tình hình dịch bệnh cứ kéo dài, không công ty tư nhân nào có khả năng hỗ trợ, chuyện cạn kiệt sức người, sức của hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện tại, với con số phục hồi 198.993 người/1.309.163 ca nhiễm là quá ít ỏi, tương lai về một Hollywood khởi sắc vẫn còn xa vời. Sự ảm đạm, túng thiếu bao trùm toàn bộ lên nơi có ngành giải trí phát triển nhất thế giới.
"Không có mốc thời gian cụ thể cho biết cuộc sống sẽ quay trở lại như ban đầu. Tại Hollywood, tôi như bị mắc kẹt, chỉ biết nhìn chằm chằm vào vực thẳm tăm tối, sâu hút của những điều chưa biết", Alistair David - 41 tuổi, biên đạo múa - chua chát nói.