Từ năm 2013, các nhà khoa học của đại học Yale đã tiến hành thả muỗi biến đổi gen tại thành phố Jacobina, Brazil để thử nghiệm việc khiến đàn muỗi tự tiêu diệt. Theo bài đăng trên Nature.com, thành phố này được bao quanh bởi thảm thực vật bán khô cằn (caatinga), giúp cô lập đàn muỗi và trở thành địa điểm lý tưởng để thử nghiệm.
Mỗi tuần, hơn 450.000 cá thể muỗi đực đã được biến đổi gen được thả vào đàn muỗi. Những con muỗi này đã được sửa đổi gen để khiến cho khả năng sinh sản giảm hẳn so với muỗi tự nhiên. Mục tiêu của thí nghiệm này là tìm ra câu trả lời liệu các nhà khoa học có thể giảm dần số lượng đàn muỗi hay không.
Những con muỗi được thả vào tự nhiên đã được biến đổi gen, để thế hệ sau của chúng không thể tồn tại đến tuổi sinh sản. Ảnh: AP. |
Theo tính toán ban đầu, những cá thể lai giữa muỗi biến đổi gen và muỗi tự nhiên sẽ không thể tồn tại cho đến tuổi sinh sản. Bằng cách liên tục thả muỗi biến đổi gen, các nhà khoa học cho rằng số lượng muỗi sẽ giảm dần. Điều này đã xảy ra, nhưng lại có hậu quả mà họ không ngờ đến.
Thời gian đầu, một số khu vực nhỏ được thử nghiệm có số lượng muỗi giảm tới 85%. Về lý thuyết, cá thể lai không thể sinh sản, do vậy gen biến đổi sẽ không di truyền cho các thế hệ sau.
Tuy nhiên, sau một thời gian các kết quả đã đảo ngược. Số lượng muỗi tăng trở lại, và gen bị biến đổi bắt đầu di truyền ra đàn muỗi. Theo New Atlas, các cá thể lai trong thực tế có khả năng tồn tại tốt hơn các nhà khoa học dự đoán và có thể sống tới tuổi sinh sản.
"Về lý thuyết gen không thể truyền cho muỗi trong tự nhiên, bởi các cá thể lai không sinh sản. Tuy nhiên trong thực tế điều đó đã xảy ra", ông Jeffrey Powell, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Số lượng muỗi tuy giảm trong thời gian đầu, nhưng tăng trở lại sau khoảng 18 tháng. Các nhà nghiên cứu cho rằng cá thể muỗi cái đã nhận biết được muỗi đực bị biến đổi gien và tránh giao phối với chúng.
Quần thể muỗi giờ đây có tới 3 loại giống khác nhau: muỗi tự nhiên, muỗi có biến đổi gen theo giống từ Cuba và Mexico, hai loại muỗi được sử dụng để thử nghiệm. Theo New Atlas, việc nguồn gen đa dạng có thể khiến đàn muỗi ở đây chống chịu tốt hơn các nỗ lực diệt muỗi trong tương lai.
Các nhà khoa học khẳng định điều này không làm ảnh hưởng tới các nguy cơ về bệnh truyền nhiễm.
"Đáng lo nhất là những kết quả chúng ta không tính toán được. Nếu dựa hoàn toàn trên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chúng ta có thể tính toán được hệ quả từ việc thả muỗi biến đổi gen. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực tế như của chúng tôi nên được làm thường xuyên hơn để kiểm nghiệm kết quả thực tế và lý thuyết", ông Powell nhận xét.