Phải bay hơn 11.000 km đến Nhật Bản không hẳn là hành trình dễ chịu cho Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ ngày 24/5 vẫn có thể vui vẻ bước lên chuyên cơ Air Force One khi biết chờ đón ông tại "xứ sở hoa anh đào" là một trong những sự kiện lớn nhất hơn 200 năm qua tại Nhật Bản.
Tổng thống đời thứ 45 của Mỹ trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên diện kiến tân Nhật hoàng Naruhito.
Chuyến viếng thăm và làm việc của ông Trump có thể không mang ý nghĩa bước ngoặt đối với nước Nhật. Tuy nhiên, sự kiện lần này vẫn được xem là đỉnh cao mới trong chiến dịch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm "lấy lòng" tổng thống Mỹ với quy mô và sự bền bỉ chưa từng có tiền lệ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 4. Ảnh: Getty. |
10 lần gặp, 30 dịp trao đổi
Khi ông Abe lên máy bay sang New York vào tháng 11/2016, ông Donald Trump chỉ mới đắc cử và còn phải chờ hơn hai tháng nữa mới chính thức nhậm chức. Thủ tướng Nhật Bản chủ động liên hệ đến thăm ông Trump tại Trump Tower ở New York mà không chờ lời mời.
Kể từ đó, Thủ tướng Abe đã có ba lần chơi golf cùng Tổng thống Trump, hai lần đến thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ông còn tặng nhà lãnh đạo Mỹ một cây gậy đánh golf mạ vàng trị giá gần 3.800 USD và tổ chức tiệc sinh nhật bất ngờ cho Đệ nhất Phu nhân Melania Trump.
Tổng thống Mỹ còn khẳng định từng được thủ tướng Nhật Bản viết thư dài gần năm trang, đề cử ông nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vì nỗ lực đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo có hơn 10 lần gặp cá nhân và gần 30 dịp trao đổi cùng nhau.
"Điều này chắc chắn là chưa từng có tiền lệ", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Trump tiết lộ với Politico.
Phát biểu với báo giới ngày 23/5 trước ngày khởi hành sang Nhật, ông Trump khẳng định Thủ tướng Abe hứa sẽ tổ chức đón tiếp vô cùng trọng thị.
"Tôi chỉ là khách. Nước Mỹ chỉ là khách. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe nói với tôi rất cụ thể rằng: 'Ông sẽ là thượng khách, và thượng khách thì chỉ có một mà thôi'", Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Truyền thông Nhật Bản cũng đăng tải hàng loạt bài viết tô đậm tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo. Japan Times ngày 25/5 tiết lộ trong chuyến thăm gần nhất của Thủ tướng Abe tại Washington, Tổng thống Trump còn mời nhà lãnh đạo Nhật Bản sử dụng nhà vệ sinh riêng của ông tại Nhà Trắng.
Chiến dịch bền bỉ nhằm lấy lòng Tổng thống Trump được đánh giá là khác hẳn với tính cách mạnh mẽ của chính Thủ tướng Abe. Ông nổi tiếng với hình ảnh chính trị gia luôn cương quyết theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, cổ súy tầm nhìn xây dựng một Nhật Bản mạnh mẽ hơn nhiều người tiền nhiệm trong những thập niên qua.
Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật tại Tokyo vào đêm 25/5 sau khi bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày. Ảnh: Twitter/ Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản. |
Thân thiết để tự bảo vệ mình
Thể hiện hình ảnh yếu thế trước Tổng thống Turmp cũng không phải là việc dễ dàng với Thủ tướng Abe. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có gần 30% người dân Nhật Bản cảm thấy tin tưởng nhà lãnh đạo Mỹ. Dư luận nước này cũng không thích nhìn thấy người lèo lái đất nước phải thay đổi cách hành xử hay lịch trình làm việc vì lãnh đạo của một nước khác.
"Dư luận Nhật Bản không thích nhìn thấy lãnh đạo của chúng tôi cố làm vui lòng lãnh đạo một nước khác", Koji Murata, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Doshisha ở Tokyo, nhận định.
Những nỗ lực chiều chuộng chưa từng có tiền lệ mà Thủ tướng Abe dành cho Tổng thống Trump phần nào xuất phát từ mối lo ngại an ninh ngày một lớn của Nhật Bản.
Với nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh trì trệ, cùng với tiềm lực quân sự bị hạn chế nặng nề sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đang phải cực cảnh giác trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Ở bờ bên kia biển Nhật Bản, Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa với đủ khả năng đe dọa Tokyo.
Trong khi đó, quan hệ với Hàn Quốc, nhân tố trong khu vực có thể giúp Nhật Bản đối phó hiệu quả nhất với những mối đe dọa trên, lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nga, cường quốc quân sự ngay cạnh khu vực Đông Bắc Á, lại là nước thường xuyên quấy rối không phận và vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản ở phía bắc.
Tổng thống Trump chỉ khiến cho giới lãnh đạo Nhật Bản đã lo càng thêm lo. Với hiến pháp hòa bình và lực lượng vũ trang không xứng tầm với nền kinh tế xếp thứ ba thế giới, Nhật Bản cần sự bảo hộ của Mỹ. Tuy nhiên, đồng minh quân sự thiết lại có một chính sách đối ngoại thất thường dưới nhiệm kỳ của ông Trump, sẵn sàng xét lại mọi cam kết an ninh truyền thống. Thủ tướng Abe buộc phải hy sinh lòng tự trọng của bản thân để duy trì quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.
"Người dân Nhật cũng hiểu rõ ông Trump là người thất thường và chúng tôi phải đối xử với ông ấy theo cách rất khác", ông Murata nhận định.
"Họ xây dựng mối quan hệ này để bảo vệ chính mình", Jeffrey Prescott, cựu trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho rằng giới chức tại Tokyo không muốn bất ngờ rơi vào thế bị động.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe cùng đi đánh golf ở phía nam Tokyo sáng 26/5. Ảnh: AFP. |
Di sản thế chiến
Trong lần nhà lãnh đạo Nhật Bản đến thăm Mỹ vào năm 2018, Tổng thống Trump từng nhắc về trận chiến Trân Châu Cảng rồi bật cười, trước khi phàn nàn không ngớt với Thủ tướng Abe về các chính sách kinh tế và thâm hụt thương mại song phương.
Câu đùa của ông Trump có thể không phù hợp với những quy chuẩn ngoại giao thông thường, nhưng ông vẫn nói đúng phần nào khi nghĩ rằng cuộc chiến chấm dứt hơn nửa thế kỷ trước vẫn đang ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Nhật, theo Politico.
Hai quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945 đã thúc đẩy Nhật Bản chuyển hướng sang chủ nghĩa hòa bình với hiến pháp mới. Người dân Nhật Bản "vĩnh viễn phản đối chiến tranh" và "việc đe dọa sử dụng vũ lực như một biện pháp giải quyết mâu thuẫn". Cường quốc quân sự một thời tại châu Á từ bỏ quân đội chính quy, chỉ duy trì lực lượng phòng vệ khiêm tốn và phụ thuộc vào "ô hạt nhân" của Mỹ.
Trong nhiều thập niên, Nhật Bản có thể an tâm tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế dưới sự bảo hộ an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, môi trường quốc tế trong thế kỷ 21 đang biến đổi với tốc độ chóng mặt với những mối đe dọa an ninh ngày một nghiêm trọng.
Sự phát triển nhảy vọt của Trung Quốc dẫn đến những tranh chấp lãnh thổ đáng lo ngại. Đối thủ địa chính trị trong khu vực giờ đây có ngân sách quốc phòng lớn gấp 10 lần Nhật Bản. Triều Tiên liên tục có các bước tiến trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, với nhiều lần phóng thử tên lửa bay qua không phận Nhật Bản. Quan hệ Nhật - Hàn đang ở mức thấp nhất trong gần 50 năm qua, xoay quanh tranh cãi về "phụ nữ giải khuây" thời phát xít Nhật chiếm đóng bán đảo. Trong khi đó, tranh chấp quần đảo phía bắc Nhật Bản với Nga vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Nhật Bản nhìn xung quanh mình và ở đâu họ cũng nhìn thấy kẻ thù hoặc đối thủ vẫn chưa nguôi tâm lý hận thù từ Thế chiến thứ hai, trong khi bạn bè lại quá ít. Điều này khiến Nhật Bản càng phụ thuộc vào sức ảnh hưởng của Mỹ nhiều hơn bao giờ hết.
Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia hoạch định quốc phòng Nhật Bản lo ngại việc Mỹ giảm hiện diện quân sự ở châu Á, như sự nhượng bộ trong thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên, có thể mở ra viễn cảnh "thảm họa" cho Nhật Bản. Tổng thống Trump từng nhiều lần phàn nàn về chi phí đóng quân tại Hàn Quốc và châu Âu, khiến nhiều chuyên gia lo ngại Nhật Bản sớm rơi vào tình thế tương tự.
Ngoài những cam kết an ninh, Tokyo còn cần Washington đóng vai trò trung gian giảm căng thẳng quan hệ với Seoul. Bên cạnh đó, Nhật Bản không muốn đối diện với rủi ro leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ. Nền kinh tế chưa thoát khỏi trì trệ và tình trạng dân số già khiến nước này kẹt trong tình thế rất dễ tổn thương nếu Tổng thống Trump quyết định áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản Ảnh: Reuters. |
Gấp 100 lần Super Bowl
Những lo ngại trên chính là lý do vì sao Tokyo và cá nhân ông Abe lại mừng ra mặt sau khi ông Trump chấp nhận bay gần 14 tiếng đến thăm Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ sẽ trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được diện kiến tân Nhật hoàng Naruhito, vừa đăng cơ vào ngày 1/5. Trước sự kiện tại cung điện hoàng gia, ông Trump còn có vinh dự trở thành người trao cúp cho võ sĩ sumo chiến thắng trong trận đấu giành ngôi vị quán quân Nhật Bản. Ông Trump được ngồi ghế ở khu vực sát võ đài, nơi mà những chức sắc cấp cao nhất tại Tokyo còn phải ngồi bệt trên sàn.
Tổng thống Trump dường như chưa hiểu hết mức trọng thị mà Nhật Bản dành cho ông, ngoài lời mô tả của ông Abe rằng chuyến thăm sẽ lớn hơn "Super Bowl" - trận chung kết bóng bầu dục Mỹ - gấp cả trăm lần.
Nỗ lực lấy lòng chưa từng có tiền lệ dành ông Trump không phải là quyết định của riêng ông Abe, mà là kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng của cả bộ máy hoạch định chính sách ngoại giao.
"Giống như chính phủ nhiều nước khác, người Nhật nghiên cứu về ông Trump cực kỳ kỹ lưỡng, gần như đứng đầu thế giới về lĩnh vực này. Họ cố hiểu ông ấy vì quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vô cùng quan trọng", Mike Green, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), đánh giá.
Nhiều quan chức Nhật Bản cho rằng ông Abe đang nỗ lực hết sức để đạt được kết quả tốt nhất trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Tổng thống Trump đã ngừng than phiền về cam kết an ninh với Nhật Bản, cũng như không còn đề cập đến vấn đề chi phí đóng quân và duy trì khí tài quân sự trong thời gian qua.
Thủ tướng Abe dường như đã giúp giải thích cho ông Trump về tầm quan trọng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản nhằm đối trọng với Trung Quốc. Các cuộc tuần tra tự do hàng hải của hải quân Mỹ trong khu vực phần lớn xuất phát từ căn cứ đặt tại Yokosuka.
Trên phương diện thương mại, ông Abe không thể ngăn nhà lãnh đạo Mỹ áp thuế lên nhôm và thép xuất khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, thủ tướng 64 tuổi cũng tạm thời trì hoãn được các lệnh áp thuế mới nhắm vào ôtô Nhật, một động thái có nguy cơ đẩy quan hệ Tokyo - Washington vào khủng hoảng.
Dù vậy, thái độ của dư luận Nhật Bản dành cho Mỹ đang có dấu hiệu thay đổi trước những diễn biến vừa qua.
Theo Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật Bản tại Washington, sự ủng hộ dành cho nước Mỹ đang giảm dần.
Ông cảnh báo người dân Nhật đang nhận thức rõ sự xói mòn "về giá trị, sự tôn trọng dành cho các thể chế quốc tế và sự cam kết dành cho đồng minh" của Washington dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump.