Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nó còn bé tí thế kia thì đọc sách cái gì?'

Khi cha mẹ tạo môi trường cho bản thân thì sẽ lan toả được điều này tới con cái. Cha mẹ chính là người dẫn dắt và trẻ học rất nhanh.

“Nó còn bé tí thế kia thì đọc sách cái gì?” hay “Đọc nó có hiểu gì đâu” - Đó là những câu hỏi mà bạn có thể gặp khi cầm sách đọc cho đứa con bé bỏng.

Nhưng thực tế, sách chính là một trong những công cụ “bậc thầy” giúp cha mẹ tương tác với con cái, thậm chí từ khi còn sơ sinh.

Vậy đọc như thế nào cho con thì hiệu quả? Với câu hỏi này, thường người nghe muốn một đáp án luôn và ngay. Nhưng để tạo một thói quen, đặc biệt với trẻ, cần một quá trình lặp lại và dịu dàng. Để trẻ cảm nhận được tình yêu thương qua giọng nói, biểu cảm, hành động của bố mẹ thông qua những hình ảnh, câu chữ trong sách là mục đích mà các bạn nên hướng tới.

Lấy ví dụ với chính con tôi. Ở độ tuổi 0-3 tháng, màu đen, trắng, đỏ thường có sự kích thích thị giác. Tôi mua những tập sách liên quan đến các hình có những màu sắc này. Khi con nằm ngửa, tôi nằm cùng chiều với con giơ những tấm tranh màu sắc vừa xem và vừa nói để kích thích thị giác của con. Hoặc ngồi đối diện với con chơi như kiểu ú oà với sách.

Những việc này cần được làm liên tục mỗi ngày. Có khi chỉ 5-10 phút chơi với con như vậy là đủ. Nhưng mỗi ngày như vậy, bé sẽ quen dần với phản xạ nhìn.

doc sach cho con anh 1
Nên đọc sách khi trẻ mới thức dậy hoặc trước giờ đi ngủ, tuỳ theo sức khoẻ và hứng thú của trẻ.

Khi 3-6 tháng tuổi, con đã biết lẫy, trườn, tôi tiếp tục đặt những tấm tranh khổ nhỏ nhưng hình to và màu sắc trước mặt con. Con sẽ tiến đến và sờ, nhìn. Lúc này, mẹ ngồi đối diện chỉ cho con như: Đây là con gà này. Đây là bạn thỏ màu trắng này… Với hình nào, mẹ nói rõ hình đó cho con biết.

Mỗi ngày mỗi khác ở trẻ sơ sinh, mỗi tuần mỗi khác ở tuổi nhũ nhi… Trẻ lớn lên là đi kèm với sự phát triển về vận động, giác quan. Nếu trong quá trình đọc mà trẻ có chán bỏ đi thì bạn hiểu là nên dừng lại. Đừng quá kỳ vọng là trẻ phải tuân theo thời gian sắp xếp của mình.

Con dưới 3 tuổi, tôi ưu tiên những sách tranh ít chữ. Hiện nay, sách cho thiếu nhi rất đa dạng và ehon là lựa chọn tốt cho lứa tuổi này. Đây là dạng sách tranh của Nhật Bản, do những dịch giả là người Việt đang sống ở Nhật hoặc từng nghiên cứu sinh ở Nhật dịch. Cha mẹ khi đọc sách tranh có thể sử dụng những biểu cảm của chính mình để dẫn dắt con vào câu chuyện. Trẻ cũng vì thế mà bắt nhịp được.

Ở độ tuổi trẻ đang học nói, trẻ có thể bi bô các từ theo lời đọc của bố mẹ; khi ấy bạn hãy dừng lại để con được nhìn, được nói. Không quan trọng câu chuyện có kết thúc hay không. Vừa đọc, vừa quan sát biểu cảm của con.

Từ 3 - 6 tuổi, trẻ đã nghe được câu chuyện dài hơn, bố mẹ có thể lựa chọn những sách có nhiều chữ hơn. Nhưng không vì thế mà bố mẹ bắt trẻ kể lại câu chuyện sau khi đọc xong. Vì có thể nhiều trẻ chỉ thích nghe giọng bố mẹ và xem tranh nên nếu bắt kể lại sẽ khiến con có áp lực tâm lý. Khi trẻ chủ động kể, con sẽ diễn đạt lại câu chuyện cho bố mẹ nghe. Lúc đó, chính bản thân bạn cũng bất ngờ.

Giai đoạn trẻ hình thành những sở thích riêng. Ví dụ, bé trai rất thích chơi ôtô thì bố mẹ có thể chọn những sách có chủ đề ôtô để hấp dẫn bé. Các nhà sách, dịch giả nắm được tâm lý này nên với ôtô, các bạn có thể tìm các chủ đề khác nhau như thời tiết qua ôtô, giáo dục thân thể qua chuyện kể một chiếc xe bus… Nhân vật là ôtô sẽ thu hút chính những đứa trẻ yêu thích ôtô.

Cha hoặc mẹ, ông bà hoặc những người gần gũi với trẻ nên là người trực tiếp đọc sách cho trẻ. Đặc biệt là nên đọc sách khi trẻ mới thức dậy hoặc trước giờ đi ngủ, tuỳ theo sức khoẻ và hứng thú của trẻ. Như con tôi, sáng dậy, sau khi ra khỏi giường, con thường vớ một cuốn truyện trên giá sách ở phòng khách và nằm đọc say sưa. Sau đó, con mới làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng.

Tôi vẫn muốn nhắc lại, khi cha mẹ tạo môi trường cho bản thân thì sẽ lan toả được điều này tới con cái. Cha mẹ chính là người dẫn dắt và trẻ học rất nhanh. Đôi khi không nhận ra ngay được nhưng qua thời gian, bạn sẽ thấy chúng lặp lại y hệt hành động của mình.

Ví dụ, từ việc thường xuyên được tiếp xúc sách, thấy cha mẹ đọc sách, đọc cho con nghe, thì từ khi hơn 1 tuổi, trẻ có thể tự mang đến cho bạn quyển sách, bìa tranh đưa cho bạn với ngụ ý: “Đọc cho con” hoặc với những từ ngữ rời rạc của trẻ đang học nói: “Đọc, đọc”; “Đọc đi, đọc đi” hay “Mẹ đọc, ba đọc”.

Do đó, để trả lời đọc sách cho con sao cho hiệu quả chắc hẳn cần bạn đọc sách trước, sự bền bỉ và chăm chút mỗi ngày của bạn. Sự lặp lại này hẳn sẽ là món quà hiệu quả và là trò chơi rất tình cảm của cả gia đình.

An Mai

Bạn có thể quan tâm