Một thập kỷ sau khi Samsung công bố sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, đội ngũ các nhà cung ứng linh kiện điện thoại tại Việt Nam cho gã khổng lồ công nghệ bắt đầu cho thấy sự lớn mạnh và sẵn sàng gia nhập các lĩnh vực sản xuất khác.
Nếu như chỉ có vỏn vẹn 4 doanh nghiệp Việt Nam chen chân được vào chuỗi cung ứng linh kiện của Samsung vào năm 2014, con số này hiện đã tăng lên 29. Theo Nikkei, khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam sẽ được Samsung cấp phép tham gia chuỗi cung ứng linh kiện vào năm 2020.
Samsung thay da đổi thịt cho ngành sản xuất nội địa
Sau 10 năm làm việc cùng gã khổng lồ công nghiệp Hàn Quốc, nhờ công nghệ mà Samsung mang tới để xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam nay bắt đầu vươn mình sang một số lĩnh vực công nghệ cao khác như sản xuất ôtô.
Thời gian đầu Samsung hiện diện tại Việt Nam, số ít các doanh nghiệp nội địa được tham gia chuỗi cung ứng chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Meiko. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Samsung chuyển giao công nghệ nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam và sử dụng nhiều hơn linh kiện do khối này sản xuất, Samsung bắt đầu khởi động chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp nội.
Người khổng lồ Hàn Quốc cử kỹ thuật viên tới các đối tác tiềm năng, chuyển giao công nghệ và kỹ năng vận hành tương xứng với tiêu chuẩn chất lượng mà Samsung yêu cầu trong 3 tháng.
"Người lao động Việt Nam dành nhiều thời gian làm việc hơn một số quốc gia khác, ví dụ như Trung Quốc, vì thế trình độ công nghệ của họ ngày càng được cải thiện", Shuji Ida, giám đốc nhà máy của Meiko Việt Nam, nhận xét.
Một trong các nhà cung ứng chủ chốt của Samsung là Meiko Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Meiko Electronics Nhật Bản. Từ khi thành lập, Meiko Việt Nam chuyên sản xuất các loại bo mạch in, bộ phận không thể thiếu của điện thoại thông minh.
Mới đây, Meiko Việt Nam đã chi 100 triệu USD, khoản đầu tư lớn nhất từng có của doanh nghiệp này, nhằm lắp đặt thêm các cơ sở sản xuất tại nhà máy của công ty tại Hà Nội. Meiko Việt Nam dự định sử dụng công nghệ tương tự với công nghệ bán dẫn để sản xuất các bo mạch với dây cáp rộng chỉ 0,003 mm. Những bo mạch này là công nghệ then chốt giúp làm điện thoại thông minh mỏng và nhỏ gọn hơn, đồng thời giúp duy trì thông tin liên lạc ổn định.
Công nhân sản xuất bo mạch tại nhà máy của Meiko Việt Nam. Ảnh: Nikkei. |
Các cơ sở sản xuất mới của Meiko cũng được sử dụng để sản xuất bo mạch sử dụng trong bộ phận thông tin liên lạc của ôtô, sử dụng công nghệ 5G, hệ thống mạng di động tiếp theo của dòng chảy công nghệ, để cung cấp cho các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản.
Việt Nam là nơi Samsung sản xuất phần lớn điện thoại di động của hãng này, khoảng hơn 200 triệu thiết bị mỗi năm, bao gồm sản phẩm công nghệ mũi nhọn mới nhất của hãng: điện thoại Galaxy S9. Năm 2013, điện thoại di động đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chương trình đào tạo đã thay đổi diện mạo chất lượng của 29 đối tác cung ứng nội địa của Samsung, trong đó có công ty sản xuất màn hình Tiên Thành tại Bắc Ninh hay công ty sản xuất khuôn nhựa Minh Nhật tại Bình Dương.
Các kỹ thuật viên Việt Nam với kinh nghiệm thiết kế sản phẩm cho các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài cũng dần chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp trong nước. Chính nhờ lực lượng lao động chất lượng cao này, các nhà sản xuất nội có điều kiện tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm.
Các nhãn hiệu điện thoại thông minh nội địa bắt đầu xuất hiện. Tập đoàn bất động sản Vingroup mới đây đã khởi động công ty sản xuất điện thoại di động có tên Vinsmart với vốn điều lệ 131 triệu USD. Một nhà máy sản xuất của Vinsmart dự kiến sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp ở Hải Phòng. Vinsmart dự kiến ra mắt dòng điện thoại tầm trung vào tháng 6/2019.
Asanzo, một doanh nghiệp nội địa chuyên sản xuất tivi, dự kiến đầu tư 8,6 triệu USD mở rộng hoạt động sản xuất điện thoại thông minh trong năm 2018. Asanzo lấn sân sang điện thoại thông minh từ năm 2017, cho ra mắt dòng sản phẩm mới mỗi 3 tháng, đặt mục tiêu nâng công suất lên 600.000 thiết bị hoặc cao hơn. Ông Phạm Văn Tam, chủ tịch của Asanzo, cho biết đang xem xét kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ chỉ với 43 USD.
Việt Nam trở thành công xưởng mới của châu Á?
Nhiều ý kiến lạc quan rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng phục vụ chiến lược "Trung Quốc cộng 1" của giới đầu tư nước ngoài, tức xây dựng các cơ sở sản xuất mới tại châu Á ngoài Trung Quốc.
Mặc dù vậy, liệu Việt Nam có thành công trong bước nhảy về nâng tầm công nghệ của mình hay không phụ thuộc rất lớn vào việc hình thành chuỗi cung ứng cho sản xuất điện thoại thông minh.
Môt nhà máy của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei. |
Xuất khẩu điện thoại của Samsung giúp Việt Nam bắt đầu trở thành nước xuất siêu từ năm 2012. Chính phủ hiện vẫn duy trì mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020, với tham vọng tăng cường năng lực nền công nghiệp nội địa trong khi tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác từ các tập đoàn nước ngoài.
Cùng dân số 94 triệu người với độ tuổi trung bình 30 của Việt Nam, nền sản xuất nội địa ngày càng biến chuyển tích cực đang là thỏi nam châm giúp Việt Nam thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hãng sản xuất ôtô của Mỹ General Motors tháng trước công bố hợp tác với Vingroup, theo đó doanh nghiệp này chia sẻ mạng lưới bán hàng và giấy phép sản xuất ôtô cho tập đoàn bất động sản của Việt Nam.
Samsung là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tập đoàn này đã rót tổng cộng 50,5 tỷ USD vào Việt Nam từ năm 1988, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh Samsung, tập đoàn LG Group cũng đang lên kế hoạch lắp đặt thêm các nhà máy ở Việt Nam, đồng thời mở rộng hoạt động tại nhiều lĩnh vực như bán lẻ, bất động sản, tài chính và sản xuất.