Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nike tránh hàng tỷ USD tiền thuế nhờ lách luật

Theo Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), hàng trăm tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đang tiếp tục lợi dụng các thiên đường thuế, trong đó có Nike.

Theo ICIJ, đơn vị vừa công bố khối tài liệu đồ sộ trong Hồ sơ Paradise (Hồ sơ thiên đường), năm 2004, các cơ quan chức năng của Hà Lan đã bật đèn xanh để Nike tuồn hàng chục tỷ USD doanh thu lẽ ra phải chịu thuế ra khỏi châu Âu để cất giữ tại Bermuda, một thiên đường thuế khác.

Dùng thiên đường thuế để lách thuế

Cách Nike lách thuế là một ví dụ điển hình cho việc các tập đoàn đa quốc gia lớn đang đi trước các nhà lập pháp ngành thuế vài bước. Bằng việc xây dựng cấu trúc công ty con chồng chéo tại nước ngoài, cụ thể là tại các thiên đường thuế, để các công ty con này tư giao dịch với nhau, các tập đoàn đa quốc gia thường tìm ra đường để lách thuế.

Những cấu trúc công ty con này phục vụ một mục đích duy nhất là đẩy doanh thu từ những vùng bị đánh thuế mạnh về các thiên đường thuế, nơi các công ty này tránh được hàng tỷ USD tiền thuế.

nike tron thue anh 1

Bên cạnh thỏa thuận có được với Hà Lan, công ty con của Nike tại Bermuda có tên Nike International Ltd. đóng vai trò quan trọng trong bộ máy thuế của hãng này. Qua công ty con này, hãng sản xuất đồ thể thao giữ bản quyền những thiết kế quan trọng để kinh doanh ngoài nước Mỹ.

Công ty con tại Bermuda của Nike có khả năng thu tiền tác quyền từ trụ sở của Nike tại châu Âu, đặt tại Hà Lan. Trụ sở này chính là đầu mối bán hàng cho các nhà bán lẻ và bán buôn các sản phẩm của Nike khắp châu Âu.

Tiền tác quyền thu về chính là hàng tỷ USD lợi nhuận từ thị trường châu Âu, vốn sẽ bị đánh thuế rất nặng. Thay vì chịu thuế, số tiền này vượt Đại Tây Dương để tới hòn đảo Bermuda nằm giữa biển, nơi nhiều tài liệu rò rỉ được ICIJ phân tích cho thấy công ty con của Nike không có một nhân viên nào, toàn bộ công ty con này chỉ tồn tại dưới dạng một vài văn bản đăng ký kinh doanh nằm trong tủ của Appleby, một hãng luật tại Bermuda.

Theo các tài liệu nội bộ của Appleby bị lọt ra, toàn bộ hoạt động của Nike International Ltd., một công ty không có nhân viên, được điều hành từ chính trụ sở chính của Nike ở Mỹ. Trụ sở Nike tại Mỹ cũng sở hữu bản sao con dấu của công ty con đặt Bermuda.

Như vậy, Nike International Ltd. tồn tại với mục đích duy nhất là thuế.

Nhiều năm liền, các khoản phí tác quyền khổng lồ được chuyển đến Bermuda từ các công ty con của Nike tại Hà Lan. Theo hồ sơ đệ trình Tòa án Thuế của Mỹ, Nike đề cập các khoản phí tác quyền chuyển tới Bermuda năm 2010, 2011 và 2012 với tổng số tiền là 3,86 tỷ USD.

Tới tháng 7/2014, lợi nhuận của công ty con Nike International Ltd. đã lên tới 6,6 tỷ USD, số tiền khổng lồ cho một công ty không có dù chỉ 1 nhân viên. Toàn bộ số tiền này chỉ phải đóng mức thuế 3% và tất nhiên Mỹ không hưởng một xu nào trong số tiền thuế vốn đã ít ỏi trên.

Trả lời tòa về vấn đề trên, Nike cho hay hãng "đã tuân thủ toàn bộ các quy định về thuế".

Hà Lan vẫn là miền đất hứa

Năm 2014, thỏa thuận hào phóng kéo dài 10 năm của Nike và các nhà chức trách Hà Lan sắp tới hạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn thuế cho Nike lại tìm ra một giải pháp khác. Chỉ một vài thay đổi nhỏ, đường đi của doanh thu Nike tại châu Âu vẫn sẽ được duy trì, Nike vẫn sẽ tránh được rất nhiều thuế.

Sau khi tái cơ cấu lại nhóm công ty con, trụ sở Nike tại Hà Lan tiếp tục chuyển tiền tác quyền, nhưng không phải đến Bermuda mà là tới một công ty con khác tại Hà Lan.

nike tron thue anh 2

Năm 2015, số tiền này là 982 triệu USD và năm 2016 là 1,13 tỷ USD. Công ty con nhận số tiền này là Nike Innovate CV.

Từ khóa CV là viết tắt của Đối tác trách nhiệm hữu hạn, một khái niệm ra đời năm 1830 và đang trở nên rất phổ biến tại các tập đoàn đa quốc gia lớn bởi nếu được thiết lập cẩn thận, các công ty CV có thể giúp tránh thuế tại Hà Lan và tại nhiều nước khác.

Theo dữ liệu từ Gabriel Zucman, giáo sư kinh tế tại đại học California, Berkeley, một phần sau lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đến từ các công ty con tại Hà Lan, ít nhất là trên giấy tờ.

ICIJ cũng đã rà soát hồ sơ niêm yết của 500 công ty lớn nhất trên các sàn chứng khoán Mỹ và phát hiện, tới tháng 6/2017, có khoảng 214 công ty con của các tập đoàn này là dạng công ty CV ở Hà Lan. Nike có tới 11 công ty con CV.

Kể từ khi chuyển các tài sản sở hữu trí tuệ và thương hiệu từ Bermuda sang các CV tại Hà Lan, lợi nhuận tại nước ngoài của Nike đã tăng trưởng mạnh. Tính tới tháng 5/2017, tổng số lợi nhuận tại các công ty nước ngoài của Nike đã lên tới 12,2 tỷ USD, chịu thuế 2% và Mỹ tiếp tục không được hưởng dù chỉ một xu tiền thuế.

Uber đóng thuế tại Việt Nam như thế nào? Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Uber có cách "lách" thuế vô cùng lắt léo, chạy qua nhiều quốc gia để tối thiểu lượng thuế phải nộp.

Thảo Điền Sapphire và bí ẩn của những ông chủ đến từ thiên đường thuế

Sai phạm của dự án Thảo Điền Sapphire đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc xử lý giữa UBND TP.HCM và HoREA. Đáng chú ý, chủ thực sự của dự án này là ai vẫn là câu hỏi.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm