Kể từ đầu năm, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu lây lan mạnh tại thành phố Lagos và một số khu vực lân cận thuộc bang Ogun. Các chủ trang trại chăn nuôi cho biết dịch tả đang nhanh chóng lan tới nhiều vùng khác của nước này.
Dù chưa có số liệu chính thức, nhiều nông dân tại Nigeria ước tính gần 1 triệu con lợn đã bị mang đi tiêu huỷ. Virus dịch tả đã lan tới khoảng 9 trong tổng số 36 bang của Nigeria, theo The Guardian.
Bà Bello, một nông dân tại hợp tác xã chăn nuôi lợn Oke-Aro, cho biết đơn vị của bà đã tiêu huỷ gần 500.000 con lợn bị nhiễm bệnh.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến dịch lan rộng như thế này. Đây là vụ bùng phát nghiêm trọng nhất”, Ayo Omirin, một nông dân của hợp tác xã Oke-Aro, đã mất khoảng 600-800 con lợn trong đợt dịch.
Trong thập kỷ vừa qua, dịch tả lợn thường xuyên bùng phát ở châu Phi. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2019, “lục địa đen” ghi nhận hơn 60 vụ bùng phát dịch tả. Dù vậy, dịch bùng phát mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây.
Một người nông dân khác, Lawrance Adeleke, đã qua đời sau khi dịch tả khiến gia đình ông “trắng tay”. Con trai của ông, Adedayo, cho biết: “Khi đàn lợn cuối cùng bị tiêu huỷ, bố tôi cảm thấy bất lực vì không thể vực dậy cơ nghiệp. Ông ấy qua đời vài ngày sau đó”.
Nông dân Nigeria đã phải đem hàng trăm nghìn con lợn đi tiêu huỷ trước sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi (ASF). Ảnh: The Guardian. |
Nhiều nông dân ước tính ngành chăn nuôi lợn của Nigeria phải hứng chịu mức thiệt hại khoảng 50,2 triệu USD. Dịch tả lợn châu Phi cũng khiến hơn 20.000 người mất đi việc làm.
Đáng chú ý, dịch tả bùng phát cùng thời điểm đại dịch toàn cầu đang diễn biến phức tạp tại Nigeria. Nước này ghi nhận 17.148 ca nhiễm và 455 ca tử vong vì Covid-19, dẫn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria.
“Nhiều nông dân chăn nuôi lợn sẽ không thể phục hồi trong vòng 2 năm tới. Có những người phải từ bỏ ngành chăn nuôi. Giờ đây, chúng tôi không biết tương lai sẽ ra sao”, ông Omirin chia sẻ.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn trở nên khá phổ biến tại Nigeria. Đối với nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp, đây là một con đường thoát nghèo đầy tiềm năng.
Tổng số đàn lợn tại Nigeria tăng từ 2 triệu con vào năm 1984 lên 7 triệu con vào năm 2009, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Thú y Quốc gia (NVRI). Ở thời điểm hiện tại, con số này có thể đã tăng gấp đôi.
Dù chính phủ Nigeria đang thực hiện một số giải pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng, người nông dân vẫn cho rằng việc phục hồi và bù đắp tổn thất là một nhiệm vụ khó khăn.
Virus tả lợn châu Phi không gây hại cho người song có nguy cơ gây tử vong cao ở lợn. Hiện thế giới vẫn chưa điều chế được vắcxin chống lại chủng virus này. Nigeria cũng không thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh tại các trang trại và lò mổ, không có hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý các bệnh thú y.