Tờ 1.000 naira được thiết kế mới của Nigeria. Ảnh: Reuters. |
Người dân Nigeria từ lâu đã quen với cảnh thiếu xăng định kỳ dẫn đến những hàng dài ôtô nối đuôi nhau trước cây xăng.
Nhưng giờ đây, hàng dài người chờ đợi mòn mỏi và tức giận đã trở thành một cảnh tượng phổ biến bên ngoài các ngân hàng khi đất nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào cuối tháng này.
"Hôm nay tôi chưa ăn gì”, anh Abraham Osundiran, 36 tuổi, nói khi đứng đợi tại một ngân hàng ở thành phố Lagos, trung tâm thương mại chính của đất nước.
Anh Osundiran đã phải nghỉ làm tại công ty trong 2 ngày vì không có tiền mặt để trả tiền taxi. Một số người Nigeria đã chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, nhưng đa số vẫn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt.
"Tôi không có tiền mặt. Tôi đã phải bỏ bữa sáng để có thể đến đây và tôi không biết mình sẽ ăn gì cho đến hết ngày”, anh Osundiran nói.
Đây là tình cảnh chung của nhiều người Nigeria hiện tại.
"Thật kinh khủng. Tôi không thể đi chợ vì tài xế xe buýt muốn nhận tiền mặt. Giờ thì tôi phải cuốc bộ khắp nơi”, thợ làm tóc Lilian Ineh, 26 tuổi, nói với BBC.
"Tôi không có tiền mặt để nhập hàng hóa, vì vậy tôi chẳng còn mấy thứ để bán. Cửa hiệu của tôi ngày càng vắng khách”, chị nói.
Lilian Ineh. Ảnh: BBC. |
Tháng 10/2022, người dân Nigeria được thông báo rằng những tờ tiền cũ đang được thay thế bằng tiền mới. Người dân có 6 tuần để đi đổi tiền cũ. Họ cũng được khuyến khích gửi bất kỳ khoản tiết kiệm tiền mặt nào vào ngân hàng.
Tuy nhiên, giờ đây, việc thiếu những tờ tiền naira được thiết kế mới đang gây ra tình trạng thiếu tiền mặt.
"Họ bảo chúng tôi gửi hết tiền vào tài khoản và giờ chúng tôi không thể lấy tiền của mình ra. Thật không thể chịu nổi", anh Osarenoma Kolawole, 40 tuổi, nói.
Người dân Nigeria chờ đợi trong sự lo lắng và tức giận bên ngoài các ngân hàng để rút được tiền mặt. Nhiều người còn ngủ bên ngoài ngân hàng. Ảnh: BBC. |
Thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt
Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) cho biết họ đã thiết kế lại các tờ tiền mệnh giá cao - 200, 500 và 1.000 naira - để thay thế tiền bẩn trong lưu thông, nhằm giải quyết lạm phát, hạn chế tiền giả và thúc đẩy một nền kinh tế không dùng tiền mặt.
CBN hy vọng việc thiết kế lại các tờ tiền sẽ khiến số tiền do các cá nhân và công ty tích trữ được đưa trở lại hệ thống tài chính.
Cuộc cải cách đã tạo ra một xã hội có vẻ như không dùng tiền mặt - nhưng không phải theo cách mà CBN dự tính.
Người Nigeria gặp khó khăn khi thực hiện thanh toán và chuyển khoản trực tuyến. Các nhà phân tích cho rằng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ một hệ thống thanh toán kỹ thuật số của nước này chưa đủ mạnh.
Ông Paul Alaje, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn quản lý SPM Professionals, cho hay: “Ý tưởng ở đây là hạn chế lượng tiền mặt mà mọi người có thể tiếp cận, nhằm khuyến khích họ thực hiện thanh toán kỹ thuật số, để CBN có thể theo dõi tiền đi đâu”.
"Tuy nhiên, các ngân hàng Nigeria không có khả năng hoặc cấu trúc để thanh toán kỹ thuật số hoạt động trơn tru”.
CBN chưa cho biết liệu sự thiếu hụt tiền mặt hiện tại có phải là cố ý hay không.
Nhà phân tích chính sách và nhà kinh tế Yemi Makinde lập luận: “Chính phủ đã cố gắng thúc đẩy một nền kinh tế không dùng tiền mặt từ lâu. Ý định đó tốt, nhưng không khả thi, bởi hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng và người Nigeria chỉ quen với tiền mặt”.
Anh Abraham Osundiran phải nghỉ làm 2 ngày vì không có tiền mặt để đi taxi đến công ty. Ảnh: BBC. |
Gấp rút đổi tiền
Khi thông báo về việc thiết kế lại tờ naira, CBN cho biết các tờ tiền mới sẽ bắt đầu được lưu hành từ ngày 15/12/2022 và tiền cũ sẽ không còn được lưu hành hợp pháp kể từ cuối tháng 1/2023.
CBN sau đó đã gia hạn thời hạn để người dân đổi tiền cũ đến ngày 10/2. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định 6 tuần là quá ít để quốc gia đông dân nhất châu Phi đổi hết tiền cũ.
Trước khủng hoảng thiếu tiền mặt hiện tại, nhà kinh tế học Mr Alaje lập luận: “Phương án duy nhất hiện nay là đưa các tờ tiền cũ trở lại hệ thống để đáp ứng sự thiếu hụt. Nhưng làm như vậy chẳng khác nào đưa chúng ta trở về vạch xuất phát”.
Khủng hoảng thiếu tiền mặt
Nhiều người cũng đổ lỗi cho các chi nhánh ngân hàng cá nhân.
Theo đó, các chi nhánh ngân hàng cá nhân vẫn tiếp tục phát hành những tờ tiền cũ thay vì tiền mới cho đến gần ngày ngừng lưu hành tiền cũ. Do đó, những tờ tiền cũ vẫn được lưu hành.
Bên cạnh đó, các đặc vụ từ cơ quan chống gian lận của đất nước, Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính, đã đột kích vào một số chi nhánh ngân hàng và bắt giữ những người quản lý bị buộc tội tích trữ những tờ tiền mới trong kho tiền thay vì đưa chúng vào máy rút tiền và đưa cho khách hàng.
"Các ngân hàng không làm tốt công việc phân phối tiền. Những người quản lý ngân hàng đã để dành rất nhiều tiền mới cho người giàu và người có quan hệ. Họ lạm dụng chính sách của ngân hàng trung ương", tiến sĩ Makinde cho biết.
Hậu quả là việc thiếu các tờ tiền naira mới đã ảnh hưởng đến những người chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt hàng ngày, chẳng hạn như người bán hàng rong.
Cô Iya Ruka, 52 tuổi, bán chuối tại một khu chợ ở Ojodu Berger, Lagos. Cô đã phải thích nghi bằng cách chấp nhận chuyển khoản ngân hàng - nhưng điều này không giúp ích gì cho cô khi cô cần tiền.
Iya Ruka. Ảnh: BBC. |
"Tất cả khách hàng của tôi đều nói rằng họ không có tiền mặt, họ sẽ thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, nhưng tôi đến ngân hàng và không có tiền mặt để lấy. Vậy tôi phải làm gì?", cô nói.
Trước tình hình đó, Thống đốc CBN Godwin Emefiele cho biết ông đã thực hiện các bước để đưa thêm tiền giấy mới vào hệ thống với mục đích xoa dịu tình hình.
Hiện khủng hoảng thiếu tiền mặt đã trở thành một vấn đề chính trị lớn với những lời kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari hành động để tránh mất phiếu bầu trong đợt bầu cử sắp tới.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.