Tờ tiền 1.000 naira mới được ra mắt của Nigeria. Ảnh: Reuters. |
Người dân Nigeria sẽ có thời hạn đến ngày 10/2 để đổi tiền giấy 1.000, 500 và 200 naira cũ, theo Reuters.
Ngân hàng trung ương Nigeria (CBN) ra mắt mẫu tiền mới vào tháng trước, nhưng nhiều người cho biết không thể rút tiền mới ở ngân hàng hoặc máy rút tiền.
Việc thiết kế lại các tờ tiền naira mệnh giá cao đã bị chỉ trích nặng nề. Các nhà phân tích nhận định 6 tuần là quá ít để quốc gia đông dân nhất châu Phi đổi hết tiền cũ, theo BBC.
Thống đốc CBN Godwin Emefiele cho biết thời hạn mới cho phép nhiều người ở nông thôn đổi tiền cũ. Sau hạn chót ngày 10/2, người dân sẽ có thêm 7 ngày để trực tiếp gửi tiền giấy cũ tại ngân hàng trung ương.
Trước đó, các nhà lập pháp Nigeria và ứng cử viên tổng thống đối lập Atiku Abubakar đã kêu gọi ngân hàng trung ương gia hạn thời hạn đổi tiền.
“Việc gia hạn sẽ giúp hạn chế hậu quả tài chính cho công dân”, ông Atiku nói.
Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, người dân nước này vẫn phụ thuộc vào tiền mặt, đặc biệt là ở nông thôn không có ngân hàng. Nhiều người lo ngại việc ra mắt các mẫu tiền mới có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
CBN cho biết việc thu hồi các tờ tiền cũ là một phần trong kế hoạch giảm sử dụng tiền mặt và khuyến khích người dân chuyển sang thanh toán kỹ thuật số. Khoảng 1.300 tỷ naira tiền cũ đã được gửi vào ngân hàng kể từ khi công bố kế hoạch đổi tiền vào tháng 10/2022.
Ngân hàng hy vọng sẽ đưa tiền mặt được cá nhân và các tổ chức tích trữ trở lại hệ thống ngân hàng. Vào thời điểm công bố kế hoạch, khoảng 80% tiền giấy Nigeria lưu hành ngoài ngân hàng.
CBN tin rằng đồng tiền được thiết kế lại sẽ giúp họ hiểu rõ hơn tiền lưu thông trong nền kinh tế, từ đó quản lý lạm phát tốt hơn.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.