Nếu người miền Nam có thịt kho trứng vịt để ăn Tết, thì người miền Bắc đón xuân mới cùng món cá kho. Ảnh: Dasavina. |
Sau khi những chiếc bánh cuối cùng được gói xong, bố đi bắc bếp nhóm lửa. Ở góc sân gần gốc cây vú sữa, chiếc nồi đun to tướng được đặt lên ba hòn đá ong cũng to tướng. Sau khi cẩn thận “lót nồi” mấy bó cuống lá dong, bố mới đặt những chiếc bánh dài xuống. Bố giải thích, làm như vậy để tránh bánh bị cháy vì tiếp xúc với đáy nồi.
Củi nấu bánh - những chiếc gộc tre cong queo, sần sùi với rất nhiều hình dáng - được mẹ chuẩn bị từ hàng tháng trước, giờ đã khô nỏ. Trong trí tưởng tượng hồn nhiên của tôi, có chiếc hình con trâu cúi húc nhau, có chiếc là liềm cắt cỏ, có chiếc lại là chiếc bàn chải giặt chiếu...
Bên bếp lửa hồng, tiếng củi cháy tí tách reo vui như giục giã bánh chưng mau chín. Chị em tôi cùng nhau kiếm những củ khoai, củ sắn, bắp ngô đem vùi trong than lửa để “liên hoan” cho đỡ sốt ruột. Chẳng mấy chốc, nồi bánh sôi ùng ục. Thoảng trong làn hơi và khói nghi ngút thấy phảng phất mùi bánh chưng thơm.
Đây là thời điểm rất quan trọng, bố tôi dặn phải canh chừng, không được để nồi cạn nước. Đôi khi khói bếp cay xè khiến chúng tôi chảy cả nước mắt nước mũi, nhưng niềm hân hoan được ngồi trông nồi bánh không vơi. Trái lại, ánh lửa bập bùng càng khiến bao khuôn mặt thêm hồng hào, tươi tắn, những ánh mắt trẻ thơ long lanh chứa chan niềm vui bất tận.
Ngày ấy lại còn có cả tiếng máy bơm tát ao thâu đêm. Đến cuối năm, các đội sản xuất cho bà con tát ao bắt cá. Bọn cá trắm đen, trắm cỏ to cỡ bắp đùi thi nhau trốn chạy dưới lớp bùn đen, cá mè, cá chép có vẻ dễ bắt hơn cả, lũ cá trê, cá chuối trở thành tay trốn tìm siêu hạng mà chỉ bàn tay người nào “sát cá” mới mong tóm được, còn tôm càng, cá rô, cá diếc thì nhiều vô kể, bác trông ao hào phóng dành hẳn cho lũ trẻ con đi “hôi”.
Có những đứa trẻ khôn, khi được xuống ao liền nhanh tay bắt những con cá bự, tìm chỗ bùn sâu nhưng gần bờ dìm xuống để chốc nữa mọi người về hết sẽ lấy lên mang về nhà. Mỗi lần bắt được một con cá, chúng reo to sung sướng, quên cả cái lạnh buốt làm bàn chân bàn tay đỏ rực, tê cóng. Công cuộc bắt cá hoàn thành cũng là lúc bà con tập trung ở sân đình để chia cá. Cá được chia theo khẩu, nhà ai đông thì được chia nhiều, nhà ai ít người thì chia ít.
Tản văn Nhớ ơi là Tết của tác giả Thái Hương Liên. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Từ lúc ấy, các căn bếp sực nức mùi thơm của đủ loại đồ ăn chế biến từ cá: cá nấu canh chua, cá kho, cá rán… Nồi lớn cá kho riềng, đun khô “bén chã” là món ngon để dành ăn bớt ngấy trong những ngày xuân.
Những cậu bé háu ăn đòi mẹ nướng cá trên than hồng, khi mình cá cong lại, mỡ nhỏ xèo xèo, tỏa mùi thơm phức, cậu miệng thổi, cậu tay nhón xé, ngấu nghiến ngon lành.
Chiều ba mươi Tết, bố tôi ra vườn chặt cành đào phai bố chăm chút suốt cả năm trời, mang cắm vào chiếc lọ độc bình to tướng. Chậu gốm trồng cúc đại đóa cũng đơm hoa vàng rực. Mùa xuân đến trong gia đình tôi với sắc vàng hoa cúc, sắc hồng phớt của nụ đào phai và sắc xanh của chiếc bánh chưng.
Trong bữa cơm tất niên tiễn năm cũ, bên thịt mỡ, dưa hành là đĩa bánh chưng mà cả nhà âu yếm dành nhiều thời gian và công sức. Mùi hương trầm thơm ngát quyện trong không khí rạo rực của xuân mới làm hồn tôi lâng lâng. Bộ áo mới sáng đầu năm như có phép nhiệm màu.
Những đồng tiền mới cứng rột roạt trong túi, được đi chúc Tết với bố hay theo mẹ đi lễ cầu may ở chùa làng, tôi ngất ngây, hân hoan lắm. Tết, gương mặt ai cũng tươi vui, không còn đâu nét khắc khổ ngày thường. Trong tâm trí tôi suốt thời thơ ấu, vạn vật ngàyxuân xung quanh rực rỡ và đáng yêu.
Qua dần ngày đông lạnh giá, những hạt mưa bụi mùa xuân lất phất rắc sức sống mãnh liệt lên cả đất trời. Lộc xanh, hoa thắm ngời ngời rạng rỡ… Đâu đó, tiếng chim lảnh lót vang lên, phá tan cái tĩnh lặng của sáng đầu xuân êm ả. Trên bờ đê, sắc tím sắc trắng của hoa đồng nội đẹp mơ hồ trong làn mưa huyền ảo.
Cánh đồng lúa trở về xanh mướt dưới mưa xuân. Thấp thoáng trong bức tranh quê hương tuyệt vời là bóng dáng những người nông dân chăm nom cho thửa ruộng của gia đình, góp phần làm nên mùa xuân trời đất, mùa xuân rất riêng trong mỗi nếp nhà.
Mùa nối mùa đi qua và trả vào lòng người yêu nó những hoa thơm quả ngọt nghĩa tình.