Trần Hoàng Hiếu (27 tuổi, quê Thanh Hóa) ra Hà Nội học tại Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2013. Ở trọ trên phố Minh Khai, cậu luôn nhớ về quãng đường đến trường dài chưa đến 2 km thường xuyên trong tình trạng đông nghẹt.
“Mỗi buổi chiều tan học, tôi đều tránh đi vào đoạn Đại La - Minh Khai. Nếu có lỡ có đi vào là xác định chôn chân 30-40 phút”, Hiếu nhớ lại và cho biết để về nhà, cậu sinh viên khi ấy phải đi vòng qua đường Lê Thanh Nghị - Thanh Nhàn rồi về Kim Ngưu - Minh Khai để tiết kiệm thời gian dù quãng đường có xa hơn đáng kể.
Với chiều dài hơn 5 km, trục Minh Khai - Đại La - Trường Chinh là một trong những đoạn huyết mạch của tuyến vành đai 2. “Con đường đau khổ” hay “điểm đen ùn tắc” là những cụm từ mà người Hà Nội bất đắc dĩ phải dùng để miêu tả khi được hỏi về tình trạng giao thông khu vực này.
Ám ảnh ùn tắc trên trục vành đai huyết mạch
Vào đầu thế kỷ XX, phía đông nam Hà Nội vẫn mênh mông đồng ruộng cùng mạng lưới ao hồ chằng chịt. Tại đây có một con đường trục chính vốn là đoạn thành đất bao quanh kinh thành xưa.
Tới những năm 1960, hai bên đường bắt đầu mọc lên các xí nghiệp với Nhà máy Dệt 8/3, Cơ khí Mai Động, Khóa Minh Khai, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu... Ngã tư Chợ Mơ ngày đó cũng là điểm cuối của tuyến tàu điện kéo dài tới Bờ Hồ, đánh cột mốc hết khu vực nội thành.
Bà Mai Thị Vân (76 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định) lấy chồng về làng Hồng Mai từ năm 1966. Bà kể từ những năm 1980, nhiều người quen dần với hình ảnh nhân viên Sở Giao thông - Công chính (nay là Sở GTVT Hà Nội) cặm cụi đóng từng cột mốc bằng gỗ trước nhà.
“Cọc gỗ đóng giữa nhà tôi, khi hỏi được biết đó là mốc giới mở rộng đường Minh Khai - Đại La. Dọc hai bên phố, từ hàng chục năm trước các cơ quan, xí nghiệp, phải xây dựng phía ngoài mốc giới. Nhà dân xây trong mốc đều được cảnh báo sẽ không được đền bù”, bà Vân kể.
Sau đó khoảng 15 năm, kế hoạch mở rộng phố Minh Khai - Đại La - Trường Chinh bắt đầu được chính quyền sở tại đưa vào các cuộc họp để thông tin đến người dân. Lúc này, nhà chức trách cũng nói về kế hoạch xây dựng một cây cầu lớn bắc qua sông Hồng chạy qua khu vực Vĩnh Tuy với kỳ vọng phân chia lưu lượng xe, giảm ách tắc cho cầu Chương Dương cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế đôi bờ sông Hồng.
Những đoạn ký ức ấy khi được hỏi lại, người Kẻ Mơ xưa đều nhớ như in bởi nó gợi lên ước vọng về một con đường rộng đẹp đi qua hơn nửa đời người.
Hàng chục tòa chung cư chen chúc trên đường Minh Khai. Ảnh: Việt Linh. |
Cùng với nhịp phát triển của Hà Nội, dọc 2 bên đường Minh Khai - Đại La nhà cửa mọc lên dày đặc. Khi làn sóng bất động sản quét qua, hàng chục tòa chung cư cũng được nhồi vào khu vực này, trên nền những nhà máy, xí nghiệp năm xưa.
Hệ quả tất yếu là giao thông thường xuyên quá tải. Đoạn tuyến được coi là trục vành đai quan trọng trở thành nỗi ám ảnh về ùn tắc của người dân thủ đô trong một thời gian dài.
Để giải bài toán ùn tắc, năm 2013, Hà Nội có động thái đầu tiên bằng việc khởi công mở rộng đường Trường Chinh. Tuyến giao thông kéo dài 2 km từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng.
Để thi công, nhà chức trách khi đó phải thu hồi hơn 116.000 m2 đất của 618 hộ dân và 34 cơ quan thuộc quận Đống Đa và Thanh Xuân. Con đường được kỳ vọng hoàn thành năm 2015 - 2 năm sau ngày khởi công tuy nhiên lại liên tục vỡ tiến độ do nút thắt về mặt bằng. Hơn 5 năm sau ngày khởi công, viễn cảnh về đoạn vành đai rộng 8-10 làn xe ngày một xa vời với người Hà Nội.
Đường Trường Chinh chậm tiến độ sau hơn 5 năm khởi công mở rộng, đoạn đường là nỗi ám ảnh ùn tắc, rác thải và ngập lụt. Ảnh: Việt Hùng - Hoàng Đông. |
Bước ngoặt bắt đầu từ giữa năm 2018, một doanh nghiệp được giao đầu tư mở rộng đoạn tuyến Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đồng thời xây dựng đường trên cao đến Ngã Tư Sở theo hình thức BT. Đây là hợp phần được đánh giá là khó khăn nhất bởi chạy qua khu dân cư dày đặc, khối lượng GPMB rất lớn lên tới hơn 3.300 hộ dân, tổ chức.
Ông Đinh Đức Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, luôn nhớ về khoảng thời gian này cách đây 2 năm khi căn nhà số 126 phố Đại La được di dời. Sự việc đánh dấu mốc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
“Đến nửa đêm chúng tôi vẫn ở nhà chủ hộ để vận động và gỡ vướng, khi họ đồng ý chúng tôi phải chụp ảnh lại biên bản đã ký và gửi gấp về công trường”, vị lãnh đạo phường nói và cho biết càng về những căn nhà cuối, áp lực tiến độ càng dồn nén. Ở hai đầu, máy móc kéo đến tấp nập để thi công cùng lúc cả đường trên cao và mở rộng đoạn dưới thấp.
Sau những nỗ lực, chiều hôm ấy, Phó chủ tịch phường Đồng Tâm trực tiếp tới công trường dự án để theo dõi việc tháo dỡ căn nhà. Nút thắt mặt bằng cuối cùng được tháo gỡ cũng là lúc ước vọng về con đường vành đai rộng đẹp đã gần hơn bao giờ hết với người dân nơi này.
Nút thắt mặt bằng cuối cùng được tháo gỡ trên tuyến đường vành đai 10.000 tỷ. Ảnh: Hồng Quang. |
Đổi đời vì nhà ra mặt phố
Những ngày cuối năm 2022, dọc tuyến Đại La - Minh Khai có 2 công trường cùng chạy đua thi công. Một bên là dãy nhà mới ra mặt phố tấp nập xây mới, sửa chữa để kịp cho thuê trong dịp mua sắm cuối năm. Trong khi đó ở giữa tuyến, hàng trăm công nhân cũng gấp rút đưa hạng mục đường trên cao về đích đúng hẹn.
Đường rộng, lại sắp thông xe khiến giá bất động sản cũng vì thế tăng vọt nhiều lần. “Nếu sang tên ngay, giá dao động 280-400 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Còn nếu cho thuê thì căn của tôi cũng được 30-40 triệu/tháng”, người phụ nữ chừng 40 tuổi chỉ vào căn nhà 40 m2 với mặt tiền 5 mét trên phố Đại La và nói.
Căn nhà này trước đây ở trong ngõ, phía ngoài đường lại nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc khiến người phụ nữ không dám nghĩ sẽ sớm có nguồn thu nhập thụ động như bây giờ.
Không chỉ nhà mặt phố, những căn chung cư tại khu vực dọc tuyến vành đai 2 cũng có giá tăng chóng mặt. Thu Trang (ở chung cư Imperia Sky Garden) cho biết cuối năm 2018, chị mua căn hộ rộng 74 m2 với giá chừng hơn 2,7 tỷ đồng. Hiện tại, căn hộ này đã có người trả hơn 3,5 tỷ đồng để mua lại. Xu hướng tăng giá cũng được ghi nhận ở hầu hết dự án lân cận như Vinhomes Times City, Green Pearl, Hinode City... Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, dữ liệu từ CBRE trong quý II/2022 cũng ghi nhận giá bán trung bình của chung cư khu vực quận Hai Bà Trưng tăng trên 10% theo năm.
Trước khi có mặt tiền trải dài trên trục vành đai 2, khu chung cư Imperia Sky Garden chỉ có một lối vào nhỏ do bị chắn bởi dãy nhà dân. Ảnh: Việt Linh. |
Là trưởng nhóm hiện trường tư vấn quản lý dự án, anh Đào Đăng Hiệp đánh giá đây là công trình có áp lực tiến độ “khủng khiếp” trong suốt hơn chục năm làm nghề.
Theo định kỳ, mỗi tuần một lần, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội sẽ ngồi lại với chủ đầu tư và nhà thầu để rà soát tiến độ dự án cũng như quản lý chất lượng công trình. Trong khi đó tại công trường, nhà thầu và tư vấn giám sát sẽ họp kiểm điểm tiến độ hàng ngày.
“Có những khoảng thời gian chúng tôi phải họp 2 lần/ngày, buổi sáng sẽ đề ra công việc cần hoàn thành, cuối ngày sẽ tổng kết đánh giá tiến độ và chất lượng của công việc đó. Không khí rất quyết liệt, mọi vấn đề đều được quy trách nhiệm đến từng người cụ thể”, anh Hiệp kể lại.
Chỉ về phía nút giao Ngã Tư Vọng, anh Hiệp nói đây là hạng mục phức tạp nhất của dự án. Độ cao tính từ nền đường tới mặt đất lên tới gần 30 m - gấp 1,5 lần các trụ cầu của các công trình tương tự. Nhịp cầu dài 90 m này có tổng trọng lượng khoảng gần 1.000 tấn bê tông.
“Nguyên nhân phải xây dựng trụ cầu cao như vậy là trong tương lai, tại đây sẽ xây dựng thêm tuyến đường sắt trên cao đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên”, anh Hiệp giải thích.
Khác với những dự án tương tự khi các phiến dầm được đúc sẵn từ nơi khác rồi mang đến lắp ghép, tại đường vành đai 2 trên cao, nhà thầu sử dụng công nghệ đúc trực tiếp bê tông cốt thép trên đà giáo di động. Một kỹ sư cho hay ưu điểm của công nghệ này là có thể thi công trong điều kiện không gian nhỏ, hẹp, không ảnh hưởng tới giao thông phía dưới, song nó đòi hỏi kỹ thuật cao và áp lực lớn về tiến độ. Trong khi đó, các xe chở bê tông với kích thước lớn chỉ có thể hoạt động vài giờ vào ban đêm.
Công nhân thi công trên đỉnh trụ cầu cạn cao nhất Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Bốn năm kể từ ngày khởi công, các mốc tiến độ của dự án vành đai 2 liên tục về đích, từ hợp phần mở rộng đường dưới thấp tới những đoạn tuyến trên cao. Cuối tháng 11, dự án hoàn thành khoảng 95% tổng khối lượng công việc, sẵn sàng thông xe toàn tuyến vào dịp Tết Dương lịch 2023.
Băn khoăn nút thắt Ngã Tư Sở
Trước thông tin mảnh ghép cuối cùng của đoạn vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sắp hoàn thành, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, nhận định đây là tín hiệu rõ ràng nhất về sự "giải cứu" giao thông cho khu vực dày đặc dân cư phía đông nam Hà Nội.
"Trước mắt, người dân sẽ có thêm một tuyến vành đai rộng rãi sau thời gian dài lựa chọn của họ chỉ là những con đường 2-4 làn xe cùng mạng lưới ngõ ngách", vị chuyên gia phân tích.
Cùng với cầu Vĩnh Tuy 2 dự kiến thông xe giữa năm 2023, 2 đại dự án với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ được nhận định sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển và phát triển đô thị các quận, huyện phía đông Hà Nội. Người tham gia giao thông từ phía bên kia sông Hồng sẽ dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố.
Vành đai 2 chạy qua khu vực dân cư dày đặc ở phía đông nam Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, ông Bình cũng bày tỏ băn khoăn về nút thắt Ngã Tư Sở. Điểm kết thúc cùng nhánh lên xuống của đường trên cao cách nút giao này khoảng 150 mét. Vị chuyên gia cho rằng với tính chất giao thoa giữa các trục hướng tâm và đường vành đai, cộng thêm tốc độ lưu của đường trên cao khá nhanh (80 km/h), sẽ tạo áp lực rất lớn lên nút giao đã mãn tải này. Hơn nữa, quanh khu vực là những khu vực dày đặc dân cư, nhà cao tầng nhưng lại thiếu những trục hướng tâm thay thế.
"Có quá ít lựa chọn để giải bài toán tại Ngã Tư Sở bởi các hướng đều là trục giao thông quan trọng. Nếu không sớm có giải pháp, 2 dự án 12.500 tỷ sẽ không có nhiều ý nghĩa bởi tài xế sẽ bị kẹt lại hàng chục phút ở Ngã Tư Sở", ông Bình nói và cho rằng về lý thuyết, việc để luồng xe lớn đâm thẳng vào Ngã Tư Sở như hiện nay là không hợp lý.
Tuy nhiên, chuyên gia giao thông cho rằng không nên phủ nhận về ý nghĩa của tuyến vành đai 2 trên cao. Việc đầu tư tuyến đường là cần thiết cho không gian phát triển tương lai của Hà Nội.
Về giải pháp căn cơ và tối ưu, ông Phan Lê Bình cho rằng cần sớm đầu tư hoàn chỉnh đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy theo quy hoạch toàn tuyến vành đai 2 đã được phê duyệt. "Khi đó, trục vành đai 2 sẽ thông suốt từ cầu Vĩnh Tuy tới cầu Nhật Tân", ông nói thêm.
Ngã Tư Sở là điểm đen ùn tắc bởi mật độ giao thông rất cao. Ảnh: Hồng Quang. |
5 năm sau ngày ra trường, Trần Hoàng Hiếu hiện là chuyên viên của một công ty bảo hiểm. Cựu sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân đã dời phòng trọ và quyết định mua một căn hộ chung cư trên phố Minh Khai. Lý do cậu đưa ra là đã quen lối sinh hoạt tại khu vực này đồng thời kỳ vọng vào dự án 10.000 tỷ sẽ mang lại diện mạo mới cho khu vực.
Lái xe trên tuyến đường 10 làn được thảm nhựa êm thuận, Hiếu bối rối khi cố nhớ lại cảnh xe cộ chen chúc trên con đường đi học về vài năm trước. Cột điện cùng dây cáp chằng chịt 2 bên giờ cũng đã được thay thế bằng hàng giáng hương tỏa bóng xanh mát.
Tuy nhiên, hành trình của cậu đến công ty trên đường Nguyễn Trãi sẽ có thêm thách thức mới khi nỗi lo ùn tắc tại Ngã Tư Sở khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Sơ đồ đoạn tuyến vành đai 2 từ Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở. Ảnh: Minh Hồng. |