Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Niềm tự hào của những người giặt khăn, thay giấy

Chuyến bay tình nguyện đầu tiên sang Trung Quốc trong mùa dịch, Nguyễn Văn Ngọc nói dối mẹ: “Con đi có việc, mấy ngày tới không về” rồi xách ba lô quần áo ra khỏi nhà.

Một ngày cuối tháng 2/2020, chiếc Airbus A350 kết thúc chặng bay quốc tế, hạ cánh sân bay Nội Bài. Vài phút sau, chiếc xe thùng kín từ chân máy bay lăn bánh tiến về kho vật tư, bên trong là hơn 300 tai nghe và khoảng 30 bộ chăn, gối đã qua sử dụng.

Nguyễn Văn Ngọc đứng trước cửa kho cùng hai nhân viên bộ phận thu hồi - đội cung ứng vật tư, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay VIAGS. Cả ba kín mít trong những bộ đồ bảo hộ trắng giống hệt nhau, nhìn chiếc xe tiến lại gần. Trong 8 năm, Ngọc đã đón hàng nghìn chuyến xe thế này, nhưng chưa khi nào cảm thấy nôn nao kỳ lạ đến vậy. Hôm đó, Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đưa công dân về từ vùng dịch.

Dịch Covid 19 biến mỗi nhân viên trong ngành hàng không như anh Ngọc thành đối tượng có nguy cơ lây nhiễm hàng đầu, khi phải tiếp xúc và xử lý vật phẩm đã qua sử dụng của đoàn khách về từ vùng dịch.

Ngọc và đồng nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc mình làm một cách hiển nhiên: “Không có chúng tôi, hành khách chẳng có đồ gì dùng trên máy bay”. Họ là những người giặt sấy, đóng gói, chuẩn bị chăn sạch sẽ, thơm tho cho trong mỗi chuyến bay dài; khử trùng và quấn gọn gàng từng tai nghe hành khách bỏ lại sau khi hạ cánh, lấp đầy gel rửa tay và 5 loại giấy vệ sinh trong từng buồng toilet.

Vietnam Airlines,  VIAGS anh 1

Ngọc thú thật: “Biết chuyến hồi hương nào cũng có vài ca dương tính, nhưng đã là nhiệm vụ, phải hoàn thành”.

Họ dặn dò nhau cẩn trọng gấp 10 ngày thường, vì nhận thức được một sự đãng trí nhỏ có thể trả giá bằng nhiều tính mạng con người.

Ngày cao điểm, ở cảng hàng không Nội Bài có khoảng 400-500 chuyến bay cất cánh. Điều này đồng nghĩa với hàng chục nghìn danh mục vật tư cần được VIAGS chuẩn bị sẵn sàng trong kho từ đêm hôm trước. Từng chiếc xe thùng đến với họ, đựng những chiếc chăn dính tóc, đổ cà phê hay nước sốt đồ ăn, hàng trăm chiếc tai nghe dây rối mù, quấn thành từng búi. Dưới bàn tay của nhân viên đội cung ứng vật tư, tất cả chuyến xe từ kho chở theo những vật tư này, nhưng sạch, gọn như chưa từng sử dụng.

Xưởng làm việc rộng khoảng 500 m2, chia làm nhiều khu, ứng với từng loại vật phẩm cần xử lý. Trong khu giặt sấy, sau khi tiếp nhận chăn, gối, nhân viên sẽ phân loại đồ để giặt riêng theo màu sắc và chất liệu. Từng chiếc chăn được lật kỹ để kiểm tra. Các vết bẩn khó xử lý sẽ giặt ở máy chuyên dụng, theo mức nước, nhiệt độ sấy và thời gian khác. Ở cuối dây chuyền, chăn giặt sấy sẵn sàng gấp gọn và đóng lại vào túi nylon, dán kín. Hành khách là người duy nhất tiếp xúc khi đã qua xử lý.

Là kíp phó phụ trách 23 nhân viên ở mọi độ tuổi, Ngọc vừa tham gia xử lý vật tư với đồng nghiệp, vừa tiếp nhận lịch bay trong ngày, lên số lượng từng loại và phân công phần việc cho mọi người. Công việc của kíp vệ sinh và điều hành bay liên quan trực tiếp đến độ đúng giờ cất cánh, nên bị ép bởi những mốc thời gian tính theo phút. Đội của Ngọc lại phụ trách lượng vật phẩm lớn, trong khi nhân viên không thay đổi, bất kể mùa bay cao hay thấp điểm. Tăng ca, do đó, không còn là câu chuyện mới với họ.

Bệnh dịch đến, nhiều đường bay bị hạn chế. Công việc giảm nhưng người làm dịch vụ hàng không lại đối mặt những nguy cơ sát sườn: Chuyến bay “giải cứu” người Việt năm châu ồ ạt trở về nước.

Đối phó với dịch bệnh, Vietnam Airlines chủ trương giảm vật tư không thiết yếu, hạn chế đến mức tối thiểu tiếp xúc. Tai nghe vẫn cung cấp với những chặng bay trên 3 giờ và chăn gối cho khoang thương gia, khách cao tuổi, trẻ em, người sức khoẻ kém. Toàn bộ máy bay được phun khử khuẩn bằng Chloramine - B ngay sau khi hành khách và phi hành đoàn rời đi.

Song, các vật tư ở khoang VIP, chất liệu đắt tiền, dễ bị ố vàng bởi dung dịch khử khuẩn, buộc xử lý bằng quy trình riêng, không phun Chloramine. Trong toàn bộ quá trình tiếp xúc, từ khi thu gom đến bàn giao, trở về khu giặt sấy, các nhân viên đều tự bảo vệ bằng đồ bảo hộ. Các chăn này cũng giặt bằng máy riêng để hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Đón những chiếc xe thùng chở vật tư của chuyến bay vùng dịch, Ngọc cùng đồng nghiệp mở từng túi nylon niêm phong, đánh số hiệu chuyến, thoáng lo lắng. Không ai biết thứ mình sắp cầm lên từng qua tay của bệnh nhân dương tính hay chưa. Thế rồi họ tặc lưỡi, kéo lại đôi găng tay rồi ai vào việc nấy. Một năm nay, không biến cố bệnh dịch nào de đoạ được “địa hạt” 500 m2 của nhóm cung ứng vật tư.

Mở cửa bước vào “địa hạt” của nhóm cung ứng vật tư, bất cứ thời điểm nào trong ngày, bạn cũng thấy từng tốp nhân viên đeo khẩu trang và găng tay tất bật trong dây chuyền công việc. Căn phòng nhỏ nhất khoảng 20 m2 phía bên trái cửa ra vào, song lại có công nghệ cao nhất cả xưởng như máy khử khuẩn tai nghe bằng ánh sáng tia cực tím.

Chiếc máy kết cấu gần giống thiết bị soi chiếu an ninh sân bay, được trang bị băng chuyền và hệ thống tia tử ngoại chiếu từ trên xuống và dưới lên. Tai nghe qua sử dụng bàn giao về kho và qua khu vực khử khuẩn. Nhân viên sẽ điều chỉnh tốc độ băng chuyền, tuỳ thuộc kích thước tai nghe và độ rối của dây để đảm bảo toàn bộ bề mặt tiếp xúc tia UV. Vietnam Airlines cũng là hãng bay hiếm hoi ở Việt Nam áp dụng kỹ thuật này trong ngày thường lẫn mùa dịch để khử khuẩn vật tư.

Thế nhưng, chiếc máy chiếu UV hiện đại mới chỉ hoàn thành một nửa công việc. Ở góc khác của kho, hai nhân viên ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn lớn - nơi những bước cuối cùng của việc khử khuẩn tai nghe được thực hiện. Với vai trò phó trưởng kíp, phân công việc cho mọi người, anh Ngọc luôn dành bước này cho nhân viên “trầm tĩnh, trung tuổi, tỉ mỉ”, bởi đây là phần việc vất vả và tốn công sức nhất.

“Bạn có bực mình mỗi lần gỡ dây tai nghe rối bù của mình để cắm vào điện thoại nghe nhạc không? Vậy hãy tưởng tượng việc bạn phải ngồi gỡ 2.000 dây tai nghe vướng vào nhau một ngày”, anh Ngọc cười, giải thích về từ “tốn công sức” mình nhắc đến.

Người “trầm tĩnh, tỉ mỉ” ngồi phía đầu bàn, bằng sự kiên nhẫn của mình lấy ra từng chiếc tai nghe, dùng cồn 70 độ tẩm trong khăn trắng tinh, lau từ đầu đến cuối, nhất là phần đầu giắc cắm và khung vòng qua đầu. Các tai nghe của Vietnam Airlines đều trang bị mút dùng một lần cài hai bên trái - phải. Do đó, ngoài việc gỡ rối và tẩm cồn, nhân viên này kiêm thêm việc rút bỏ phần mút qua sử dụng.

Cuối bàn, những nhân viên tỉ mỉ còn lại cắm tai nghe đã lau cồn vào ổ để kiểm tra chất lượng. Thiết bị hoạt động bình thường sẽ báo sáng cả hai đèn, còn lại không đủ tiêu chuẩn bị vứt bỏ. Ở công đoạn cuối, nhân viên này cuốn gọn dây của tai nghe tốt thành từng vòng rồi bỏ vào trong túi nylon cùng 2 chiếc mút mới. Khi chưa có dịch, mỗi ngày họ xử lý hơn 10.000 chiếc như thế.

Năm 2020, Ngọc còn bốn lần tham gia những chuyến bay vận chuyển hàng hóa, đều có đích đến là điểm nóng dịch bệnh: Trung Quốc và Nhật Bản. Chuyến bay chở khách giảm, song nhận thấy nhu cầu vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng, Vietnam Airlines thêm chuyến bay chở hàng trên cabin. Về nhân lực, hãng kêu gọi sự tình nguyện của các thành viên.

Lời kêu gọi nhân viên các bộ phận “tình nguyện lên đường” của Vietnam Airlines được hồi đáp trong chưa đầy 24 tiếng. Chuyến bay theo đoàn vận chuyển hàng hoá đầu tiên của Ngọc sang Bắc Kinh (Trung Quốc) cuối tháng 3.

“Có sợ dịch không á? Sợ thì tôi đã không xung phong”, Ngọc tự tin.

Từ sân bay Nội Bài, anh và đồng nghiệp xếp hàng hoá từ xe nâng vào cabin. Tới điểm dừng, nhân viên sân bay sở tại nhận hàng ở cửa máy bay. Toàn bộ thời gian chỉ khoảng 2 giờ. Công việc nghe đơn giản, nhưng không dành cho tất cả. Để được lựa chọn, Ngọc nằm trong số nhân viên có hộ chiếu trong sáng, sức khoẻ tốt và có kinh nghiệm làm việc lâu năm, quen nhịp ban đêm. Tám thành viên đoàn bay đều được phát quần áo bảo hộ và khẩu trang, nhưng Ngọc vẫn mang thêm vài khẩu trang đề phòng.

Vietnam Airlines,  VIAGS anh 2

Kết thúc việc bốc dỡ hàng hoá ở cửa máy bay, tất cả được phun khử khuẩn, sau đó mới tháo bỏ, để vào túi nylon niêm phong, đánh số hiệu để tiêu huỷ khi về Việt Nam. Sau đó, Ngọc cách ly 14 ngày trước về với gia đình và công việc. Chuyến bay đầu tiên sang Bắc Kinh, Ngọc xếp đôi bộ quần áo vào balo rồi đi, chỉ dặn bố mẹ: “Mấy ngày tới con không về”. Cha mẹ anh quen nếp làm việc thất thường của con, cũng không hỏi han nhiều. Nhưng lần này thì khác.

Ngày thứ ba trôi qua ở khu cách ly, mẹ Ngọc gọi qua video. Linh cảm mách bà biết nơi con trai đang nằm không phải chiếc giường ở khu nghỉ ngơi dành cho nhân viên như anh nói. “Con đang đi cách ly”, Ngọc đành thú nhận rồi kể lại đầu đuôi hành trình, chỉ trừ chi tiết anh tình nguyện đi.

“Việc cơ quan giao, con không trốn tránh được”, Ngọc dùng lại một lý do suốt 8 năm nay để bao biện cho những lần vắng nhà quan trọng. Anh biết chỉ cần là nhiệm vụ được giao, mẹ anh sẽ xuôi lòng và ngưng mọi phàn nàn, trách móc.

Nhiều năm nay, những bức ảnh Tết chụp gia đình chẳng khi nào có mặt anh vì logic quen thuộc của người làm hàng không “khi mọi người vào mùa nghỉ ngơi, mình vào mùa bận bịu”. Những dịp tụ tập bạn bè, hẹn hò cũng xếp sang một bên, ưu tiên cho hành khách. Anh tếu táo chỉ vào mấy nam đồng nghiệp độc thân cùng bộ phận: “Bố mẹ chúng tôi giờ chán không hỏi bạn gái nữa. Giờ chỉ hỏi tối có về ăn cơm?”.

Video - Niềm tự hào của những người giặt khăn, thay giấy Chuyến bay tình nguyện đầu tiên sang Trung Quốc trong mùa dịch, Nguyễn Văn Ngọc nói dối mẹ: “Con đi có việc, mấy ngày tới không về” rồi xách ba lô quần áo ra khỏi nhà.

Nhà cách đường băng chưa đầy 10 km, tuổi thơ của Ngọc như nhiều đứa trẻ khi đó, choáng ngợp bởi sải cánh dài của những con chim sắt. Ngày nhỏ, dù đang mải chơi gì, chỉ cần nghe tiếng ù ù của động cơ trên đầu, anh cùng lũ bạn lại ngước mắt lên trời, rú lên sung sướng khi vào một ngày nắng quang mây, máy bay cất cánh trông thật to, thật rõ.

Ước mơ của đứa trẻ ven đô Sóc Sơn, sống cạnh sân bay không dừng lại ở việc “đi máy bay cho biết”. Hoàn thành 4 năm học ngành Quản trị kinh doanh, năm 2012, Ngọc nộp đơn xin việc vào Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam, trải qua bốn vòng thi tuyển để chính thức làm việc vào ngày đầu tiên của năm 2012. “Tôi sẽ không quên ngày ấy, nó mở đầu hành trình tôi không bao giờ từ bỏ”, Ngọc khẳng định chắc nịch.

Năm 2020 khép lại bằng những diễn biến chưa có dấu hiệu thuyên giảm của dịch bệnh trên toàn thế giới. Song với Ngọc và ê-kíp, năm qua vẫn là hành trình đẹp, khi đồng nghiệp an toàn và hàng trăm nghìn đồng hương được trở về đất nước trên những chuyến bay giải cứu của Vietnam Airlines. Đằng sau hành trình hồi hương lịch sử ấy là niềm tự hào lặng lẽ của Ngọc và những người làm nhiệm vụ “giặt chăn, thay giấy”.

Giang Di Linh

Đồ họa: An Du

Bình luận

Bạn có thể quan tâm