Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những xu hướng di động sẽ bùng nổ trong năm 2014

Các thiết bị di động sẽ tiếp tục biến đổi và đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ cao của năm 2014.

Nở rộ các thiết bị đeo

Khái niệm "các thiết bị thông minh đeo được" (Wearable) đã được nhiều hãng công nghệ trên thế giới đón nhận và ra mắt một vài sản phẩm"mở đường" trong năm 2013, chẳng hạn như đồng hồ thông minh Pebble, Sony Smartwatch, Samsung Galaxy Gear.

Tuy nhiên, trong năm qua, các sản phẩm này dường như chỉ là một bước đi mang tính thử nghiệm và thăm dò thị trường. Một vài nhà sản xuất mặc nhiên coi đồng hồ thông minh như một phụ tá của smartphone, số khác còn tạo ra những chiếc "vòng thông minh" để theo dõi sức khỏe của người dùng. 

iWatch và Google Glass là hai thiết bị Wearable được chờ đợi trong năm 2014.

Trong khi đó, hai kẻ lọc lõi trong thế giới công nghệ là Apple và Google vẫn chưa vội tung ra thiết bị Wearable của mình trong năm 2013. Nhiều khả năng những sản phẩm này sẽ được giới thiệu trong năm 2014. Hiện tại, chiếc kính thông minh Google Glass vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và tạo lập hệ sinh thái ứng dụng, và thông tin về đồng hồ thông minh của Apple vẫn còn trong vòng bí mật. 

Không chỉ các ông lớn, rất nhiều những công ty khởi khởi nghiệp non trẻ cũng đã và đang đua nhau sản xuất nhiều thiết bị Wearable độc đáo nhờ vào hình thức gọi vốn từ cộng đồng (Kickstarter, IndieGogo,...) và bài học thành công từ Pebble.

OTT tiếp tục phát triển gia tăng ảnh hưởng

Nhiều người vẫn còn "đánh đồng" OTT với các ứng dụng như Zalo, Viber,.. Khái niệm OTT còn bao gồm cả ứng dụng, giải pháp và các dịch vụ nền web không do nhà mạng cung cấp. Chẳng hạn như YouTube, Skype, Facetime, iMessage, Xbox 360, Apple TV,.. Tuy nhiên, các ứng nhắn tin miễn phí vẫn đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của OTT vì gắn liền với các thiết bị di động và đáp ứng được nhu cầu liên lạc hằng ngày của người tiêu dùng.

Cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng dụng OTT. Ảnh Thành Duy.

Trong năm 2014, OTT tại Việt Nam được dự báo sẽ nổ ra một cuộc đua song mã giữa Viber và Zalo. Viber là một ứng dụng có nguồn gốc từ Israel, đang manh nha đánh vào đối tượng người dùng thường xuyên thực hiện các cuộc gọi từ nước ngoài và được nhiều người dùng Việt Nam biết đến. Trong khi đó, Zalo của VNG có lợi thế  hơn tại thị trường trong nước với 7 triệu người dùng, 77 triệu SMS gửi đi mỗi ngày, "đánh bay" các OTT ngoại như LINE (Nhật Bản) và Kakao Talk (Hàn Quốc).

Tại Việt Nam, ngoài hai gã khổng lồ Viber và Zalo, một vài nhà mạng cũng đang bắt tay với OTT của nước ngoài để phát hành gói dịch vụ tin nhắn và mạng xã hội có phí. Tuy nhiên, các dịch vụ này chưa có lợi thế về cộng đồng người dùng và chưa thể hiện được dấu ấn rõ rệt trong năm 2013.

Trên bình diện toàn cầu, OTT vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ theo hai hướng chính: ứng dụng nhắn tin và dịch vụ truyền hình Internet theo yêu cầu. Đây là xu hướng "không thể cưỡng lại" theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực VNTT và Viễn thông. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (nhà mạng hay ISP) cũng phải chấp nhận và tìm cách để cùng tồn tại với các OTT, giống như họ đã từng "sống chung" với mạng xã hội cách đây vài năm. 

Thiết bị thông minh sẽ phải "hiểu" con người hơn

Năm 2013 có thể coi như một năm "bản lề" khi nhiều hãng Công nghệ tích hợp các cảm biến sinh trắc học, cảm biến chuyển động, nhận dạng khuôn mặt, theo dõi nhãn cầu,... vào các thiết bị thông minh. Ví dụ rõ ràng nhất là hệ thống điều khiển không cần chạm trên Samsung Galaxy S4, hay nút home nhận diện vân tay trên iPhone 5S của Apple.

Thiết bị di động sẽ phải "hiểu" mệnh lệnh từ người dùng qua những thao tác đơn giản không chạm. Ảnh: OTbox

Trong năm 2014, nhiều dự báo cho thấy các hãng công nghệ sẽ tiếp tục phát triển thiết bị theo hướng "hiểu" con người hơn. Hay nói cách khác là các sản phẩm phải được biến đổi để phục vụ được tất cả mọi người, ngay cả những người thiểu năng. Người dùng không cần phải nỗ lực để tiếp cận công nghệ, mà chính công nghệ phải thân thiện và dễ dàng hơn để phục vụ cho người dùng. Đây cũng là "kim chỉ nam" cho những sản phẩm công nghệ của Giáo sư Hiroshi Ishiguro - nhà thiết kế robot nổi tiếng thuộc ĐH Osaka (Nhật Bản) và đang ngày càng được giới công nghệ cao tiếp thu.  

Năm bùng nổ của máy ảnh số không gương lật

Máy ảnh không gương lật (mirrorless) đang ngày càng đe dọa doanh thu của DSLR, đây là điều mà nhiều hãng sản xuất đã nhận ra trong năm 2013. Với kích thước gọn nhẹ nhưng cho chất ảnh tương đương với DSLR, máy ảnh không gương lật đang là một sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng với những thương hiệu quen thuộc như Sony Nex, Samsung NX,...  Hiện nay, Sony, Samsung và Panasonic và hàng loạt các nhà sản xuất khác đang tích cực với cuộc đua với máy ảnh số không gương lật. Trong khi Canon và Nikon - hai tượng đài của nhiếp ảnh hiện đại vẫn còn đang do dự trước xu thế mới mẻ này.

Máy ảnh Mirrorless có kích thước nhỏ gọn nhưng khả năng chụp ảnh không hề thua kém DSLR. Ảnh: KTPhoto

Trong một sự kiện diễn ra vào cuối tháng 11, ông N.Yoshida, Tổng giám đốc Canon Việt Nam chia sẻ với Zing.vn rằng hãng "quan tâm đến Mirrorless nhưng vẫn chưa đặt nặng việc sản xuất những chiếc máy ảnh số không gương lật". Dường như việc sản xuất máy ảnh Mirrorless sẽ "ăn" vào doanh số bán DSLR, mảnh đất và Canon và Nikon hiện nắm thị phần lớn.

"Mãnh hổ nan địch quần hồ", nhiều nhà sản xuất đã và đang tấn công vào thị trường máy ảnh không gương lật, Canon và Nikon có lẽ sẽ không thể ngồi yên. Trong quá khứ, "Cựu hoàng" Kodak, hãng sản xuất máy ảnh phim và máy in lớn nhất thế giới, đã lụn bại và phá sản khi "ngó lơ" việc phát triển máy ảnh kĩ thuật số. Ngày nay, Miroless không phải là một cái gì đó mang tính cách mạng, nhưng là xu thế thuộc về "di động", khái niệm đã và đang cuốn cả thế giới công nghệ vào guồng xoáy cạnh tranh.   

Duy Tín

Bạn có thể quan tâm