Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vụ trộm tranh ly kỳ

Vụ trộm bức Mona Lisa ở bảo tàng Louvre (Pháp), hay vụ trộm tranh nhanh nhất lịch sử ở Zurich, Thụy Sĩ... được những tên trộm thực hiện một cách tài tình và ly kỳ.

Những vụ trộm tranh ly kỳ

Vụ trộm bức Mona Lisa ở bảo tàng Louvre (Pháp), hay vụ trộm tranh nhanh nhất lịch sử ở Zurich, Thụy Sĩ... được những tên trộm thực hiện một cách tài tình và ly kỳ.

Vụ trộm tranh đầu tiên trong lịch sử

 Bức tranh "The Last Judgement".

"The Last Judgement", bức tranh của Hans Memling, nổi tiếng vì là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên bị lấy trộm và bán đi được ghi lại trong lịch sử. Bức tranh bị những tên cướp biển lấy cắp khi chúng ghé qua Florence, Italy. Thuyền trưởng hào phóng của chúng sau đó tặng lại cho một nhà thờ ở Gdansk, Ba Lan. Dù chính quyền thành phố Florence cố gắng hết sức để lấy lại bức tranh, nhưng nó vẫn ở Gdansk trong hơn 500 năm qua.

Bức tranh Mona Lisa giấu trong áo khoác

 Tên trộm Vincenzo Peruggia.

Ngày 21/8/1911, các bảo vệ kiểm tra bảo tàng Louvre ở Pháp thì phát hiện bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonad Da Vinci bỗng dưng biến mất. Bảo tàng lập tức bị đóng cửa một tuần để tiến hành một cuộc điều tra mang tầm quốc tế, nhưng không phát hiện điều gì. Thậm chí, đối tượng thẩm vấn bao gồm cả danh họa Picasso và nhà thơ Appolinaire. 2 năm sau, người đàn ông tự xưng là Leonardo liên lạc với một thương gia người Italy và nói rằng, ông ta có bức tranh Mona Lisa. Ngay lập tức, cảnh sát đặt bẫy và tóm gọn tên trộm. Người này khai nhận tên thật là Vincenzo Peruggia và từng làm việc ở bảo tàng Louvre. Theo Peruggia, trong một phút bốc đồng, hắn ta lấy bức tranh treo trên tường, trong khi căn phòng trống rỗng vì người bảo vệ ra ngoài hút thuốc. Sau đó, tên trộm tháo khung ở cầu thang, giấu tranh trong áo khoác và đường hoàng bước ra khỏi bảo tàng. Peruggia nói rằng, động cơ của hắn ta không phải vì tiền, mà chỉ muốn đưa bức tranh trở về quê hương Italy. Mặc dù bị giam giữ 2 năm vì tội trộm cắp, tên trộm sau đó trở thành một anh hùng với những người Italy.

Trộm tranh để phản đối thu phí truyền hình

 Bức tranh chân dung Công tước xứ Wellington và tên trộm Kempton Bunton.

Năm 1961, một người về hưu tên Kempton Bunton cảm thấy bực tức với chính phủ Anh. Không chỉ vì giới chức đề nghị người nghỉ hưu phải có giấy phép để xem TV, mà ông cảm thấy họ lãng phí tiền bạc để mua chân dung của Công tước xứ Wellington của tác giả Goya (Wellington được xem là một anh hùng quốc gia). Vì vậy, Bunton vẽ ra kế hoạch để thể hiện quan điểm của mình. Ông ta tìm cách trò chuyện với bảo vệ của bảo tàng Quốc gia Anh. Từ đó, ông phát hiện hệ thống báo động tinh vi bảo vệ bức tranh thường bị ngắt buổi sáng, khi công nhân dọn dẹp vệ sinh. Lợi dụng sơ hở, ông bước vào nhà và dùng xà beng mở cửa sổ. Khoảng 6h sáng ngày hôm sau, Bunton chui qua cửa sổ nhà vệ sinh, gỡ bức tranh xuống và chuồn nhanh. Sau đó, người đàn ông gửi tin nhắn đòi tiền chuộc và yêu cầu khoản tiền 140.000 bảng Anh để trả phí xem truyền hình cho người già. Tuy nhiên, cảnh sát nghĩ rằng đó là trò đùa. Cuối cùng, năm 1965, ông gửi một bức thư cho tờ Daily Mirror, chỉ nơi giấu bức tranh rồi đầu thú với cảnh sát London. Bunton bị buộc tội trộm tranh và bị kết án 3 tháng tù giam.

Trộm tranh rồi trả lại

 Camera ghi lại hình ảnh tên trộm bí ẩn.

Ngày 19/6/2012, một người đàn ông hói đầu, mặc sơ mi ca rô ghé thăm phòng trưng bày nghệ thuật ở Manhattan, Mỹ. Sau khi đánh lạc hướng bảo vệ, hắn đặt bản phác họa Cartel de Don Juan Tenorio nổi tiếng vào một chiếc túi đen, rồi bỏ trốn. Mặc dù hành động của hắn bị camera an ninh ghi lại và được phát sóng trên toàn thế giới, nhưng danh tính người đàn ông vẫn chưa được nhận dạng. Một tháng sau, phòng trưng bày nhận được một email tuyên bố "tác phẩm đang được trả lại". Bản phác họa sau đó được gửi qua đường bưu điện ở châu Âu và phòng trưng bày nhận được nó không hề bị hư hại từ Hải quan Mỹ.

Stephane Breitwieser, tên trộm tranh nổi tiếng nhất châu Âu

 Stephane Breitwieser.

Stephane Breitwieser được xem là tên trộm tác phẩm nghệ thuật lì lợm nhất châu Âu. Hắn không chỉ thừa nhận trộm 239 bức tranh từ 172 tổ chức (trị giá khoảng 14 triệu USD20 triệu USD), mà còn viết một cuốn sách về thành tích của mình (với tựa đề "Lời thú tội của một tên trộm tác phẩm nghệ thuật") sau thời gian ngồi tù. Breitwieser bị bắt tại Thụy Sĩ thág 11/2001 và bị tuyên án 4 năm tù. Tháng 7/2005, hắn bị dẫn độ về Pháp tiếp tục bị tuyên án 28 tháng tù. Mẹ của Breitwieser là Mireille, thừa nhận đã phá nát các bức tranh và quẳng các tác phẩm nghệ thuật khác xuống một con kênh để phi tang cho con trai. Bà này bị xử 18 tháng tù cộng với 18 tháng án treo. Bạn gái cũ là Anne-Catherine Kleinklauss, người đứng trông cho Breitwieser khi hắn phạm tội, cũng lãnh 6 tháng tù cộng với 12 tháng án treo.

Chiến thuật đánh lạc hướng tài tình

 Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển.

Ngày 22/12/2000, một nhóm trộm cho nổ một loạt chiếc xe ở Stockholm, Thụy Điển. Thực ra, đây là một chiến thuật làm phân tán sự chú ý của cảnh sát. Lợi dụng cảnh sát tập trung đến hiện trường vụ nổ, 3 người đàn ông liền lẻn vào Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển và dùng một khẩu súng máy, 2 khẩu súng lục để uy hiếp bảo vệ. Trong khi một tên khống chế nhân viên an ninh, 2 tên còn lại xông vào đại sảnh và lấy đi một tác phẩm của Rembrandt, 2 tác phẩm của Renoirs. Sau đó, chúng chạy thoát trên một chiếc xuồng máy. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của chúng không thoát khỏi tài phá án của cảnh sát. Giới chức sau đó bắt 8 người đàn ông liên quan đến vụ việc và thu hồi lại toàn bộ tác phẩm.

Trộm 4 tác phẩm trong 3 phút

 Phòng trưng bày E. G. Bührle.

Đây được xem là một trong những vụ trộm lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử. Ngày 20/2/2008, 3 người đàn ông đội mặt nạ xông vào phòng trưng bày E. G. Bührle ở Zurich, Thụy Sĩ. Một tên lôi ra một khẩu súng và ra lệnh mọi người nằm xuống sàn. Trong vòng 3 phút, 2 tên còn lại khoắng 4 bức tranh trên cùng một bức tường, gồm các tác phẩm "Boy in the Red Waistcoat" của Paul Cézanne, "Poppy Field at Vétheuil" của Claude Monet, "Ludovic Lepic and His Daughter" của  Edgar Degas và "Blooming Chestnut Branches" của Vincent van Gogh. Sau đó, chúng chuồn đi trên một chiếc xe màu trắng. Các tác phẩm của Monet và Van Gogh được tìm thấy 10 ngày sau đó trên một chiếc xe bị vứt đi. 4 năm sau, bọn trộm bị tóm gọn và các bức tranh khác được tìm thấy.

"Tiếng thét" bị trộm 2 lần

 Tác phẩm "The Scream" (Tiếng thét) của Edvard Munch.

Bức tranh nổi tiếng "The Scream" (Tiếng thét) của  Edvard Munch luôn là thứ thèm khát của các nhà sưu tập và cả những tên trộm. Bức tranh này không chỉ có một mà tới 3 phiên bản. Trong một phiên đấu giá gần đây, một bức được bán với giá 120 triệu USD, trong khi 2 bức khác có lịch sử thăng trầm hơn. Năm 1994, 2 tên trộm sử dụng một chiếc thang và một chiếc búa để lấy đi một bức ở Bảo tàng Quốc gia tại Oslo, Na Uy. Chúng còn tỏ ra hài hước khi để lại một tin nhắn thân thiện viết: "Cảm ơn vì an ninh lỏng lẻo". Tác phẩm này được tìm thấy 3 tháng sau và 2 tên trộm bị bắt. Năm 2004, một phiên bản khác cũng bị trộm từ Bảo tàng Munch, cũng tại Oslo, khi những tên cướp đeo mặt nạ và dùng súng uy hiếp bảo vệ. Phiên bản này được tìm thấy năm 2006, nhưng rất tiếc bị hư hại một phần.

Cướp "ghé thăm" bảo tàng Pháp

 Bảo tàng Nghệ thuật Beaux.

Vào một chiều tháng 8/2007, 5 người đàn ông bước vào Bảo tàng Nghệ thuật Beaux ở Nice, Pháp. Chúng lôi vũ khí và uy hiếp bảo vệ trong bảo tàng. Trong vòng chưa tới 10 phút, bọn cướp lây đi 4 tác phẩm. Số này gồm "Cliffs near Dieppe" của Claude Monet , "Lane of Poplars Near Moret" của Alfred Sisley,  "Allegory of Earth" và "Allegory of Water" của Jan Brueghel trị giá ít nhất 1,5 triệu USD. Một năm sau, một người đàn ông Pháp bị bắt ở Florida khi đang rao bán các tác phẩm bị đánh cắp. Cuối cùng, tất cả số tranh đều được lấy lại.

Bình An

Theo Infonet

Bình An

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm