Tàu khu trục DDG-174 bắn tên lửa SM-2 trong một thử nghiệm. Ảnh: JMSDF |
Tân bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, đã ra lệnh cho lực lượng Phòng vệ nước này sẵn sàng bắn hạ bất kỳ vật thể khả nghi hướng về Nhật Bản. Chỉ thị được đưa ra ngay sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào ngày 3/8.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có những vũ khí nào có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên. Theo Global Security, hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis BMD hợp tác với Mỹ là vũ khí mạnh nhất của Tokyo cũng như cả châu Á. Hệ thống Aegis BMD đang được triển khai trên tàu khu trục lớp Kongo có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly hàng trăm km.
Lá chắn mang tên Aegis BMD
Tàu khu trục Aegis lớp Kongo được đóng bởi Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Tổng công ty công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima cho lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Chiếc đầu tiên mang số hiệu JDS Kongo (DDG-173) được đưa vào sử dụng tháng 03/1993, đến nay đã có 4 chiếc được đưa vào trang bị.
Tàu khu trục lớp Kongo là một thiết kế sửa đổi từ tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Cột buồm của tàu có thiết kế thẳng đứng trong khi nguyên bản hơi nghiêng về phía sau. Boong tàu phía sau dài hơn và không có nhà chứa cho trực thăng.
Cảm biến chính của tàu là radar quét mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn AN/SPY-1 với 4 mảng ăng ten được thiết kế xung quanh tháp chỉ huy cung cấp khả năng giám sát 360 độ. Radar này có khả năng phát hiện và theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, nó có khả năng phát hiện mục tiêu kích cỡ quả bóng golf ở cự ly tới 165 km, phát hiện mục tiêu là tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 310 km.
Tàu khu trục JS Kirishima (DDG-174) bắn thử tên lửa SM-2 trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản |
Trái tim của tàu là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên sau Mỹ được trang bị hệ thống chiến đấu hiện đại này. Aegis là viết tắt của cụm từ Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment (Bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất).
Đây là hệ thống chiến đấu tích hợp công nghệ cao được thiết kế để đối phó với một loạt các mục tiêu khác nhau, đặc biệt chú trọng đến vấn đề phòng thủ tên lửa. Hệ thống chiến đấu Aegis hiện nay là trái tim của hệ thống phòng thủ tên lửa xuyên quốc gia của Mỹ.
Tàu khu trục lớp Kongo là một phần của chương trình phòng thủ tên lửa trên biển (Aegis BMD) của Mỹ tại châu Á nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên và một số quốc gia khác.
Trên tàu được bố trí tới 90 hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 với 29 hệ thống ở phía trước và 61 hệ thống phóng ở phía sau. Nòng cốt là các tên lửa đánh chặn SM-2MR có tầm bắn 190 km, tầm cao 24 km. Từ năm 2007 các tàu này đã được nâng cấp để trang bị tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 block 1A với tầm bắn lên đến 500 km, tầm cao 160 km. Tên lửa SM-3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở ngoài bầu khí quyển.
Hiện tại 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo kết hợp với các tàu Aegis của Mỹ triển khai tại Nhật Bản đang thực hiện nhiệm vụ thiết lập chiếc ô bảo vệ Tokyo trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. Thông thường một tàu Aegis của Nhật Bản sẽ phối hợp với một tàu Aegis của Mỹ để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Hệ thống Patriot PAC-3
Tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Armyrecognition |
Vũ khí này có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly 30 km. Nó sẽ là “chốt chặn cuối cùng” của Tokyo để đối phó với tên lửa đạn đạo.
Patriot PAC-3 là phiên bản nâng cấp gần như toàn diện từ hệ thống phòng không MIM-104 Patriot do tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ chế tạo. Hệ thống được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, vũ khí dẫn đường công nghệ cao, máy bay.
Gần đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng không Patriot PAC-3 nhằm đáp ứng các thách thức an ninh mới.
Cụ thể, Patriot PAC-3 sẽ được nâng tầm bắn từ 30 km lên 60 km, cải tiến radar, hệ thống điều khiển hỏa lực cho phép đánh chặn mục tiêu với độ chính xác cao hơn. Chương trình có thể bắt đầu tiến hành từ đầu năm 2017.
Aegis BMD trên khu trục hạm lớp Kongo đánh chặn tầm xa, trong khi Patriot PAC-3 đảm nhận phòng thủ giai đoạn cuối. Sự kết hợp của 2 hệ thống này giúp Tokyo thiết lập ô phòng thủ nhiều lớp đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.