Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vũ khí gây bão trong năm 2014

Tiêm kích đa năng F-35, hệ thống phòng không S-400 và Buk là những vũ khí gây chú ý trong năm 2014.

Tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35
Năm 2014 đánh dấu nhiều thành công của F-35 cả trên phương diện thương mại lẫn kỹ thuật.
Năm 2014 đánh dấu nhiều thành công của F-35 cả trên phương diện thương mại lẫn kỹ thuật. Ảnh: News.unsi 

2014 là một năm nhiều thành tích của tiêm kích tàng hình F-35, cả trên phương diện kỹ thuật và thương mại. Tháng 9/2014, Reuters đưa tin, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận mua bán 40 chiếc tiêm kích tàng hình F-35 trị giá 7 tỷ USD. Với hợp đồng này, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 10 của chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35.

Ngoài Hàn Quốc, một quốc gia châu Á khác là Nhật Bản đã lựa chọn F-35 cho chương trình hiện đại hóa không quân. Theo Business Insider, Tokyo đã cam kết mua 42 chiếc F-35 và có thể tùy chọn mua thêm khi tiêm kích này giảm giá.

Trong tháng 5/2014, Ibtimes đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết mua 2 tiêm kích F-35 để đánh giá. Đây là một phần trong kế hoạch mua tới 100 chiếc mà Ankara đang tạm hoãn vì khó khăn kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu về thương mại, năm 2014 ghi nhận những đột phá kỹ thuật vượt bậc của F-35. Ngày 17/11, Navytimes cho biết, tiêm kích tàng hình F-35C đã cất hạ cánh thành công lần đầu trên tàu sân bay USS Nimitz. Trong tháng 11, F-35C tiếp tục thực hiện các bài tập cất hạ cánh trong điều kiện ban đêm.

Sự kiện F-35C thử nghiệm thành công trên tàu sân bay đánh dấu cột mốc quan trọng của chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF. Theo dự kiến, F-35C sẽ hoạt động chính thức trên tàu sân bay Hải quân Mỹ từ năm 2016.

Hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf

Thương vụ mua bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf giữa Nga-Trung
Thương vụ mua bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf giữa Nga - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết do những bất đồng giữa đôi bên. Ảnh: Militarytoday

Hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf là một vũ khí khác của Nga gây bão trong năm 2014. Nó tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới truyền thông bởi cam kết xuất khẩu cho Trung Quốc. Tháng 4/2014, tạp chí Diplomat đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp thuận nguyên tắc về việc xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf cho Bắc Kinh.

Với sự phê duyệt từ chính quyền trung ương Moscow, Trung Quốc có thể sẽ là khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không này. Nếu hợp đồng mua S-400 được ký kết, lực lượng phòng không Trung Quốc sẽ có thể vô hiệu hóa những mục tiêu đường không hiện đại nhất.

Theo thỏa thuận sơ bộ, Trung Quốc đã đề nghị mua 6 tiểu đoàn S-400 Triumf với giá trị lên đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, quá trình đàm phán hợp đồng S-400 vẫn chưa đi đến hồi kết với những bất đồng giữa đôi bên. Tháng 11/2014, Ria Novosti dẫn lời nguồn tin Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga cho biết, hợp đồng vẫn chưa thể ký kết.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk

Hệ thống tên lửa phòng không Buk
Hệ thống tên lửa phòng không Buk mà cả Nga và Ukraine đều sở hữu đang trở thành nghi phạm gây nên thảm kịch MH17. Ảnh: Ausairpower

Tháng 7/2014, truyền thông thế giới đổ dồn về Ukraine khi chuyến bay chở khách mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ. Sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không Buk gần khu vực chiếc Boeing 777 bị bắn hạ khiến nó trở thành nghi phạm số 1.

Ngày 17/7, Washington Post dẫn lời nguồn tin Bộ Nội vụ Ukraine cho rằng, chuyến bay MH17 bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa phòng không Buk. Đến ngày 20/7, Daily Mail đăng tải clip về một xe tải chở theo một xe quân sự trùm kín bạt nghi là hệ thống phòng không Buk.

Trong cuộc họp báo tại Moscow, Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, tướng Andrey Kartopolov đã nêu ra 10 câu hỏi liên quan đến thảm kịch MH17, yêu cầu Ukraine và Mỹ giải thích. 5 tháng trôi qua, thủ phạm bắn hạ MH17 vẫn chưa bị tìm ra. 

Những loại tên lửa có thể bắn hạ máy bay Malaysia

Máy bay MH17 của Malaysia Airlines có thể bị bắn rơi khi đang di chuyển ở độ cao 10.000 m bằng một quả tên lửa đất đối không tầm cao.

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm