Tên lửa đạn đạo Sejjil
Tên lửa đạn đạo Sejjil của Iran được phóng thử nghiệm. Ảnh:Fars |
Tên lửa đạn đạo đóng vai trò quan trọng trong sách lược quốc phòng của Iran. Lực lượng vũ trang của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo có thể sử dụng vũ khí này để tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực. Chính thức được đưa vào thử nghiệm năm 2008, tên lửa đạn đạo Sejjil khắc phục đáng kể các nhược điểm mà Shahab, thế hệ tên lửa đạn đạo trước đó, mắc phải, National Interest đưa tin.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tháng 11/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho rằng: "Tên lửa Sejjil có tầm bắn 2.000 đến 2.500 km. Nó đủ khả năng mang đầu đạn chứa 750 kg thuốc nổ để tấn công các mục tiêu trên đất Israel hoặc một phần đông nam châu Âu". Phương Tây quan ngại Tehran sẽ nâng cấp loại vũ khí này để nó mang được đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm lớp Ghadir
Tàu ngầm lớp Ghadir. Ảnh:Fars |
Hải quân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lực lượng vũ trang Iran. Nó được đầu tư phát triển nhằm đảm trách các nhiệm vụ chiến lược, trong đó quan trọng hàng đầu là phong tỏa eo biển Hormuz, huyết mạch dầu mỏ của thế giới. Từ năm 1976 tới nay, Mỹ đã chi 8.000 tỷ USD để bảo vệ eo biển này.
Tàu ngầm lớp Ghadir sẽ là vũ khí hữu dụng trong nỗ lực phong tỏa eo biển quan trọng này. Kích thước nhỏ, ít gây tiếng ồn khi hoạt động khiến các phương tiện dò ngầm của Mỹ và các đồng minh khó phát hiện ra chúng. Trong khi đó, tàu được trang bị các ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533 mm, giúp chúng dễ dàng tấn công tiêu diệt tàu chiến, tàu hàng địch hay thả ngư lôi để chặn đường biển.
Tên lửa chống hạm Khalij-e Fars
Tên lửa đạn đạo Khalij-e Fars. Ảnh:Fars |
Được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", Khalij-e Fars là tên lửa đạn đạo chống hạm do Hải quân Iran phát triển. Nó vận hành bằng nhiên liệu rắn, có phạm vi hoạt động đạt 300 km với đầu đạn nặng 650 kg. Khối lượng thuốc nổ khổng lồ này đủ đánh chìm mọi loại tàu chiến và tàu vận tải, bao gồm cả các tàu sân bay hạt nhân khổng lồ của Mỹ.
Truyền thông Iran gọi Khalij-e Fars là tên lửa tiên tiến và quan trọng nhất của Hải quân. Thế mạnh của loại vũ khí này là vận tốc siêu âm cùng quỹ đạo bay thông minh. Sau khi phát hiện mục tiêu, hệ thống điều khiển hỏa lực trên tên lửa sẽ khóa mục tiêu để tên lửa lao tới tiêu diệt. Mẫu tên lửa này được thử nghiệm năm 2011.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300. Ảnh:Asian-defence.net |
Phía Nga đã thông báo có thể chuyển giao Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Iran sau khi hợp đồng cung cấp vũ khí này bị hủy bỏ năm 2010. Nếu sở hữu S-300, quân đội Iran có khả năng gây ra loạt trở ngại lớn với chiến đấu cơ Mỹ. Dù ra đời từ năm 1979 nhưng loại tên lửa phòng không tầm xa này đã nhiều lần được nâng cấp và vẫn là nỗi ám ảnh với các loại chiến đấu cơ.
BBC cho biết, Iran có khả năng mua 6 bệ phóng cùng hệ thống chiến đấu của tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2. Mỗi bệ phóng có khả năng mang 4 tên lửa 48N6E của Nga với phạm vi bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 150 km cùng độ cao từ 10 m tới 30 km. Radar của hệ thống này có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 300 km, khóa nhiều mục tiêu và dẫn đường cho 12 tên lửa tại cùng một thời điểm.