Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vụ ám sát bí ẩn bên dòng Mekong

Tối 12/12/2018, ở một cánh rừng ở Lào cách biên giới Thái Lan 30 km, Surachai Danwattananusorn, 78 tuổi, ngồi ăn xôi ngọt tráng miệng. Tối hôm đó là lần cuối người ta thấy ông.

Sống lưu vong ở Lào đã hai năm nay sau khi chạy trốn chính quyền Thái Lan, vào mỗi thứ ba, Surachai đăng các video trên mạng xã hội có hàng nghìn người theo dõi của ông. Guardian cho biết với quan điểm chống chính quyền quân sự, chống hoàng gia và thường xuyên kêu gọi lật đổ chính quyền quân sự, ông thực sự là cái gai trong mắt của chính quyền.

Thỉnh thoảng, hai người bất đồng chính kiến Thái Lan khác sống lưu vong cùng Surachai cũng sẽ xuất hiện trong video - Chatcharn Buppawan, 56 tuổi, có biệt danh Puchana, và Kraidej Luelert, 46 tuổi, biệt danh Kasalong. Họ đều mạnh mẽ trong quan điểm ghét bỏ chính quyền quân sự ở Thái Lan. Chính quyền Thái Lan đã ra lệnh truy nã ông Surachai với tiền thưởng 10 triệu baht (hơn 315.000 USD).

Sáng 13/12/2018, cả Surachai, Puchana và Kasalong đều biến mất không dấu vết.

bau cu Thai Lan anh 1
Nhà hoạt động Surachai Danwattananusorn được gia đình chào đón sau khi được thả ra khỏi nhà tù ở Bangkok năm 2013. Ảnh: AFP.

“Hy sinh tất cả cho lý tưởng”

13 ngày sau, cách đó 300 km, ở một ngôi làng Thái Lan bên bờ sông Mekong, ngư dân Denchai Sornsai vớt được một vật gì lớn, được bọc trong bao tải gạo. Thoạt đầu ông tưởng là rác, nhưng hóa ra đó là một thi thể đang thối rữa. 

Cuối tháng 12/2018, đã có 2 xác chết trôi dạt vào bờ sông Mekong ở tỉnh Nakhom Phanom, Thái Lan. Xét nghiệm ADN xác nhận những thi thể này đúng là của Puchana và Kasalong. Họ đã chịu một cái chết kinh hoàng.

Họ bị moi ruột, chân gãy, bị còng tay cùng một dây thừng buộc ở cổ, eo và đầu gối. Bác sĩ nói với Montri Leulert, con trai Kasalong, rằng không có dấu hiệu vật lộn, xước da hay siết cổ, cho thấy có lẽ những 2 người bất đồng chính kiến xấu số đã bị cho uống thuốc mê trước khi bị giết.

Người còn lại trong 3 người, ông Surachai, cho đến nay vẫn đang mất tích, theo Guardian.

Surachai từng là lãnh đạo các nhóm tiến hành chiến tranh du kích vào thập niên 1980-1990. Ông trở thành tù nhân chính trị từ năm 1996, và sau đó trở thành thủ lĩnh phong trào “Áo đỏ” ủng hộ dân chủ, chống lại quyền lực của hoàng gia. Sau đó, ông một lần nữa ngồi tù vì vi phạm đạo luật về tội "khi quân" (lèse-majesté) hà khắc ở Thái Lan, vốn cấm mọi chỉ trích nhắm đến hoàng gia.

Ông được thả năm 2013. Nhưng khi chính quyền do dân bầu của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014, ông bị coi là kẻ thù của chính quyền quân sự và phải chạy trốn sang Lào.

“Surachai sống vì chính trị và tin vào việc hy sinh tất cả cho lý tưởng của ông, thậm chí cả tính mạng”, Somyot Pruksakasemsuk, người bạn thân và cũng là tù nhân chính trị từng ngồi tù cùng Surachai, nói với Guardian.

“Tôi không ngạc nhiên trước việc họ bị giết”, Kuekkong Bupphawan, con trai của Puchana, người bất đồng chính kiến vừa bị sát hại và trôi dạt vào bờ sông Mekong, nói.

“Tất cả họ đều rất cứng rắn trong chỉ trích chính quyền quân sự và Quốc vương. Theo tôi, họ muốn gửi thông điệp cảnh cáo trước cuộc bầu cử và lễ lên ngôi, và đe dọa mọi người ‘Áo đỏ’, những người chỉ trích hoàng gia và quân đội, rằng không có chỗ cho họ ở Thái Lan”, ông nói thêm.

bau cu Thai Lan anh 2
Cảnh sát Thái Lan điều tra các xác chết dạt vào bờ sông Mekong. Ảnh: AP.

Những cái chết trước thềm bầu cử

Các dữ kiện đều cho thấy vụ mất tích của Surachai, Puchana và Kasalong đều diễn ra ngày 13/12, cùng ngày Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tới thăm Lào, và yêu cầu Lào hỗ trợ trong việc bắt giữ những người Thái sống lưu vong. Tuy chỉ là sự trùng hợp, đối với cộng đồng những người Thái sống lưu vong ở Lào, đây là chỉ dấu cho thấy có sự dính líu từ chính quyền quân sự Thái Lan.

Bi kịch của 3 nhà hoạt động trên xảy ra trước thềm cuộc bầu cử đầu tiên sau 8 năm (vào ngày 24/3) và lễ lên ngôi của Quốc vương Vajiralongkorn vào tháng 5 ở Thái Lan. Chính quyền quân sự, vốn bị cáo buộc đàn áp những người đối lập, và người lãnh đạo hiện tại Prayut Chan-ocha sẽ có lợi thế lớn với bản hiến pháp mới mà chính họ đã viết nên.

Ngoài Surachai, Puchana và Kasalong, đã có các vụ mất tích bí ẩn khác làm rúng động cộng đồng người Thái sống lưu vong.

Tháng 6/2016, Ittipon Sukpaen, được biết đến với tên DJ Sunho - người bị buộc tội vi phạm luật "khi quân" ở Thái Lan và lúc đó sống lưu vong ở thủ đô Vientiane của Lào, tiếp tục làm các video chống hoàng gia - đã biến mất không để lại dấu vết.

Đến năm 2017, một người Thái khác đang sống lưu vong vì tội "khi quân", Wuthipong Kachathamakul, có biệt danh Ko Tee, bị bắt cóc tại nhà ở Vientiane, sau khi bạn của ông ở Thái Lan bị chính quyền buộc phải khai ra nơi ở của ông.

Một người bất đồng chính kiến chống hoàng gia đang sống lưu vong ở Lào, có biệt danh Yammy Faiyen, nói với Guardian. “Tôi không nghi ngờ gì việc chính phủ Thái Lan đang nhắm đến chúng tôi, từng người một. Tôi sợ rằng mình là người tiếp theo”.

Yammy đã phải chuyển nhà 7 lần trong vòng 3 năm nay để được an toàn.

bau cu Thai Lan anh 3
Người biểu tình đòi bầu cử dân chủ ở Bangkok vào tháng 1. Cuộc bầu cử ngày 24/3 tới đã bị chính quyền quân sự hoãn nhiều lần. Ảnh: Reuters.

Hy vọng trở về bị dập tắt

Yammy là thành viên ban nhạc Faiyen, thường sáng tác nhạc phản đối luật "khi quân" của Thái Lan. “Tôi được cho xem một danh sách không chính thức những cái tên là chính phủ Thái muốn nhắm đến”, cô nói với Guardian.

“Ko Tee ở đầu danh sách và ông đã bị bắt cóc. Còn lại 3 nhóm ở Lào là Surachai, bác Sanam Luang (một người khác sống lưu vong vì tội phạm thượng) và Faiyen. Không ai biết Sanam Luang ở đâu, và chúng ta đều biết nhóm Surachai đã bị sát hại, giờ chỉ còn Faiyen chúng tôi ở đây”.

Ngày 11/12, Yammy và nhóm của Surachai đều nhận được cảnh báo từ một cảnh sát, nói họ nên trốn đi trong khi ông Prayut đang ở thăm Lào.

“Chúng tôi giữ quan hệ với những người quyền lực ở Thái Lan, và họ ra lệnh cho một số cảnh sát giúp chúng tôi”, Yammy giải thích. “Anh ta sẽ nhắn chúng tôi các cảnh báo khi nào cảnh sát Thái sẽ tới đây lùng bắt”.

Sau cảnh báo đó, Yammy giữ liên lạc đều với Surachai. Nhưng tối hôm sau, họ mất liên lạc. Khi nghe tin các thi thể dạt vào bờ sông Mekong 2 tuần sau, cô đã bật khóc. “Mọi nỗi sợ kinh hãi nhất của tôi đã thành sự thật”, cô nói.

Trong các tháng trước khi mất tích, Surachai chưa hề hết hy vọng sẽ được quay trở lại Thái Lan. Theo Yammy và Pranee Danwattananusorn, vợ ông, ông Surachai luôn tin tưởng chính quyền dân chủ sau cuộc bầu cử 24/3 sẽ cho phép ông trở về, hoặc Quốc vương sẽ ân xá cho ông sau lễ lên ngôi tháng 5.

“Tôi không nói gì. Tôi không muốn làm ông ấy mất hy vọng ở tuổi già thế này”, Yammy nói với Guardian. “Nhưng giờ chúng ta đều biết ông ấy đã lầm tưởng thế nào”.

Thái Lan sẽ xa rời Trung Quốc để gần Mỹ, theo chân Thủ tướng Mahathir?

Các phe phái chính trị tại Thái Lan có dấu hiệu sẽ sớm định hình lại chính sách đối ngoại, rời khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, hâm nóng lại quan hệ với phương Tây sau tổng tuyển cử.

5 năm sau đảo chính, bầu cử sớm bắt đầu ở Thái Lan

Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa để cử tri Thái bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử 24/3. Họ phấn khích về cuộc bầu cử đầu tiên trong 8 năm, vốn đã bị chính quyền quân sự hoãn nhiều lần.

Trọng Thuấn (Theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm