Độc giả và cảm nhận World Cup:
Những vòng tròn vay - trả trong World Cup
Cuộc sống vốn là một vòng tròn có vay có trả. Các kỳ World Cup cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mối quan hệ giữa trọng tài - World Cup - bóng đá và Anh - Argentina - Đức chính là những vòng tròn vay - trả đầy duyên nợ.
Đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966 nhờ "bàn thắng ma" vào lưới đội tuyển Đức |
Từ trước đến nay, cuộc sống luôn là một vòng tròn có vay có trả. Những ai đã từng vay hoặc mắc nợ người khác mà không thể trả được thì đời con cháu họ sẽ làm nốt công việc để lại từ đời các bậc tiền bối. Năm 1966, người Anh đã được trọng tài ban cho một bàn thắng để vươn lên ngôi vô địch ngay tại quê hương. Như vậy, vô hình chung đội tuyển bóng đá xứ sương mù đã vay của trọng tài một bàn thắng cộng thêm chiếc cúp vàng danh giá. Mãi tới 20 năm sau (tức là 1986), người Anh mới bắt đầu phải trả món nợ của mình khi các trọng tài đã cùng Maradona vẽ nên tác phẩm mang tên "bàn tay của Chúa". Cũng vì bàn thắng "tức tưởi" này, người Anh đã bị loại khỏi World Cup 1986. Vậy cũng coi như "những chú sư tử" Anh đã phải trả giá cho chức vô địch do trọng tài ban năm 1966.
Huyền thoại bóng đá Maradona với tác phẩm "bàn tay của Chúa" năm 1986 |
Về phần đội tuyển Argentina, "bàn tay của Chúa" và tài năng của Maradona đã giúp điệu Tango nhảy nhót tại Mexico năm 1986. Tuy nhiên, khi ôm chiếc cúp danh giá nhất hành tinh, liệu "cậu bé vàng" có ý thức được món nợ mà người Argentina sẽ phải trả cho các trọng tài trong tương lai hay không? Vào thời điểm đó, nhìn đội tuyển Argentina giành chức vô địch thế giới, nhiều người Đức đã phải khóc nấc lên vì oan ức. Tiếng khóc của họ đã nhanh chóng đến tai các ông vua sân cỏ. Những người "cầm cân nảy mực" đã quyết định tìm lại công lý bị đánh mất từ năm 1966 cho người Đức bằng cách tặng họ một quả penalty định mệnh khi tiền đạo Rudi Voller trình diễn một pha tự ngã rất đẹp trong vòng cấm vào những phút cuối cùng trong trận chung kết World Cup 1990. Đáng nói hơn ở đây, đối thủ của những cỗ xe tăng Đức chính là Argentina (đội 4 năm trước đã cùng trọng tài loại tuyển Anh ra khỏi cuộc chơi World Cup).
Pha ăn vạ nổi tiếng của "thần đồng bóng đá" Michael Owen trong trận gặp Argentina tại vòng bảng World Cup 2002 |
Năm 2002, người Argentina chìm trong địa ngục khi "Vua sư tử" Batisuta và các đồng đội rời châu Á mà không thể vượt qua nổi vòng bảng. Sau thất bại thảm hại của đội bóng áo sọc xanh, ai cũng cảm thấy thắc mắc. Có rất nhiều lý do giải thích cho chuyến xách va ly về nước sớm của đoàn vũ công Tango. Trong đó, nổi bật nhất là pha bóng mà Michael Owen - thần đồng người Anh đã diễn kịch lừa trọng tài để mang về quả penalty cho những chú sư tử. Cầu thủ thực hiện thành công pha sút phạt chính là David Beckham. Trước đó, tại vòng 1/16 trong World Cup 1998, chàng tiền vệ người Anh đã bị trọng tài đuổi ra khỏi sân sau tình huống ăn vạ của Simeone - một cầu thủ thuộc đội tuyển Argentina. Có thể coi đây là sự trả thù ngọt ngào của Beckham. Cú sút phạt thành công cũng là bàn thắng duy nhất trong trận đấu đó. Như vậy, trọng tài đã đền "bàn tay của Chúa" bằng "cú ngã Owen" cho người Anh trong khi "bàn thắng ma" năm 1966 cũng đã thanh lý cho đẹp lòng người Đức.
Bàn thắng không được công nhận của Lampard trong World Cup 2010 |
Có thể nói, công việc "ân đền oán trả" của các trọng tài quá đơn giản. Chỉ cần một cái lắc đầu không công nhận bàn thắng hợp lệ của Lampard, "ông vua áo đen" Jorge Larrionda đã chấm dứt "vòng tròn vay - trả" mà các trọng tài đã sai lầm vẽ nên suốt hai thế kỷ qua giữa ba nền bóng đá hùng mạnh: Anh - Đức - Argentina. Tại các kỳ World Cup, cả ba đội tuyển "oan gia ngõ hẹp" này đều từng một lần giành chức vô địch.
Lê Đức Phương
ducphuongc4_xt@yahoo.com
Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã bắt đầu. Hãy gửi cho chúng tôi những dự đoán của bạn về đội bóng bạn yêu thích, những cầu thủ bạn hi vọng sẽ tỏa sáng tại Nam Phi. Hoặc chia sẻ cảm nhận của bạn về một kỳ World Cup đáng nhớ, về những trận cầu khó quên, hay một gương mặt cầu thủ khiến bạn nhớ mãi. Gửi ý kiến của bạn tại đây. * Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và gửi bài viết từ 300 chữ trở lên. |