Bảy giờ sáng, khi cánh cổng sắt của ngôi biệt thự mở ra thì cũng là lúc một ngày làm việc của tôi bắt đầu. Hôm nào cũng vậy, tôi luôn thận trọng bước những bước khẽ khàng vì sợ phá vỡ bầu không khí yên tĩnh trong ngôi nhà sang trọng này.
Vẫn là câu hỏi bằng giọng run run của bà cụ nằm trong phòng như một lời chào dành cho tôi mỗi khi bước vào nhà:
- Đến rồi hả con?
- Dạ con chào bà ạ! Bà ơi, hôm nay bà thấy trong người thế nào?
Tôi vừa nói chuyện vừa đeo khẩu trang, găng tay để bắt đầu công việc của một điều dưỡng đến rửa vết thương và tập vật lý trị liệu cho bà. Nhẹ nhàng nâng người bà cụ sang một bên, tôi bắt đầu rửa những vết thương đằng sau lưng, chúng như những cái hố nhỏ đang lan dần ra và lở loét do viêm nhiễm vì nằm lâu ngày.
- Bà nằm yên và chịu khó đau một tí nhé. Vết thương sắp lành rồi bà ạ! Con chỉ cần rửa sạch là ít hôm nữa bà ngồi dậy đi lại được rồi.
Tôi nói bằng giọng bình thường nhất có thể để an ủi bà chứ thật ra khi vết thương cũ chưa kịp lành thì vết thương mới lại xuất hiện. Vẫn bằng giọng nói run run và cố nén đau, bà trò chuyện cùng tôi:
- Sống mà làm khổ con cháu thế này, bà nên chết thì hơn, con ạ!
- Ơ kìa, sao bà lại nói vậy? Con cháu lúc nào cũng thương và mong bà trường thọ mà. Nào, bà chịu khó nằm yên một chút để con bôi thuốc nha.
Bà cụ thở dài, buồn bã:
- Nằm một chỗ mới biết lòng con cháu.
Tôi khựng lại trong tích tắc, bàn tay run lên không thể nào đưa tiếp miếng bông tiệt trùng vào lau vết thương được. Tôi nhớ lại lần đầu tiên đến đây, hôm đó trước khi đi sếp gọi tôi vào dặn:
- Đây là khách hàng VIP. Anh giao ca này cho em. Em cố gắng làm cho tốt nhé.
Nhưng lần đó tôi đã bị đối xử như một người giúp việc. Họ mặc kệ tôi là điều dưỡng viên, chẳng khách sáo bắt tôi… xuống bếp nấu cháo, gọt trái cây cho bà cụ, vì người giúp việc đang nghỉ phép. Việc chăm sóc bà cụ đã được giao cho cô điều dưỡng người nước ngoài.
Tôi ngỡ ngàng đến mức định gọi điện về công ty để xác nhận lại. Thế nhưng khi thấy người con trai trưởng đứng bên cạnh bà cụ, một Việt kiều có bề ngoài giàu có phong độ, thì tôi mơ hồ hiểu ra vấn đề và cố làm cho hết nhiệm vụ khách hàng yêu cầu, dù đây không phải công việc của điều dưỡng viên.
Tuy nhiên một tuần sau, khi người con trai trưởng về lại Mỹ, người con thứ không thuê điều dưỡng viên nước ngoài chăm sóc bà cụ nữa. Số tiền người anh để lại được cô em dâu chi xài rất hạn chế. Vợ chồng con cái anh ta ở phòng riêng và đi làm, đi học suốt ngày, bỏ mặc việc chăm sóc bà cụ cho tôi và một em giúp việc.
Chưa bao giờ tôi thấy hai đứa cháu và cả mẹ chúng bước vào phòng thăm bà.
Công việc của tôi chỉ gói gọn trong vòng một tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng tôi luôn nấn ná ít lâu. Sự cô quạnh của bà cụ làm tôi thương cảm. Bà hay nhờ tôi đỡ bà ngồi dậy dựa vào cửa sổ cạnh giường. Từ đó nhìn ra sẽ thấy một ngôi nhà mái tôn lụp xụp và ẩm thấp. Bà cụ thường nói với tôi:
- Nếu giờ đổi ngôi biệt thự sang trọng này để ở ngôi nhà lụp xụp kia bà cũng sẵn sàng.
Tôi ngạc nhiên hỏi lý do thì bà bảo tôi cứ lại gần cửa sổ mà xem. Y lời bà, tôi dán mắt vào cửa sổ để nhìn sang nhà bên cạnh. Bên đó có một anh con trai đầu trọc lóc, mặc một chiếc áo thun rách đang dìu bà mẹ từ giường xuống chiếc xe lăn.
- Hình như anh con trai đang chuẩn bị đưa mẹ mình đi đâu đó, bà ạ. - Tôi nói mà mắt vẫn không ngừng quan sát.
Bà cụ nhìn xa xăm:
- Nó lại đẩy mẹ nó lên chùa xin ăn đó. Tội nghiệp, đầu óc nó không tinh nhanh như người ta đâu. Đúng là cuộc sống như một bản nhạc với đủ mọi nốt nhạc trầm bổng, chưa biết bà và bà ấy ai đã hạnh phúc hơn ai, con ạ!
Tôi thầm nghĩ, đúng là mỗi con người chẳng khác nào một nốt nhạc. Có người may mắn được làm một nốt bổng bay cao, thì cũng có người bất hạnh làm một nốt trầm đến mức không ai nhận ra sự tồn tại của họ. Nhưng dù sao, họ vẫn là một phần không thể thiếu để tạo nên một bản tình ca nhiều cung bậc cảm xúc bất tận cho cuộc đời này.
Xin phép bà cụ, tôi ra về dù trong lòng không muốn bỏ cụ thui thủi một mình, trong khi con bé giúp việc vẫn đang dán mắt vào tivi bên phòng khách. Giữa muôn trùng của cuộc sống nhộn nhịp, tôi lại tiếp tục đến nhà khách hàng khác để chăm sóc.
Và bản tình ca cuộc sống vẫn tiếp tục ngân vang!