Sau khi trao quyền đăng cai cho Mỹ, FIFA đã vấp phải những chỉ trích gay gắt. Giới chuyên môn cho rằng tại xứ sở cờ hoa, bóng đá chỉ là một môn thể thao thứ yếu và không có nhiều người quan tâm. Thế nhưng, thực tế đó lại là giải đấu lập kỷ lục về khán giả khi bình quân mỗi trận có tới 69.000 CĐV tới sân để cổ vũ cho các cầu thủ.
Tuy nhiên, cũng giống bất kỳ VCK World Cup nào, lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra trên đất Mỹ đã không thể kết thúc với kịch bản tốt đẹp nhất. Vẫn có những chuyện đau lòng xảy ra, thậm chí một trong số chúng trở thành những vết nhơ khó tẩy rửa nhất trong lịch sử làng túc cầu thế giới.
“Cậu bé vàng” Maradona dùng ma túy
Sau khi lập siêu phẩm trong trận khai màn gặp Hy Lạp, Maradona chạy ra góc sân và ăn mừng theo kiểu hút thuốc phiện. Sự hưng phấn đã báo hại "Cậu bé vàng" bởi sau đó ông bị FIFA đưa vào tầm ngắm. Ngay khi màn so tài với Nigeria ở lượt trận thứ 2 kết thúc, Maradona được đưa đi kiểm tra doping.
Maradona bị phát hiện sử dụng ma túy tại VCK World Cup 1994. Ảnh: BBC. |
Kết quả xét nghiệm cho thấy máu của Maradona dương tính với ephedrine, một chất cấm liên quan đến ma túy. Ngay lập tức "Người hùng World Cup 1986" bị đuổi về nước trước khi bước vào lượt trận cuối vòng bảng. Chưa hết, ông còn bị FIFA cấm thi đấu 15 tháng.
Theo tiết lộ sau này của tờ Telegraph, Maradona sử dụng ma túy trước VCK World Cup 1994 tới… 11 năm. Điều đó đồng nghĩa hai lần tham dự World Cup trên đất Mexico (1986) và Italy (1990), "Cậu bé vàng" cũng đều thả hồn theo khói. Nhưng do ông là nhân vật được sùng bái trên toàn thế giới nên gia đình và cũng như thành viên của các đội bóng mà ông thi đấu đều phải giấu nhẹm.
Thảm kịch mang tên Escobar
Maradona sử dụng ma-túy không phải thảm kịch duy nhất tại kỳ World Cup 1994. Ở lượt trận thứ 2 tại vòng bảng giữa Colombia và chủ nhà Mỹ, hậu vệ Andres Escobar của đại diện Nam Mỹ đã vô tình đốt lưới nhà sau một nỗ lực lao về cứu bóng. Kết quả là Colombia đã để thua chung cuộc 1-2, sau đó phải nói lời chia tay giải đấu với 1 điểm sau 3 vòng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tất cả đều xem đó là rủi ro thường thấy trong bóng đá. Tuy nhiên, với những kẻ quá khích ở Colombia, thì cú đá phản lưới của Escobar chẳng khác nào hành động phản quốc. Theo đó hậu vệ sinh năm 1967 đã phải trả cái giá quá đắt cho sai lầm của mình.
Một tuần sau khi trở lại Colombia, Escobar đã bị bắn chết bên ngoài hộp đêm ở Medellin với 6 viên đạn. Cứ sau mỗi lần bóp cò, kẻ sát hại lại gào lên từ "Gooooal" như thể là đang ăn mừng một bàn thắng. Cái chết của Escobar đến tận bây giờ vẫn bị xem là vết nhơ không thể gột rửa trong làng bóng đá nói chung và lịch sử World Cup nói riêng.
Đáng nói là, Humberto Munoz – kẻ giết Escobar không tiếc tay đã được tha bổng chỉ sau 11 năm ngồi tù. Điều đó không chỉ xoáy vào nỗi đau của gia đình hậu vệ xấu số mà còn tạo ra sự phẫn nộ từ người hâm mộ môn thể thao vua.