Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những VĐV thể thao Việt Nam từng dính doping

Cua rơ Nguyễn Trường Tài vừa bị phát hiện dương tính với chất cấm, nhưng đây không phải lần đầu tiên VĐV TTVN dính đến doping.

Những VĐV thể thao Việt Nam từng dính doping

Cua rơ Nguyễn Trường Tài vừa bị phát hiện dương tính với chất cấm, nhưng đây không phải lần đầu tiên VĐV TTVN dính đến doping.

Nguyễn Trường Tài

Một tin đang gây chấn động trong làng xe đạp Việt Nam là tuyển thủ QG Nguyễn Trường Tài bị phát hiện sử dụng chất kích thích tại Tour de Singkarak 2013 diễn ra ở Indonesia vào đầu tháng 6/2013.

 

Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) đã gửi văn bản cho Trường Tài để hỏi cuarơ này về việc “có muốn làm xét nghiệm mẫu B hay không và phải trả lời trong vòng 7 ngày”. Đồng thời, UCI cũng yêu cầu cuarơ 25 tuổi đang khoác áo CLB Dược Domesco Đồng Tháp cung cấp tất cả các loại thuốc đã sử dụng trước và trong quá trình thi đấu Tour de Singkarak 2013 để phân tích khả năng Trường Tài vô tình sử dụng thuốc có chứa chất cấm.

Hoàng Anh Tuấn

Sự nghiệp của Hoàng Anh Tuấn đã chấm dứt sau khi dính doping năm 2010.

Đây là VĐV nổi tiếng nhất của TTVN từng dính đến doping. Hoàng Anh Tuấn thi đấu ở môn cử tạ và là VĐV có thành tích tốt nhất của TTVN trên đấu trường quốc tế khi đoạt HCB ở hạng cân 58kg tại Olympic 2008. Trước thềm Asiad 2010, Tuấn bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine, một chất nằm trong danh mục bị cấm của Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF).

Trước đó, Tuấn đã vô tình sử dụng đồ uống đóng chai không rõ nguồn gốc khi còn tập huấn tại Trung Quốc. Và đến khi thi đấu giải VĐTG ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2010 thì mới bị phát hiện. Với việc dính doping, IWF đã quyết định phạt Tuấn 500 USD và cấm thi đấu quốc tế 2 năm có hiệu lực từ ngày 18/9/2010-18/9/2012. Sự nghiệp lừng lẫy của Hoàng Anh Tuấn đã kết thúc sau sự cố này.

Đỗ Thị Ngân Thương

Đỗ Thị Ngân Thương rời Olympic 2008 trong nước mắt.

Trước khi Phan Thị Hà Thanh nổi lên thì Ngân Thương là VĐV TDDC số 1 Việt Nam. Tại Olympic 2008, Ngân Thương được đại diện cho khu vực ĐNA thi đấu do đã đoạt 5 HCV ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Tuy nhiên, ở nội dung toàn năng nữ, Ngân Thương đã thi đấu không thành công khi chỉ xếp 59 trong số các VĐV tham gia.

Sau đó, kết quả kiểm tra doping của Ủy ban Olympic quốc tế cho thấy mẫu thử của cô dương tính với  furosemide, một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân. Đây là một hoạt chất bị xếp vào danh mục các loại thuốc cấm sử dụng. Ngân Thương đã trở thành vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên bị trục xuất khỏi một kỳ Olympic vì sử dụng doping.  

Tuy nhiên, IOC cho rằng Ngân Thương dùng chất này một cách vô tình do thiếu hiểu biết nên cô chỉ bị cấm thi đấu quốc tế trong 1 năm. Quá chán nản, Ngân Thương đã có lúc định bỏ cuộc nhưng cuối cùng cô đã quyết tâm trở lại và đoạt 2 HCV, 1 HCB tại SEA Games 26 một cách đầy bất ngờ.

Nguyễn Thị Mỹ Linh

Mỹ Linh trở lại đầy mạnh mẽ sau khi dính doping.

Một tháng trước khi tham dự giải vô địch thể hình châu Á tại Hong Kong vào tháng 7/2008, Liên đoàn thể hình Việt Nam đã gửi mẫu thử doping của 12 VĐV cho Liên đoàn cử tạ châu Á (ABBF). Sau 2 tuần xét nghiệm, mẫu thử của Nguyễn Thị Mỹ Linh đã dương tính với chất Frusemide - một chất nằm trong danh mục bị cấm. Theo quy định, Mỹ Linh sẽ phải nộp phạt 2.000 USD và cấm thi đấu 2 năm.

Tuy nhiên, Liên đoàn cử tạ Việt Nam đã làm đơn kháng cáo thành công cho Mỹ Linh với lý do cô dính chất cấm này khi uống thuốc để chữa bệnh khi thấy đau thắt lưng và bí đường tiểu. ABBF sau đó đã giảm án phạt với Mỹ Linh xuống còn 1 năm.

Nguyễn Thị Mỹ Linh là VĐV thể hình nữ tài năng của Việt Nam khi vô địch châu Á 2005, 2006. Trở lại sau khi bị cấm thi đấu, cô giành HCB ở giải VĐ châu Á lẫn thế giới vào năm 2010 và 1 năm sau cô vô địch ở cả 2 giải trong sự thán phục của mọi người.

Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Văn Tuấn

VĐV Ngô Thị Hạnh.

Đây đều là 2 VĐV ở môn cử tạ. Ngô Thị Hạnh đoạt 3 HCV ở hạng cân 75kg tại ĐH TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng cuối năm 2010 nhưng sau đó cô bị phát hiện dương tính với chất bị cấm Methandienone. Sau đó, cô bị tước huy chương và cấm thi đấu 4 năm.

Còn Nguyễn Văn Tuấn từng đại diện cho Việt Nam tham dự giải thể hình Đông Nam Á 2004. Nhưng anh cũng bị phát hiện sử dụng chất cấm và bị cấm thi đấu 2 năm cùng 2.000 USD tiền phạt.

4 VĐV đoạt huy chương SEA Games 22 dính doping

Tại SEA Games 22 năm 2003, đoàn TTVN lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên thành tích này bị phủ mờ đôi chút khi trong số 5 VĐV tại Đại hội bị phát hiện doping có đến 4 VĐV Việt Nam gồm: Hồng Anh (2 HCV môn canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV lặn), Toàn Thắng (3 HCV lặn), và Mai Quỳnh (HCB nhảy 3 bước). Dù dính doping một cách không cố ý nhưng các VĐV này đều bị tước huy chương cũng như cấm thi đấu 2 năm. Đoàn TTVN mất 3 HCV do sự cố này nhưng vẫn bảo toàn được ngôi dẫn đầu toàn đoàn.

NGUYỄN ĐĂNG

Theo Infonet

NGUYỄN ĐĂNG

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm