5 năm trước, Warren Buffett đã hợp tác với Bill và Melinda Gates phát động chiến dịch kêu gọi các tỷ phú cho đi phần lớn tài sản của họ. Cam kết Pledge Giving được đưa ra vào 2010 để thuyết phục những người giàu có nhất nước Mỹ cam kết tặng ít nhất một nửa tài sản cho tổ chức từ thiện hoặc các lý do thiện nguyện.
Số tiền này có thể cho đi trong suốt cuộc đời hoặc trong di chúc sau khi họ qua đời. Mục đích của cam kết là "truyền cảm hứng cho các cuộc trò chuyện, thảo luận, và hành động. Đó không chỉ là hiến tặng bao nhiêu tiền mà còn vì kết quả”, website của Pledge Giving cho hay.
Theo CNN, cho tới nay, 130 cặp vợ chồng và cá nhân từ 14 quốc gia ký Pledge Giving. Việc cam kết không phải là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang tính đạo đức.
Hầu hết những người giàu nhất nước Mỹ như Giám đốc điều hành Oracle, ông Larry Ellison (giá trị tài sản khoảng 54,3 tỷ USD), Michael Bloomberg (35,5 tỷ USD), Mark Zuckerberg (35,3 tỷ USD), nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn (22,2 tỷ USD), nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen (17,5 tỷ USD) và người sáng lập Telsa Elon Musk (13,3 tỷ USD)… đều đã ký vào cam kết này.
5 năm trước, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã ký thỏa thuận "Giving Pledge" và công bố hiến 99% trị giá cổ phiếu (tương đương 45 tỷ USD) vào dịp con gái đầu lòng chào đời hôm qua.
1. Sara Blakely
CEO của tập đoàn Spanx đã tạo nên sản nghiệp trị giá 1 tỷ USD bằng cách bán đồ lót định hình cơ thể dành cho phụ nữ. “Từ khi còn nhỏ, tôi luôn muốn giúp đỡ những người phụ nữ. Trong giấc mơ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu bằng vòng 3 của họ”, nữ tỷ phú Sara Blakely chia sẻ.
Trong bức thư cam kết, Blakely cho biết, cô muốn dành phần lớn tài sản để giúp phụ nữ trên khắp thế giới tiếp cận giáo dục và các nguồn tài lực để thành công.
2. George B. Kaiser
George B. Kaiser đã tạo nên khối tài sản 9,2 tỷ USD từ kinh doanh dầu khí và ngân hàng. Hiện ông là chủ tịch của tập đoàn tài chính BOK Financial.
“Cam kết từ thiện của tôi chủ yếu xuất phát từ cảm giác có lỗi. Tôi sớm nhận ra rằng may mắn của tôi nằm ở chỗ không phải do tôi quá xuất sắc hoặc có nhiều sáng kiến”, ông nói.
Kaiser nói rằng ông muốn giúp con người giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói và "đảo ngược chu kỳ nghèo khổ mang tính thế hệ”.
3. Vladimir Potanin
Vladimir Potanin là một doanh nhân, nhà tài phiệt người Nga và được tạp chí Forbes xếp hạng là người đàn ông giàu nhất nước Nga và giàu thứ 60 thế giới. Ông từng là nhân viên của Bộ kinh tế đối ngoại thời Liên Xô. Vị tỷ phú này đã tích lũy được khối tài sản 14,5 tỷ USD bằng việc mua lại một công ty kim loại khi nó được tư nhân hóa.
“Tôi coi từ thiện là cách bảo vệ bản thân khỏi gánh nặng của sự giàu có cực đoan, vốn có thể tước đoạt động lực để đạt bất cứ điều gì trong cuộc sống”, Potanin viết.
Theo Potanin, ông muốn dành sự giàu có của mình để hỗ trợ “các chương trình trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và các hoạt động từ thiện khác”, đặc biệt là ở Nga.
4. Harold Hamm và Sue Ann Arnall
Sau khi giải quyết một trong những vụ ly dị tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, Harold Hamm and Sue Ann Arnall đã thực hiện cam kết riêng của từng người để đóng góp ít nhất một nửa tài sản làm từ thiện.
Trong khi nhiều người cho biết họ muốn hiến tài sản để con cái họ hiểu được giá trị của việc lao động chăm chỉ, chính các con của Arnall lại khuyến khích bà ký các cam kết.
"Các con gái của tôi thậm chí còn cương quyết cho rằng tôi phải theo đuổi giấc mơ này”, Arnall viết. Nữ tỷ phú cho hay, bà muốn dành số tiền từ thiện để hỗ trợ trẻ em bị bệnh tự kỷ và những người cần được chăm sóc.
Trong khi đó, chồng cũ của bà, tỷ phú ngành năng lượng Harold Hamm viết trong thư rằng ông muốn tặng phần lớn tài sản ước khoảng 11,5 tỷ USD để nghiên cứu cách chữa bệnh tiểu đường.
5. Manoj Bhargava
“Tôi có hai lựa chọn: tàn phá cuộc đời của con trai mình bằng cách cho nó tiền hay hiến tặng hơn 90% tài sản cho từ thiện”, Manoj Bhargava - CEO của tập đoàn 5-Hour Energy (Ấn Độ), nói.
Cựu tu sĩ và từng là sinh viên bỏ học sớm đã tạo dựng sản nghiệp sau khi phát triển sản phẩm nước uống tăng lực vào đầu thập niên 2000.
Công ty của ông gần đây xuống dốc kể từ khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ năm 2012 cáo buộc sản phẩm nước tăng lực của 5-Hour Energy có thể liên quan đến 13 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, ông Bhargava đã cam kết dành ít nhất 50% tài sản để hỗ trợ các hoạt động tại Ấn Độ bao gồm phân phối nước cho các khu vực nông thôn và giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch.