Mua nhiều thẻ tín dụng với hạn thanh toán khác nhau. Quẹt hết thẻ đầu tiên, dùng thẻ thứ hai để trả nợ, rồi lặp lại với thẻ thứ ba và thứ tư. Với các chuyên gia tài chính, đây là một lời khuyên ngớ ngẩn và thậm chí vô cùng nguy hiểm.
Nhưng đó lại là "cú hack cuộc sống hoàn hảo" đối với Tommy Zippler, như những gì TikToker này giải thích trong video đăng ngày 11/10. Zippler có 1,6 triệu người theo dõi và video trên thu hút hơn 430.000 lượt xem.
Zippler (chủ sở hữu tài khoản @kingzippy trên TikTok) cho biết anh ta nghĩ ra ý tưởng này khi chuẩn bị thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng. “Ý tưởng này rất ngớ ngẩn, nhưng tôi cũng biết người xem sẽ tin rằng đó là cách chi tiêu hiệu quả”, Zippler nói.
"Điều đó cho thấy tin giả dễ dàng lan truyền như thế nào trên TikTok. Tôi chắc chắn một số người sẽ làm thử theo cách này. Hi vọng là họ tỉnh táo", TikToker 30 tuổi ở Blackwood, New Jersey (Mỹ) nói thêm.
Tin giả đang lan tràn trên TikTok. Ảnh: Reuters. |
Tin giả lên ngôi
Zippler gắn lưu ý rằng tất cả video của anh ta chỉ là trò đùa, nhưng đa số người dùng TikTok thường không chú ý đến chi tiết này. Thuật toán bí mật của ứng dụng Trung Quốc gửi cho hàng trăm triệu người dùng các video được tùy chỉnh dựa trên sở thích của họ.
Giới quan sát nhận định TikTok có ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng và định hình cuộc sống của giới trẻ. Nội dung trên nền tảng TikTok đa dạng nhưng không được phân loại rõ ràng. Chỉ 10 phút lướt TikTok, người dùng có thể xem rất nhiều video khác nhau từ nhảy múa, hài kịch. mô phỏng thực tế cho đến những nội dung kỳ lạ như "quả chuối sinh con".
Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng loạt trường học, công sở đóng cửa trên toàn cầu, tỷ lệ người dùng TikTok tăng lên nhanh chóng. Nhiều người trẻ tuổi đến với nền tảng này để học hỏi kiến thức tài chính và các mẹo quản lý tiền bạc.
Các hashtags như #sidehustle, #personalfinance, #invest và #stocktips thu hút hàng triệu lượt xem chỉ trong vài tháng. Bên cạnh đó, các video về cách trở thành triệu phú ở tuổi 22, nên sử dụng loại thẻ tín dụng nào hoặc cách mở tài khoản môi giới... thường xuyên xuất hiện.
TikTok tăng trưởng dữ dội trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Bloomberg. |
Hootsuite ước tính khoảng 69% người dùng TikTok có độ tuổi từ 13 đến 24. Nội dung về tài chính cá nhân trên nền tảng này hấp dẫn và vui hơn lý thuyết khô khan mà một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ. Tuy nhiên, video TikTok rất ngắn và nhằm mục tiêu "viral", do đó rất khó kiểm chứng được độ chính xác của chúng. Thậm chí, nhiều video độc hại lan truyền, ví dụ như "cú hack" của Zippler.
Bloomberg dẫn lời học giả Kelley Cotter thuộc Đại học Arizona nhận định tốc độ lan truyền thông tin như vũ bão và lượng khán giả lớn của TikTok khiến nhiều TikToker muốn đẩy nội dung như lời khuyên tài chính, mẹo chứng khoán hoặc cách kiếm tiền dễ dàng để đổi lấy “lượt thích” và thu hút nhiều người theo dõi hơn.
Người dùng cần tỉnh táo
“Các TikToker tối ưu hóa video nhằm mục đích giải trí. Họ không xác thực thông tin mình đăng tải. Đây là mối lo ngại lớn. Hơn nữa, họ không quan tâm đến sự đúng sai. Họ chỉ muốn làm mọi cách để hút view và duy trì mức độ nổi tiếng", chuyên gia Cotter nhấn mạnh
Mối quan tâm đến tài chính cá nhân trên TikTok thật trùng hợp với thời kỳ bùng nổ giao dịch chứng khoán trên các nền tảng như Robinhood tại Mỹ. Chỉ trong vài tháng, nhiều TikToker thu hút hàng triệu lượt theo dõi bằng các video về mẹo giao dịch và lời khuyên về loại cổ phiếu nên mua.
Ngày 10/8, TikToker @14th.ryan kêu gọi người xem đầu tư vào công ty Callon Petroleum. Theo chủ tài khoản, giá cổ phiếu của Callon Petroleum tăng đến 970%. Tuy nhiên, thực tế là công ty này tự điều chỉnh giá cổ phiếu từ mức giá xấp xỉ 1 USD lên 10 USD/cổ. Cách này không làm thay đổi định giá của công ty.
Sau đó, @14th.ryan đăng một video khác, giải thích anh ta “không phải là chuyên gia gì cả” và tuyên bố "không chịu trách nhiệm pháp lý” nếu có ai lỡ làm theo lời khuyên của mình. Video gốc hiện nay vẫn hiển thị trên tài khoản của TikToker này và có 1,1 triệu lượt xem, trong khi video đính chính chỉ được xem khoảng 31.500 lần.
Thuật toán của TikTok mở đường cho sự lan truyền tin giả tràn lan. Ảnh: Bloomberg. |
Đại diện TikTok tuyên bố có kiểm duyệt và xóa các bài đăng vi phạm nguyên tắc cộng đồng của mình thông qua thuật toán. Tuy nhiên, công ty này không cung cấp thông tin về cách thuật toán hoạt động, cũng không đưa ra ví dụ cụ thể về việc kiểm tra và xóa bỏ nội dung vi phạm như thế nào.
Chuyên gia Cotter thuộc Đại học Arizona nhận định định dạng đa phương tiện của TikTok - bao gồm nhạc, bộ lọc hình ảnh, chữ nhiều màu sắc và các điệu nhảy - khiến việc kiểm duyệt nội dung khó hơn nhiều so với nội dung thiên về chữ trên Twitter hay Facebook. Do đó, trước mắt người dùng cần tỉnh táo, không "say" với các tư vấn tài chính trên nền tảng này.