Khải, 22 tuổi, là sinh viên năm cuối tại Hà Nội. Chương, 24 tuổi, cử nhân tại TP.HCM. Số phận của hai thanh niên này có điểm giống nhau khi 10 tháng trước, họ còn đang mông lung về tương lai của mình, tiếng Anh chỉ dừng ở mức bập bõm. Không ai trong số họ từng nghĩ sẽ xin học bổng tiến sĩ ở những trường hàng đầu nước Mỹ.
Quyết định thay đổi cuộc đời
Khải và Chương đã tạo nên bước ngoặt chưa đầy một năm kể từ ngày tham gia chương trình AI Residency (thực tập sinh AI) của Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup. Đây là môi trường với sự có mặt của các chuyên gia về máy học và trí tuệ nhân tạo đạt tầm thế giới, có hệ thống máy tính chuyên dụng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và phương pháp thực tập “chuẩn Mỹ”.
Huỳnh Minh Chương trở thành thực tập sinh tại VinAI. |
Khải và Chương gia nhập VinAI tháng 7/2019 sau kỳ sát hạch được cả hai miêu tả là “khó như thi tuyển vào Google”. Ngoài việc phổ cập kiến thức về lĩnh vực còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, VinAI còn chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh cho thực tập sinh với mục tiêu song hành cùng các nhà khoa học thế giới.
“Ở đây, từ việc đơn giản nhất là chào hỏi cũng phải dùng tiếng Anh. Giảng viên tiếng Anh là giám khảo IELTS quốc tế. Ngoài giờ lên lớp theo nhóm, chúng tôi còn học riêng 1:1 với giáo viên, sau khóa học đều đạt 7.0 trở lên", Khải tiết lộ.
Hàng ngày, các thực tập sinh phải cập nhật thông tin và nghiên cứu mới nhất của giới AI toàn cầu. Khi mới vào VinAI, Khải và Chương đều trải qua những ngày mất ăn mất ngủ, tưởng chừng phải bỏ cuộc vì áp lực lớn và phương thức làm việc khác biệt. Nhưng với sự hướng dẫn của các chuyên gia AI, hai chàng trai rụt rè đều đã có nghiên cứu nộp tại những hội thảo quốc tế. Kết quả này vượt xa mục tiêu ban đầu là làm đẹp CV để xin học bổng.
"Bây giờ tôi nghĩ mình có thể cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ sinh viên nào trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu này", Khải và Chương tự tin.
Mục tiêu ươm mầm tài năng cho Việt Nam
Khải và Chương là hai trong số 27 thành viên khóa đầu tiên của chương trình "AI Residency - Ươm mầm tài năng" tại Viện VinAI. Sau 10 tháng, các thực tập sinh đã có 8 công trình nộp vào nhiều hội thảo đầu ngành thế giới về AI là ACL, ICML và ECCV 2020 với vai trò tác giả chính hoặc đồng tác giả. Một nghiên cứu do thực tập sinh VinAI Research là tác giả chính đã được công bố tại hội thảo AAAI lần thứ 34, tổ chức tại Mỹ vào tháng 2.
TS Bùi Hải Hưng chia sẻ về mục tiêu ươm mầm cho các tài năng về AI tại Việt Nam. |
Gây dựng VinAI từ con số không, TS Bùi Hải Hưng - một trong những tên tuổi nổi bật của thế giới trong lĩnh vực AI chia sẻ, đầu tư cho lĩnh vực AI giàu tiềm năng là rất cần thiết và hợp lý. Các thực tập sinh được ươm mầm hiện tại sẽ trở thành những nhà khoa học và kỹ sư toàn cầu, giúp thế giới biết đến Việt Nam thông qua nghiên cứu quốc tế. Mục tiêu lớn nhất của AI Residency là ươm mầm tài năng để chuẩn bị nhân lực cho Việt Nam trong 5 - 10 năm nữa.
“Việt Nam có rất nhiều người giỏi, nhưng cách phát triển và sự thành công của họ ở nước ngoài đều là ngẫu nhiên, không giống Ấn Độ hay Trung Quốc, người giỏi đều có con đường sẵn để đi. Chúng tôi muốn phá vỡ sự ngẫu nhiên bằng cách tạo ra con đường cho các bạn trẻ Việt Nam phát triển và đi ra thế giới. Sắp tới, viện sẽ tuyển sinh thêm khoảng 30 thực tập sinh nữa”, TS Hưng chia sẻ.
Chia sẻ về bí quyết thành công, TS Hưng cho rằng các nhà nghiên cứu tại VinAI, trong đó có cả các thực tập sinh, đang được đầu tư bài bản để đạt trình độ quốc tế. Ngoài sự hỗ trợ về về kinh phí, Vingroup còn có một hệ sinh thái ngành nghề, sản phẩm với cơ sở dữ liệu khổng lồ cùng tiềm năng ứng dụng phong phú.
Sở hữu nền tảng tốt về toán học, Việt Nam được đánh giá sở hữu đầy đủ tiềm năng để có thể cạnh tranh với các nước phát triển mạnh về AI trong khu vực như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc nếu được đầu tư đúng và đủ. TS Hưng kỳ vọng thành công bước đầu của VinAI sẽ có sức lan tỏa tới các trường đại học trong nước.
Bình luận