Những 'tòa nhà ma' phủ bóng lên kinh tế Trung Quốc
Trên tầng thượng của tòa tháp văn phòng được xây dựng ven sông, một người đàn ông lặng lẽ đứng hút thuốc trong buổi chiều muộn. Tòa nhà - nơi lẽ ra phải được lấp đầy bằng những cuộc trò chuyện và bước chân vội vã của các nhân viên văn phòng - đang chìm trong im lặng.
Người đàn ông này là một trong những cư dân ít ỏi sống tại tòa nhà Sino - một trong 43 dự án cao tầng đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng tại Tân Hải thuộc thành phố Thiên Tân, nơi thường được biết đến với cái tên “thị trấn ma” mới nhất của Trung Quốc. Tòa nhà được xây dựng với khoảng 500 văn phòng để cho thuê, nhưng chỉ 20 văn phòng đang được sử dụng, tương đương khoảng 4%.
Cao Phi - nhà phân tích cũng là quản lý bán hàng tại Centaline Property ở thành phố Thiên Tân - cho biết: “Tôi không cố gắng bán hay cho thuê một tòa nhà tại Tân Hải vì không mấy khách hàng có nhu cầu”.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, mối quan hệ cung - cầu thường không đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư. Vì vậy, bất chấp thị trường bất động sản có thể sẽ tồi tệ hơn trong 2 năm tới, các hoạt động xây dựng tại Tân Hải CBD vẫn sôi động.
Theo số liệu về GDP Trung Quốc công bố đầu tuần, xu hướng này được thể hiện rõ nét trên khắp đất nước Trung Hoa. Các số liệu tổng hợp của Capital Research tại London cũng cho thấy gần 80% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II/2013 đến từ đầu tư tài sản cố định, gấp đôi quý I và cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.
Nhà kinh tế học Anne Stevenson-Yang thuộc J Capital Research tại Bắc Kinh - cho biết: “Hiện tại, xây dựng là ý tưởng duy nhất mà Bắc Kinh có thể đưa ra. Những dự án này không những không dừng lại mà ngày càng gia tăng”. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì mà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ thực hiện trong ít nhất 3 năm tới, sau khi cam kết sẽ tái cân bằng mô hình kinh tế Trung Quốc, chuyển từ đầu tư xây dựng sang tiêu dùng. Tuy nhiên, các số liệu vừa được công bố tại Tân Hải cho thấy sự chuyển đổi vẫn chưa được thực hiện.
Theo ước tính, khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (177 tỷ USD) đã được bơm vào Tân Hải trong những năm gần đây. Theo đó, dự án đường cao tốc lớn nhất Trung Quốc, mạng lưới tàu điện ngầm, các đường hầm dưới lòng sông và nhiều tòa nhà cao tầng sẽ sớm được triển khai. Chính quyền địa phương cũng là “con nợ” lớn nhất Trung Quốc.
Hiện mới có 5/43 dự án trong giai đoạn đầu của kế hoạch được hoàn thành. Nhưng trong 18 tháng tới, theo ước tính của tập đoàn bất động sản DTZ, 1,57 triệu m2 không gian văn phòng sẽ sẵn sàng để cho thuê. Nếu tất cả các dự án đang thực hiện hoàn tất, hơn 3,3 triệu m2 sẽ được đưa ra thị trường, tương đương 60% không gian văn phòng CBD tại thành phố Sydney (Úc).
Trong khi đó, Crystal Hao - nhà phân tích tại DTZ - ước tính nhu cầu hàng năm tại Tân Hải chỉ là 60 nghìn m2. “Đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi không tự tin về tương tai của các dự án”. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, có thể Trung Quốc phải mất 53 năm để những không gian này được lấp đầy.
Tuy nhiên, theo bà Stevenson Yang, đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình về tình trạng thừa cung trên thị trường bất động sản Trung Quốc dẫn đến sự tồn tại của những “thành phố ma”. Nổi tiếng nhất trong số này là Erdos ở Khu tự trị Nội Mông. Nhưng không giống như Erdos, Tân Hải nằm ở ven biển, phía đông khu vực đô thị lõi của thành phố Thiên Tân và là trung tâm của vành đai Bột Hải. Thậm chí, đây còn là hình ảnh thu nhỏ mô hình phát triển do Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo.
Tân Hải được “bảo trợ” bởi cựu Bí thư Thiên Tân. Trong thời gian ông này nắm quyền, Thiên Tân được đánh giá là khu vực phát triển thần tốc nhất trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng 16,1%/năm. Tuy nhiên, đó chỉ là thành tích ảo bởi phần lớn các dự án này đều do chính phủ đầu tư. Vì vậy, khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, cách duy nhất để duy trì đà tăng trưởng là vay mượn và xây dựng, biến khu vực này thành một trong những con nợ lớn nhất Trung Quốc.
Theo Sống mới