Tháng 9/2008, T-Mobile G1 (còn gọi là HTC Dream) là điện thoại Android đầu tiên được ra mắt. Đến nay, khi đã tròn 14 tuổi, Android trở thành hệ điều hành số một trên thị trường smartphone. Khác với hệ sinh thái đóng, ít tùy biến trên iOS, Android được Google thiết kế để trở thành một phần mềm mạnh mẽ, có đầy đủ chức năng, khả năng tinh chỉnh chỉ trong một chiếc smartphone. Ảnh: Cnet. |
Từ những ngày đầu tiên ra mắt, Android được trang bị hàng loạt tính năng khác nhau, tập trung vào khả năng đa nhiệm cho người dùng. Google đã nảy ra ý tưởng thiết kế nhiều tính năng nhỏ hữu ích như menu truy cập nhanh thông báo, ngăn ứng dụng (app drawer), đổi vị trí các icon ứng dụng, truy cập nhanh vào cài đặt, đổi hình nền… Nhiều tính năng được Apple học theo trên những chiếc iPhone gần đây. Bên cạnh đó, có những tính năng rất cần thiết nhưng Android đời đầu lại không hề có. Ảnh: The Verge. |
Zoom. Zoom ra, vào là một cử chỉ thông dụng trên smartphone ngày nay mỗi khi xem ảnh, lướt web hay đọc email… Nhưng với phiên bản Android 1.0, tính năng này không hề xuất hiện. Phải đến khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, cảm ứng đa điểm mới được phổ biến và khả năng zoom bắt đầu xuất hiện. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng Apple và Google đã bí mật thỏa thuận với nhau để đưa công nghệ này lên Android 2.0. Ảnh: Android Authority. |
Bàn phím ảo. Ít người biết rằng ban đầu, Android không được thiết kế để sử dụng cho màn hình cảm ứng. Vào những năm 2000, Google luôn xem BlackBerry là đối thủ nên đã sử dụng bàn phím trượt T-Mobile G1, chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên của mình. Chỉ đến khi iPhone ra mắt với cảm ứng đa điểm hỗ trợ bàn phím ảo, Google mới quyết định bổ sung công nghệ này trên phiên bản Android 1.5 Cupcake. Ảnh: Android Authority. |
Kho ứng dụng Google Play. Google Play Store là kho ứng dụng với nhiều app nhất thế giới. Nhưng khi Android ra mắt, với tên gọi Android Market, kho ứng dụng này chỉ có 13 app và không hề có app trả phí. Đến năm 2009, Google mới bắt đầu hỗ trợ thu phí trên ứng dụng, mở ra một thị trường mới với hàng tỷ khách hàng, thu hút hàng loạt lập trình viên trên thế giới. Trích 70% doanh thu dành cho nhà phát triển, Google Play đã thành công trở thành một kho ứng dụng phổ biến, đồng thời biến Android trở thành hệ điều hành đứng đầu toàn cầu. Ảnh: Android Authority. |
Khả năng quay video. Theo Android Authority, smartphone ngày nay thường được trang bị những công nghệ cao cấp như quay video 8K, hỗ trợ âm thanh Dolby Vision… Nhưng trước đây, điện thoại thường không có những tính năng ấn tượng này. Thậm chí, phiên bản Android đầu tiên còn không có khả năng quay video. Vào thời điểm đó, hệ điều hành chỉ hỗ trợ chụp những bức ảnh tĩnh. Chỉ đến khi phiên bản Android 2.0 ra mắt, đèn flash và zoom ảnh mới bắt đầu xuất hiện. Ảnh: Android Authority. |
Widget. Cửa sổ widget là một trong những điểm đặc trưng trên các smartphone Android trong suốt thập kỷ qua. Nhưng tính năng này không hề tồn tại trên phiên bản đầu tiên. Hãng công nghệ đã ra mắt widget trên Android 1.5. Nhưng rất ít smartphone dùng Android 1.0 nên đa số người dùng hệ điều hành Google đều được hỗ trợ tính năng cửa sổ ứng dụng từ ngày đầu tiên. Ảnh: Android Authority. |
Truy cập nhanh. Một tính năng khác rất phổ biến trên smartphone hiện nay là menu truy cập nhanh. Chỉ cần kéo xuống từ phía trên màn hình, công cụ này giúp người dùng đã có thể nhanh chóng bật Wi-Fi, dữ liệu di động, chế độ máy bay… Nhưng trên thực tế, menu truy cập nhanh chỉ mới xuất hiện trên Android từ phiên bản 4.2 với tên gọi Jelly Bean. Ảnh: Android Authority. |