Bản chất của viễn tưởng là điều không có thực, không thể hoặc gần như không thể xảy ra, một điều phi thường đến mức có thể nhấc bổng người ta khỏi thực tại. Ngoài những thứ phi thực, thế giới viễn tưởng cũng cung cấp những chi tiết dễ nhận diện, những cảm xúc hợp lý, làm ta sẵn sàng phớt lờ lòng hoài nghi.
Các nhà văn từ Tolkien tới Pratchett đã cho thấy truyện viễn tưởng sẽ trở nên đáng tin hơn khi những mô típ và cốt truyện phi thực được truyền tải bằng giọng kể tựa như kể truyện cổ tích, truyền thuyết và thần thoại. Điều đó đã gắn kết văn học viễn tưởng với nền văn hóa châu Âu, với những thần thoại quen thuộc như thần thoại Hy Lạp - La Mã, Bắc Âu...
Tuy nhiên, vào thế kỷ XXI, một làn sóng viễn tưởng mới thách thức sự thống trị của văn hóa châu Âu. Các nhà văn da màu và các nhà văn đến từ nền văn hóa khác nhau sử dụng những câu chuyện thần kỳ để mô tả trải nghiệm cá nhân và quan điểm khó truyền đạt trong những câu chuyện hiện thực.
Một trong những tác dụng của viễn tưởng là nó buộc ta phải xem xét lại các phạm trù thực tế, những chuẩn mực được cho là bình thường. Độc giả dần thấy những chuẩn mực ấy ràng buộc với văn hóa như thế nào. Các câu chuyện ngoài châu Âu vạch ra những ranh giới khác, tái thiết lập quan điểm về những gì “có thể” và gắn nghĩa cho điều “không thể”, đa dạng hóa thế giới viễn tưởng và nền văn hóa trong thực tế.
Ảnh cắt từ video The End of Eating Everything của Wangechi Mutu, chiếu tại triển lãm In the Black Fantastic, phòng trưng bày Hayward, London, cho tới ngày 18/9. Ảnh: Guy Bell/Rex/Shutterstock. |
The new moon’s arms (Tạm dịch: Vòng tay trăng non, 2007)
Nhà văn người Caribe, Nalo Hopkinson, nổi tiếng với thế giới khoa học viễn tưởng, nhưng cô cũng khéo léo không kém khi tiếp cận những tưởng tượng gần gũi hơn.
Cuốn sách kỳ diệu này kể câu chuyện của một phụ nữ ngoài 50 và hồi ức tuổi thơ của bà. Tại ngưỡng mãn kinh, bà phải chịu thêm nỗi đau mất cha. Với những biến động tâm sinh lý, bà bỗng có lại khả năng triệu hồi những thứ thất lạc, trong đó, có một cậu bé dạt vào bờ biển ngoài nhà bà.
Cuốn tiểu thuyết khiến người đọc đắm chìm trong trải nghiệm giác quan các chức năng xã hội trên một hòn đảo biệt lập. Hopkinson hướng ngòi bút tập trung vào những biến đổi của một phụ nữ trung niên. Cuốn sách thách thức những kỳ vọng về nhân vật chính của một câu chuyện viễn tưởng.
Who fears death (Tạm dịch: Kẻ sợ chết, 2010)
Tác giả Nnedi Okorafor. Ảnh: Mark Peterman |
Như nhiều tác phẩm khác của Nnedi Okorafor, Who fears death dựa trên những trải nghiệm của bà với tư cách là một người nhập cư Nigeria, lắng nghe những câu chuyện từ đại gia đình của mình ở châu Phi.
Nhân vật chính của cuốn sách là Onyesonwu, sinh ra từ một vụ hiếp dâm. Cô bé kế thừa sức mạnh từ hai nguồn huyết thống nhưng không thể hòa nhập vào một xã hội nào.
Đây không phải câu chuyện thông thường về một nhân vật “anh hùng được chọn”. Thế giới Africanfuturism mà tác giả Okorafor kiến tạo trong trang sách này được độc giả đón nhận và được nhiều nhà văn châu Phi thế hệ mới mô phỏng lại.
Redwood and Wildfire (Tạm dịch: Rừng đỏ và Lửa hoang, 2011)
Biên kịch và học giả Andrea Hairston đã khai thác văn hóa dân gian của người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi viết câu chuyện cuộc phiêu lưu chống lại nạn phân biệt chủng tộc từ miền Nam Jim Crow tới Chicago.
Phép màu sân khấu trong ngòi bút gợi cảm chống lại bạo lực và đàn áp. Cuốn sách đã chiến thắng Giải thưởng Otherwise (giải thưởng thường niên cho tác phẩm khoa học viễn tưởng tập trung khai thác vấn đề về giới) và Giải Carl Brandon Kindred (giải thưởng danh giá dành cho văn học tiếng Anh xuất bản trong năm, đề cập đến vấn đề sắc tộc).
Alif the Unseen (Tạm dịch: Alif Vô Thị, 2012)
Tác giả G Willow Wilson là một nhà báo ở Cairo từng công tác thực địa tại cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập đầu thập niên 2010. Tác phẩm đoạt giải World Fantasy này kết hợp khoa học máy tính và chủ nghĩa thần bí Ả Rập, kể câu chuyện sáng rực về tình yêu, sự chênh lệch kinh tế, cuộc phiêu lưu và sức mạnh của phép ẩn dụ.
Trong cuốn sách, Wilson thậm chí còn tự giễu nhại mình trong hình ảnh nhân vật phụ - một phụ nữ người Mỹ theo đạo Hồi, mù tịt về những ma phép quanh mình.
A stranger in Olondria (Tạm dịch: Người lạ ở Olondria, 2013)
Sofia Samatar viết nên những áng văn tuyệt đẹp về chuyến du hành vào một thế giới thứ cấp phức tạp, với những hồn ma, xung đột văn hóa và tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ viết tới nền văn hóa truyền miệng. Ngoài ra, tiểu thuyết này còn có dàn nhân vật thú vị và những cuộc phiêu lưu hấp dẫn.
Thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết phản ánh sự chìm đắm giữa nhiều nền văn hóa của chính tác giả Samatar - con gái của một người nhập cư Somali và một học giả văn học Ả Rập từng giảng dạy ở Sudan và Ai Cập.
The fifth season (Tạm dịch: Mùa thứ năm, 2015)
Nhà văn NK Jemisin đã thắng mọi giải thưởng (hoàn toàn xứng đáng) cho các tiểu thuyết trong bộ ba viễn tưởng Broken Earth. The fifth season chính là tập đầu tiên của bộ sách.
Câu chuyện đặt bối cảnh ở một tương lai xa, trong một hành tinh khác với Trái Đất của chúng ta, nhưng độc giả có thể thấy rõ mối liên hệ với thực tại. Với những chủ đề như biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái, bất bình đẳng sắc tộc và gánh nặng lịch sử, NK Jemisin đã táo bạo sử dụng ngôi kể thứ 2, với một nhân vật phức tạp, đáng ngưỡng mộ nhưng không phải lúc nào cũng dễ gần, khiến cho cuốn sách trở nên lớn hơn cả tổng thể chủ đề được khai thác.
The house of shattered wings (Tạm dịch: Căn nhà gãy cánh, 2015)
Nhà văn Aliette de Bodard. Ảnh: Chloe Vollmer-Lo |
Với những khai phá, xen kẽ giữa khoa học viễn tưởng phép thuật giả tưởng, Aliette de Bodard đã giành được những giải thưởng ấn tượng (như Giải Nebula, Giải Locus, và Giải của British Science Fiction Association). Cuốn tiểu thuyết tiên phong cho trào lưu truyện viễn tưởng phong cách gothic.
The house of shattered wings kể câu chuyện của các thiên thần sa ngã và một cuộc chiến đánh sập nửa thành phố Paris, gây ra sự ô nhiễm ma thuật. Sự ô nhiễm này ngấm sâu vào sông Seine, nơi một cộng đồng người An Nam và những con rồng trú ẩn. Tác phẩm phản ánh chính trị đa chủng tộc và thực trạng đa văn hóa của các thành phố châu Âu đương đại.
Black Sun (Tạm dịch: Mặt Trời đen, 2020)
Rebecca Roanhorse thu hút sự chú ý của độc giả thể loại viễn tưởng vào năm 2017 với những tác phẩm truyện ngắn mang tính châm biếm.
Sau đó, cô ra mắt tác phẩm khoa học viễn tưởng đan xen với truyền thuyết Diné đặt trong bối cảnh hậu khải huyền. Black Sun khai phá thể loại viễn tưởng sử thi, đặt giữa những xung đột đảng phái và tôn giáo căng thẳng ở lục địa Meridien.
The water dancer (Tạm dịch: Vũ công dưới nước, 2020)
Trước tác phẩm này, Ta-Nehisi Coates là cây bút chuyên viết sách phi hư cấu. Nhưng Coates cho thấy tài năng của mình khi khéo léo viết nên những trang văn hư cấu tuyệt đẹp. The water dancer lấy bối cảnh trước cuộc nội chiến. Tiểu thuyết theo chân cậu bé Hiram Walker sinh ra trong xiềng xích. Khi mẹ cậu bị bán đi, Hiram bị tước đoạt toàn bộ ký ức về bà, cậu bỗng có được một sức mạnh bí ẩn. Nhiều năm sau, khi Hiram suýt chết đuổi, chính sức mạnh ấy đã cứu cậu. Trải nghiệm cận kề cái chết đã thúc đẩy Hiram tới một kế hoạch táo bạo: trốn khỏi cái nơi mà anh vẫn nghĩ là nhà.
Đây là câu chuyện kịch tính về sự tàn bạo đã gây ra cho nhiều thế hệ con người và cuộc chiến giành lấy sự sống. The water dancer được đánh giá là một tác phẩm siêu việt, hấp dẫn và giàu tính nhân văn.
A master of Djinn (Tạm dịch: Người cai quản Djinn, 2021)
Nhà sử học P Djèlí Clark đã phát triển từ nghiên cứu của mình về lịch sử nước Mỹ, viết nên cuốn sách giả tưởng kỳ diệu này với một dòng lịch sử khác, trong bối cảnh Cairo đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách viết về một nữ thám tử đương đầu với những đối tượng siêu nhiên hùng mạnh. Câu chuyện tập trung vào những tương tác giữa các nhân vật hơn là cốt truyện. Thành phố Cairo trong các trang sách là nơi hội tụ, giao thoa giữa Đông và Tây, Nam và Bắc, quá khứ và hiện tại, khoa học và ma thuật, đan gài khéo léo vào những chi tiết về kiến trúc.