Vùng Vịnh là khu vực cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới. Công nghiệp dầu mỏ phát triển đã kéo theo sự phát triển thịnh vượng cho khu vực. Các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar nổi tiếng là những nước giàu có hàng đầu khu vực Trung Đông.
Theo Ngân hàng Thế giới, các nước Vùng Vịnh đều là những nhà tài trợ hào phóng nhất thế giới. Dự trữ ngoại tệ dồi dào, các nước trong khu vực này sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ mua vũ khí từ nước ngoài để tăng cường sức mạnh quân đội.
Hợp đồng lớn nhất thế giới
Dẫn đầu trong những thương vụ phá kỷ lục thế giới là Saudi Arabia. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, giai đoạn 2005-2014, Saudi Arabia trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ với những hợp đồng chấn động.
Năm 2006, Saudi Arabia và Anh tạo nên cơn địa chấn trên thị trường mua bán vũ khí bằng thỏa thuận Al-Yamamah với tổng giá trị lên đến 43 tỷ USD. Đây là hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất thế giới ở thời điểm đó.
Thương vụ mua tiêm kích Typhoon từng giữ kỷ lục hợp đồng bán vũ khí lớn nhất thế giới. Ảnh: Airliners. |
Thỏa thuận Al-Yamamah bao gồm mua 72 tiêm kích đa nhiệm Typhoon do liên doanh Eurofighter châu Âu sản xuất, nâng cấp cường kích Tornado và chuyển giao các vũ khí hàng không thế hệ mới.
Tháng 12/2011, Saudi Arabia tiếp tục lập kỷ lục về mua bán vũ khí khác bằng hợp đồng mua 84 tiêm kích F-15SA (Saudi Advanced) trị giá tới 29,4 tỷ USD. Trong chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, 2 nước sắp hoàn tất thỏa thuận mua bán vũ khí với tổng giá trị hơn 100 tỷ USD.
Một quan chức khác tiết lộ với Reuters rằng, thỏa thuận có thể vượt qua con số 300 tỷ USD trong một thập kỷ, giúp Saudi Arabia tăng cường sức mạnh quân đội lên tầm cao mới.
Tiêm kích F-15 đang trở thành vũ khí bán chạy nhất của Mỹ ở Trung Đông. Ảnh: USAF. |
Những thương vụ hàng chục tỷ USD
Một quốc gia khác cũng mạnh tay chi tiền mua vũ khí là UAE. Năm 2000, UAE đã chi 6,4 tỷ USD để mua 80 tiêm kích F-16 của Mỹ. Năm 2011, quốc gia này chi 3,8 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, đưa UAE trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Quốc gia Vùng Vịnh khác vừa mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng là Qatar. Trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh, ngày 14/6, Doha và Washington đã ký thỏa thuận mua bán 36 tiêm kích đa nhiệm F-15 với tổng giá trị 12 tỷ USD. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đã cho phép bán 72 tiêm kích F-15 với tổng giá trị 21 tỷ USD cho Qatar.
Kuwait, một quốc gia có diện tích khiêm tốn tại Trung Đông cũng sẵn sàng chi hàng chục tỷ USD để mua vũ khí. Năm 2016, Kuwait đã ký hợp đồng mua 40 tiêm kích F/A-18 Super Hornet trị giá 10,1 tỷ USD. Giai đoạn 2004-2015, Kuwait đã mua vũ khí từ Mỹ với tổng giá trị khoảng 5,5 tỷ USD.
Các nhà phân tích nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao tại Vùng Vịnh chưa có dấu hiệu kết thúc. Các quốc gia Vùng Vịnh có thể chi thêm hàng chục tỷ USD nữa để mua vũ khí, nhằm chiếm ưu thế trước đối phương.