Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những tay thợ sửa Pinball cuối cùng trên đất Mỹ

Là một trong những niềm tự hào nước Mỹ thế kỷ 20, Pinball ngày nay phải nhường chỗ cho các tựa game khác được ưa chuộng, và những thợ sửa game cũng vì thế mà dần thưa thớt đi.

Zing.vn lược dịch bài viết của cây bút Jason Koebler về những người thợ cuối cùng sửa máy chơi game Pinball, nét độc đáo của văn hoá Mỹ đã lan truyền khắp thế giới.

Mike Hooker dành những buổi tối của mình trông coi các con tàu ở tuyến đường sắt Long island, trong khi ban ngày đắm mình cho việc sửa chữa máy chơi game Pinball. Ông là một trong số những người cuối cùng ở đất New York này hành nghề sửa máy chơi Pinball.

Như bạn có thể đoán được, mọi người gọi cho ông ấy mỗi khi cỗ máy của họ bị hỏng, hoặc có thể nói là, họ đơn giản chỉ muốn nhờ Mike tống khứ chúng đi.

Khi chúng tôi đến thăm Hooker ở nhà của ông ấy tại Sayville, Long island, Mike dẫn chúng tôi xuống tầng hầm, một “viện bảo tàng” những máy chơi game hiếm, lạ và phủ đầy lớp bụi mờ lịch sử.

Nhung tho sua game Pinball cuoi cung anh 1
Mike Hooker là một trong số ít thợ sửa máy game Pinball còn lại của New York. Ảnh: Lara Heintz.

Nơi tôi đang đứng trước mặt là Sea Devil, một trò chơi có từ năm 1970 đặt ra cho người chơi nhiệm vụ săn tàu ngầm bằng vũ khí là chiếc kính ngắm. Ở bên kia là Coney Island Rifle, tựa game bắn súng ra đời vào năm 1976 lấy bối cảnh những năm ở thế kỉ 20. Kia nữa, trò Bull’s Eye phóng tiêu điện tử xuất hiện hồi năm 1972. Phải thừa nhận là tôi chưa từng thấy hay nghe về bất kì trò chơi nào trong số chúng trước đây.

Trước khi chúng tôi thử chơi trò Pinball trên cỗ máy duy nhất mà Hooker có, ông mời tôi thử những trò kia và như một lẽ hiển nhiên, Mike “huỷ diệt” tôi ở tất cả những trò đó.

Máy Pinball duy nhất mà Mike có là Happy clown, cỗ máy Pinball điện cơ sản xuất bởi Gottlieb vào năm 1964 với phần hình ảnh được trang trí bằng cái đầu quái dị của một tên hề bật lên bật xuống. Hooker đã thay quả bóng Pinball của Happy Clown với một quả “Power Ball” từ trò The Twilight Zone, được làm từ gốm trắng, nhờ đó nó có thể di chuyển trong tấm ván nhanh hơn so với quả Pinball làm từ thép tiêu chuẩn. Tất nhiên, ở trò này Mike cũng thắng tôi nốt.

“Mọi người đều biết trò Pinball”, Mike nói: “Nó là nét văn hoá độc đáo của người Mĩ. Chúng tôi đã xuất khẩu nó, như nhạc Jazz vậy”.

Nhung tho sua game Pinball cuoi cung anh 2
Pinball lan truyền khắp thế giới và là một trong những niềm tự hào của người dân Mỹ. Ảnh: Lara Heintz.

Giống như ban nhạc Jazz, cỗ máy game Pinball phát ra chuỗi những âm thanh nghe như một bản nhạc hoàn chỉnh. Những ống bơm, mục tiêu, cần gạt, bờ dốc sẽ được kích hoạt khi người chơi chiến đấu với trọng lực, làm sao giữ cho viên bi sắt di chuyển trong khu vực trò chơi. Những tay chơi giỏi sẽ là những "nhạc sĩ" giỏi, tạo ra bản nhạc hay dựa trên địa hình kiến trúc của mỗi màn chơi, trong khi những người chơi kém chỉ biết tạo ra âm thanh từ việc đập vào cần gạt, và nhanh chóng kết thúc lượt chơi với 3 viên bi được cho.

Công việc của Hooker là đảm bảo cỗ máy có thể phát ra được âm thanh phù hợp phát ra trong lúc chơi. Trừ khi phải sửa lại toàn bộ một cỗ máy, nếu không Mike sẽ liên lạc với chủ nhân của nó để đến nhà họ và sửa ngay tại chỗ, bởi di chuyển máy Pinball thường tốn nhiều chi phí và hay gặp phải sự cố va đập.

Một cỗ máy Pinball có cấu tạo rất tinh vi và ngày càng khó để sửa, bởi hầu hết công ty sản xuất ra chúng đã phá sản.“Chúng chỉ được sản xuất để sử dụng trong vòng 5 năm” Mike chia sẻ: “Mục đích duy nhất là moi tiền từ người chơi và sau đó bị ném đi”.

Nhưng mọi người thích Pinball, và vẫn muốn tiếp tục chơi trò chơi đã lớn lên cùng với tuổi thơ của họ. Jon Ehrlich, thợ sửa máy Pinball và đồng thời sở hữu một quán game ở Brooklyn nói với chúng tôi “Nếu không sửa, nó chắc chắn sẽ thành vô dụng...Dây cao su cần gạt mòn liên tục. Bóng đèn, cầu chì cũng vậy, mấy thứ này bị nổ hoài, nhưng khó khăn nhất là lúc tụi tôi kiếm không ra phụ tùng để thay thế nên đôi khi đành phải tự chế".

Những năm gần đây, máy Pinball được hồi sinh do một lượng đáng kể những người cùng thế hệ như Hooker, Ehrlich muốn tìm lại không khí tuổi thơ qua trò chơi này. Công việc của những tay thợ cuối cùng này vì thế cũng tăng lên đáng kể.

“Máy chơi Pinball khá đắt đỏ” Hooker nói: “Nếu như chúng ta không sửa, chúng chẳng khác gì đống phế liệu. Nếu người ta không bao giờ sửa bất cứ thứ gì, trái đất sẽ trở thành bãi rác khổng lồ".

Nhung tho sua game Pinball cuoi cung anh 3
Cấu trúc phức tạp bên trong cỗ máy Pinball của Mike. Ảnh: Lara Heintz.

Hooker mở cỗ máy Pinball của ông, để lộ ra tổ hợp những dây điện chằng chịt như tổ chim. “Phải có đến tầm 50 tỉ đầu mối dây ở dưới này", Mike cảm thán. Mỗi đầu nối phản hồi lại cho một cần gạt, mục tiêu hoặc bóng điện, và Mike phải đi tìm cái đầu nối bị hỏng duy nhất. Công việc này vì thế cực kì tốn thời gian.

Tuy nhiên, Mike có bảo bối là một bản sơ đồ ghi chính xác công dụng của từng mối dây. “Không biết hỏng chỗ nào, tìm trong sách sẽ có.” Hooker cười nói. Nhưng đối với tôi, sơ đồ này quả thực vẫn là một thứ quá cao siêu.

Bản sơ đồ này là thứ mà những thợ sửa chữa điện tử ngày nay đang đấu tranh vô cùng quyết liệt để sở hữu. Các nhà sản xuất đang đối mặt với nỗ lực ngày càng tăng của người dùng về yêu sách cung cấp hướng dẫn sửa chữa thiết bị, điều mà họ tất nhiên hoàn toàn không mong muốn.

Hooker đã tìm thấy đầu mối cần phải được thay thế. Ông ấy gắn lại nó, khởi động lại trò chơi. Chúng tôi chơi một ván và tất nhiên, Mike lại thắng tôi nữa rồi.




https://motherboard.vice.com/en_us/article/bjypyw/state-of-repair-pinball-machines

Đại Việt

Bạn có thể quan tâm