Vào ngày 12/8/2015, 2 vụ nổ liên tiếp chỉ cách nhau 30 giây xảy ra tại một kho chứa hóa chất của nhà máy ở Thiên Tân, Trung Quốc. Nguyên nhân được xác định là một container chứa nitrocellulose khô bị tăng nhiệt độ quá mức cho phép, dẫn đến phát nổ.
Vụ nổ kép ở nhà máy hóa chất Thiên Tân, Trung Quốc (2015)
Cột lửa và khói bốc cao hàng chục mét trong vụ nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân (Trung Quốc) năm 2015. Ảnh: AFP. |
Các nhân chứng nói rằng, khi vụ nổ xảy ra, mặt đất ở cách xa nơi xảy ra vụ nổ cũng bị rung chuyển mạnh. Cơ quan khảo sát địa lý của Mỹ ghi nhận vụ nổ giống như một cơn địa chấn.
Theo các điều tra sau đó, vụ nổ thứ nhất tương đương với việc kích hoạt 3 tấn thuốc nổ TNT, vụ nổ thứ hai tương đương với khoảng 21 tấn thuốc nổ. Sau tai nạn hơn một ngày, lửa vẫn cháy dữ dội tại hiện trường.
Bãi đỗ xe gần nhà máy cháy rụi dưới sức nóng của "bà hỏa". Ảnh: AFP. |
Vụ nổ đã làm thiệt hại số lượng lớn hàng hóa trong khu vực, đồng thời khiến những người sinh sống trong vòng bán kính 3 km từ hiện trường vụ nổ phải di tản khỏi nơi ở để tránh nhiễm độc hóa chất.
Ngân hàng Credit Suisse ước tính thiệt hại do vụ nổ ở Thiên Tân có thể lên đến 1-1,5 tỷ USD. Nhưng tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng, con số thực tế còn cao hơn.
17 giờ hỏa hoạn ở nhà máy may Bangladesh (2012)
Nhà máy may mặc Tazreen mở cửa từ năm 2010, nằm ở ngoại ô thủ đô Dhaka, Bangladesh, và là nơi làm việc của hơn 1.500 công nhân. Nhà máy chuyên sản xuất áo phông, áo khoác và nhiều mặt hàng quần áo khác cho các nhà bán lẻ trên toàn cầu.
Lửa cháy đỏ rực tại nhà máy may ở Bangladesh. Ảnh: BBC. |
2 năm sau ngày mở cửa, ngày 24/11/2012, một trận hỏa hoạn kinh hoàng diễn ra trong hơn 17 giờ đã thiêu trụi cả nhà máy.
Nguyên nhân của đám cháy được xác định là bắt nguồn từ tầng trệt của tòa nhà, khiến công nhân ở các tầng trên không thể thoát ra ngoài. Hậu quả của thảm họa này, ít nhất 111 người mất mạng và hàng trăm người khác phải nhập viện vì bị thương, bỏng và hít phải khói độc.
Ở Bangladesh, có tới khoảng 4.000 nhà máy tương tự Tazreen, hoạt động với những trang thiết bị phòng chống và xử lý cháy nổ tồi tàn, không đầy đủ.
Cháy nhà máy dệt ở Karachi, Pakistan (2012)
Tai nạn công nghiệp khủng khiếp nhất ở Pakistan xảy ra vào ngày 11/9/2012. Một vụ hỏa họa lớn đã xảy ra tại một máy dệt ở phía tây thành phố Karachi.
Vào thời điểm vụ cháy diễn ra, tất cả cửa thoát hiểm trong nhà máy đều bị khóa và nhiều cửa sổ bị chặn bằng các thanh sắt khiến công nhân không thể thoát ra ngoài.
Hậu quả của sự việc đau lòng này là hơn 300 công nhân thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương.
300 công nhân không thể thoát ra ngoài và thiệt mạng trong nhà máy dệt. Ảnh: Daily Mail. |
Nhân viên cứu hộ cho biết hầu hết nạn nhân đã chết vì hít phải khói và nhiều người sống sót bị bỏng cấp độ 3.
Khi lính cứu hỏa tiến vào bên trong tòa nhà để dập lửa, họ đã tìm thấy hàng chục thi thể chụm lại một góc.
146 người chết vì cháy nhà máy phụ tùng ôtô Giang Tô, Trung Quốc, 2014
Vào ngày 2/8/2014, vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại nhà máy ôtô ở Côn Sơn, Giang Tô, Trung Quốc. Đây là một nhà máy thuộc sở hữu của Công ty sản xuất kim loại Zhongrong, chuyên sản xuất phụ tùng xe hơi cho một số công ty ở Mỹ.
146 công nhân thiệt mạng, 114 người bị thương vì vụ cháy nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô. Ảnh: Hidayat.tv. |
Tai nạn khủng khiếp này đã cướp đi sinh mạng của 146 công nhân, đồng thời làm 114 người khác bị thương.
Trước khi vụ nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản này xảy ra, Giang Tô từng 7 năm liên tiếp nằm trong danh sách những địa phương hàng đầu về hiệu quả kinh tế của tạp chí Forbes.
Cháy nhà máy đồ chơi Kader ở Nakhon Pathom, Thái Lan (1993)
Năm 1993 được nhớ đến như một năm bi kịch đối với nhiều người ở Thái Lan. Ngày 10/5/1993, một vụ hỏa hoạn đã phá hủy nhà máy của công ty TNHH Công nghiệp Kader và trở thành một trong những vụ cháy nhà máy tồi tệ nhất thế giới.
3 tòa nhà của nhà máy Kader ở Nakhon Pathom sụp đổ hoàn toàn sau vụ hỏa hoạn và người ta chỉ ra rằng cả 3 tòa nhà này đều có kết cấu xây dựng không đảm bảo.
Các tòa nhà đổ sập sau vụ cháy nhà máy đồ chơi ở Thái Lan. Ảnh: WSWS. |
Nhà máy đồ chơi Kader chuyên sản xuất các mặt hàng đồ chơi để xuất khẩu sang Mỹ. Đồ chơi của công ty được sản xuất cho các hãng Disney, Tyco, đồ chơi-R-Us và các thương hiệu hàng đầu khác.
Các tòa nhà của Kader san sát nhau theo chiều dọc, chính vì vậy, khi đám cháy xảy ra ở tầng dưới đã nhanh chóng lan sang các tầng trên và bao vây công nhân. Vụ cháy đã làm chết 188 người và khiến hơn 500 người khác bị thương nặng.