Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những thách thức TP.HCM đang đối mặt ở đợt dịch thứ 4

Nhiều F3 trở thành F0 khiến lượng người phải cách ly tập trung tăng nhanh. Các khu cách ly đang dần hết chỗ, rác thải tại khu vực phong tỏa, cách ly xã hội ngày càng nhiều...

Sau 10 ngày kể từ khi phát hiện 3 ca nhiễm nCoV đầu tiên từ nhóm truyền giáo ở Gò Vấp, TP.HCM liên tục ghi nhận bệnh nhân mới, kéo theo hàng loạt khó khăn nhiều mặt mà thành phố chưa từng gặp phải trong 3 đợt dịch trước.

Mặt tích cực, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh số ca nhiễm hàng ngày đang giảm dần. Cụ thể là từ ngày 1/6, TP.HCM ghi nhận đến 43 ca mắc trong ngày. Đến ngày 2/6, số ca mắc giảm còn 38 và đến ngày 3/6 là 26. Ngày 4/6, tổng số ca được ghi nhận là 26. Đến 6h ngày 5/6, Bộ Y tế ghi nhận thêm 10 ca mới ở TP.HCM.

Tuy nhiên, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày lên tới 31 trường hợp dẫn đến nhiều vấn đề thành phố phải đối mặt như: F3 thành F0; khu cách ly tập trung dần hết chỗ; lao động gặp khó khi các tỉnh tạm dừng giao thương với TP.HCM; quản lý chợ đầu mối; và xử lý rác thải liên quan dịch Covid-19.

Lây nhiễm 3 vòng, F3 phải tự cách ly

Những ngày qua, thông tin về các trường hợp F3 thành F0 khiến nhiều người lo lắng. Lý giải việc này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết thực tế nhiều chùm ca bệnh khi phát hiện đã lây đến vòng thứ 3. Do đó, F3 dương tính nghĩa là đã qua 3 vòng lây nhiễm, cho thấy bệnh đã lây lan từ lâu.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Các trường hợp F1 thành F0 ngày càng tăng, khiến lượng người phải cách ly tập trung lớn. Ảnh: Chí Hùng.

"Ngành y tế lên kế hoạch truy vết, cách ly, xét nghiệm F3. Nguyên nhân là ghi nhận nhiều F2 dương tính. Trường hợp tiếp xúc gần với F2 cũng là người có nguy cơ cao. Do đó, những F3 tiếp xúc gần F2 sẽ được cách ly và xét nghiệm", bác sĩ Dũng nói.

Tuy nhiên, Giám đốc HCDC nhấn mạnh không thể cách ly, xét nghiệm toàn bộ F3 vì số lượng này rất lớn. TP tính toán các trường hợp F3 tiếp xúc gần, có quan hệ thân thiết với F2 để cách ly và xét nghiệm nguy cơ.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết thành phố sẽ mở rộng điều tra tìm kiếm F3 và lên phương án cách ly tại nhà với nhóm này.

Cách ly tập trung 600 F1 mỗi ngày

Khu cách ly dần hết chỗ là tình trạng chung của nhiều địa phương có ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM. Ngoài 3.700 giường ở khu cách ly của thành phố, TP.HCM có tổng cộng 28 cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện với tổng công suất 2.532 giường. Tuy nhiên, nhiều khu đang hoặc sẽ hết chỗ, đặt ra yêu cầu phải thiết lập thêm khu cách ly tập trung mới.

Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết hiện, trung bình thành phố có 31 F0 mỗi ngày. Mỗi ca F0 có trung bình 20 F1 phải cách ly tập trung. Tức là, với 30 F0 mỗi ngày thì có 600 người phải cách ly tập trung.

Cụ thể như quận Gò Vấp, tính đến hết 4/6 có 76 ca dương tính. Từ ngày 3 đến 4/6, quận tăng 15 ca, có thêm 165 F1 và 805 F2. Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết hiện khó khăn lớn nhất là quản lý F1, F2 vì khu cách ly tập trung đã đầy.

Quận đang mở rộng khu cách ly dự phòng với công suất dự kiến 100 giường, sẽ vận hành 2 ngày tới. Tuy nhiên, số lượng này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 3

TP.HCM khẩn trương thiết lập thêm nhiều khu cách ly tập trung. Ảnh: Chí Hùng.

Tương tự, tại TP Thủ Đức, số ca tăng nhanh. Ngày 31/5, TP chỉ có 11 ca. Ngày 1/6 là 18 trường hợp dương tính. Đến ngày 4/6, con số này tăng lên gấp đôi - 36 trường hợp. Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết các trường hợp dương tính đều được cách ly từ trước. Tuy nhiên, dự báo những ngày tới các ca F0 sẽ tăng, đồng nghĩa F2 sẽ thành F1.

"Vấn đề cách ly F1 là thách thức lớn với TP Thủ Đức. Vài ngày tới, với tỷ lệ F1 tăng theo cấp số nhân thế này thì không đủ nơi để cách ly", ông Tùng nhận định.

Hiện, TP Thủ Đức có 6 khu cách ly với công suất tối đa là 1.200 giường, đang cách ly 817 trường hợp. Vài ngày tới, khả năng các khu cách ly này sẽ đầy. Do đó, đơn vị này đề xuất các trường hợp F1 nếu đã âm tính lần 1 thì cho phép cách ly có thu phí tại khách sạn ở TP Thủ Đức.

Quận Tân Phú cùng chung cảnh ngộ khi có 30 F0 tính đến ngày 4/6 và vẫn tiếp tục phát hiện ca nghi nhiễm. 140 giường cách ly tập trung tại quận này đã hết chỗ. Trong khi đó, quận không có khách sạn lớn để triển khai cách ly tập trung có thu phí như các quận, huyện khác.

Nói về giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết ngành y tế đang tiến hành nâng công suất khu cách ly tập trung ở các quận, huyện lên ít nhất 200 giường bệnh và sẽ tiếp tục tăng. Bởi lẽ, thời gian cách ly hiện nay quá dài, lên đến 21 ngày nên không đủ thời gian để giải phóng F1.

Ông tán đồng đề xuất sử dụng khách sạn để cách ly tập trung và đề nghị các quận, huyện linh hoạt chọn địa điểm cách ly tập trung. Ví dụ như khu quân sự (quận Tân Phú), trường tiểu học (quận Bình Thạnh).

Trước thực trạng này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã đồng ý cho quận, huyện, TP tổ chức cách ly có thu phí tại khách sạn ở địa phương. Ông đề nghị Sở Y tế có hướng dẫn khẩn cấp. Riêng quận Tân Phú, ông yêu cầu các quận, huyện giáp ranh hỗ trợ thành lập khu cách ly tại khách sạn cho cả đơn vị này.

6.000 lao động gặp khó vì Đồng Nai cách ly người đến từ TP.HCM

Kể từ khi TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội hôm 31/5, đến nay đã có 44 tỉnh, thành trên cả nước tạm dừng hoạt động vận tải đi và đến TP.HCM. Hiện, có 7 tỉnh cho phép hoạt động trong điều kiện đảm bảo quy định phòng, chống dịch, gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Sóc Trăng, Phú Yên, Hà Nam, Hà Nội và Hưng Yên.

Mới đây nhất, chiều 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chỉ đạo từ 0h ngày 5/6 sẽ áp dụng cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 21 ngày với tất cả người đến từ TP.HCM.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 4

Đồng Nai yêu cầu cách ly tập trung 21 ngày người về từ TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Ngay sau đó, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM có văn bản hỏa tốc gửi Thường trực UBND TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến chỉ đạo của Đồng Nai. Theo đó, khoảng 6.000 lao động cư trú tại Đồng Nai, hàng ngày di chuyển từ tỉnh này đến khu chế xuất, khu công nghiệp tại Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam ở TP.HCM để làm việc.

Ông Dương Anh Đức nhận định với yêu cầu cách ly 21 ngày của Đồng Nai, nguồn nhân lực TP.HCM sẽ gặp vấn đề lớn; đồng thời, có thể tạo ra ách tắc trong giao thông, vận chuyển.

Ông đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế khẩn trương tham mưu cho UBND TP.HCM để có công văn trao đổi với Đồng Nai, giải quyết vấn đề này hợp lý nhất, tránh ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Khó quản lý chợ đầu mối và rác thải

Ngay từ những ngày đầu bùng dịch, giám sát chợ đầu mối đã là mối lo của các lãnh đạo TP.HCM. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thực tế hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị chỉ đáp ứng 30% lương thực cho người dân, còn 70% là chợ đầu mối và chợ dân sinh.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết mỗi chợ đầu mối có khoảng 20.000 lượt người và 5.000 lượt xe ra vào. Số hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Điền (quận 8) khoảng 8.000 tấn/đêm.

Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định hiện ba chợ đầu mối kể trên diễn biến vẫn rất phức tạp dù đã qua 5 ngày giãn cách xã hội. Ông đề xuất thành phố tái lập các chốt kiểm soát tại chợ đầu mối để hạn chế nguy cơ dịch bệnh tại đây.

Nói về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định các quận, huyện chủ động trong quyết định lập chốt tại ba chợ đầu mối này. Nếu thiếu lực lượng, các địa phương có thể nhờ sự hỗ trợ từ thành phố.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 5

Quản lý rác thải tại khu vực phong tỏa đang là một trong những mối lo của thành phố. Ảnh: Ngọc Tân.

Rác thải cũng là mối lo mới phát sinh của TP.HCM, đặc biệt tại khu vực phong tỏa, cách ly xã hội. Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết toàn bộ rác thải y tế, đặc biệt là rác lây nhiễm nguy hại chỉ có thể xử lý bằng hình thức đốt.

Tuy nhiên, với công suất lò đốt đạt 40 tấn/ngày, đại diện cơ quan này nhận định nếu lượng rác tiếp tục tăng sẽ gây quá tải và dồn ứ. Trong khi đó, lượng rác tại quận Gò Vấp thời gian cách ly trung bình 300 tấn/ngày.

Để giải quyết tình trạng trên, Công ty Môi trường đô thị kiến nghị thành phố có sự hướng dẫn cụ thể đến địa phương về việc phân loại rác. Trong đó, rác y tế riêng, rác sinh hoạt riêng để giảm bớt lượng rác nguy hại đưa về nhà máy đốt.

Với vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu rác y tế phải xử lý đúng quy trình, nếu thiếu nguồn lực phải tìm nguồn lực hỗ trợ, nếu không rất nguy hiểm. Ông lưu ý khu phong tỏa nguy cơ cao còn F0 tiềm ẩn, do đó, công tác xử lý rác cần được chú trọng.

Nhân viên y tế Gò Vấp gõ cửa lấy mẫu tận nhà
00:00
/
Video sẽ chạy sau3
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Nhân viên y tế Gò Vấp gõ cửa lấy mẫu tận nhà Trưa 3/6, nhân viên Trung tâm Y tế quận Gò Vấp lấy mẫu nhiều nhà trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Đây là những trường hợp tiếp xúc với các ca nghi nhiễm trước đó.

TP.HCM sẽ trao đổi với Đồng Nai về việc cách ly người về từ thành phố

Hiện có khoảng 6.000 người làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất của TP Thủ Đức đang sống ở Đồng Nai. TP.HCM lo thiếu nhân lực khi Đồng Nai cách ly những người này.

Bài liên quan

Người Gò Vấp trong cuộc chiến với Covid-19

Người Gò Vấp trong cuộc chiến với Covid-19

Ổ dịch "Hội thánh" tạm bình yên khi chưa có thêm ca mắc mới. Nhưng số F0 phát sinh từ đó đã vượt 200 ca, kéo người dân TP.HCM vào cuộc chiến với Covid-19 chưa đi đến hồi kết.

Thu Hằng