Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân thu gom rác tại TP.HCM

Công ty Môi trường đô thị kiến nghị TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng thu gom rác thải nguy hại, đồng thời có hướng dẫn địa phương phân loại rác sinh hoạt và y tế.

Chiều 4/6, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, đại diện Công ty Môi trường đô thị nhận định lực lượng thu gom rác đang đối mặt với nhiều lo ngại về nguy cơ lây nhiễm từ rác thải y tế.

Theo đó, đơn vị kiến nghị thành phố xem xét, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng công nhân này.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, đề cập vấn đề cấp bách trong quá tải rác thải liên quan dịch Covid-19. Theo bà Mỹ, địa phương cần bắt buộc thực hiện công tác phân loại bước một. Từ đó, địa phương có báo cáo Công ty Môi trường đô thị TP.HCM thu gom, xử lý.

Cùng đề xuất, đại diện Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết toàn bộ rác thải y tế, đặc biệt là rác lây nhiễm nguy hại chỉ có thể xử lý bằng hình thức đốt.

Tuy nhiên, với công suất lò đốt đạt 40 tấn/ngày, đại diện cơ quan này nhận định nếu lượng rác tiếp tục tăng sẽ gây quá tải và dồn ứ. Trong khi đó, lượng rác tại quận Gò Vấp trong thời gian cách ly trung bình khoảng 300 tấn/ngày.

phan loai rac thai dich Covid-19 anh 1

Công ty Môi trường đô thị đề xuất tiêm vaccine cho lực lượng công nhân thu gom rác. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Để giải quyết tình trạng trên, Công ty Môi trường đô thị kiến nghị thành phố có sự hướng dẫn cụ thể đến địa phương công tác phân loại rác. Trong đó, rác y tế riêng, rác sinh hoạt riêng để giảm bớt lượng rác nguy hại đưa về nhà máy đốt.

Về việc xử lý rác y tế tại các khu cách ly, rác từ khu vực lây nhiễm, bà Mỹ cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã có công văn thông báo về 63 tỉnh, thành về khả năng xử lý của các đơn vị công tác trên địa bàn.

Cơ quan đã trực tiếp liên hệ đến đơn vị tham mưu là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) liên quan quản lý chất thải, để có hướng dẫn kịp thời về việc xử lý rác thải này đến từng địa bàn.

phan loai rac thai dich Covid-19 anh 2

Cơ quan môi trường dự báo lượng rác có thể bị dồn ứ nếu tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ngoài việc phòng chống dịch, Sở Tài nguyên Môi trường cũng đề nghị các địa phương chú trọng quản lý rác thải. Đặc biệt nắm bắt các hộ gia đình có khả năng lây nhiễm để phân loại phù hợp.

Chốt vấn đề, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho rằng công tác xử lý rác cần được chú trọng vì có nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng.

Do đó, ông đề nghị Sở Y tế làm việc kỹ lưỡng với Công ty Môi trường đô thị và Sở Tài nguyên Môi trường. Rác y tế phải xử lý đúng quy trình, nếu thiếu nguồn lực phải tìm nguồn lực hỗ trợ, nếu không rất nguy hiểm. Ông lưu ý khu phong tỏa nguy cơ cao còn F0 tiềm ẩn, phải kiểm soát để không lây lan dịch bệnh.

Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến sáng 4/6, TP.HCM đã ghi nhận 299 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ổ dịch nhóm truyền giáo tại Gò Vấp đã lây lan ra 20/22 quận, huyện và nhiều tỉnh, thành.

Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp.

'Không có chuyện thiếu tiền cho chống dịch' Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chiều 2/6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, không có chuyện thiếu vật tư, trang thiết bị y tế trong công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch quận Gò Vấp: 'Khó khăn lớn nhất là quản lý F1, F2'

Chủ tịch quận Gò Vấp cho biết khó khăn lớn nhất là quản lý F1, F2 vì khu cách ly của quận và thành phố đều đã đầy. Ông đề nghị huy động nguồn xã hội hóa từ người cách ly.

Thư Trần - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm