Làng văn, làng báo Sài Gòn những năm 50-60 thế kỷ 20, Bà Tùng Long là một cái tên nổi tiếng. Tên thật của bà là Lê Thị Bạch Vân (1915-2006). Bà từng đi dạy Pháp văn, Việt văn ở các trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers ở Sài Gòn, làm thư ký tòa soạn một số tờ báo và bắt đầu viết văn từ những năm 1953.
Văn sĩ Bà Tùng Long thời trẻ. |
Bà nổi tiếng với những tiểu thuyết về đề tài xã hội có nhân vật chính là người phụ nữ. Bà Tùng Long cũng là cây bút quen thuộc trên các báo như Sài Gòn Mới, Tiếng Vang, Phụ nữ Ngày mai, Phụ nữ Diễn đàn, Văn nghệ Tiền phong…
Trong cuốn hồi ký của mình, bà viết: “Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi”. Dù chỉ nhận viết văn là nghề tay trái, nhưng bà đã cho ra đời 400 truyện ngắn, và 68 tiểu thuyết - một lượng tác phẩm lớn với sức làm việc đáng nể, nếu không muốn nói là sức lao động phi thường.
Với Bà Tùng Long, viết văn là niềm vui lớn nhất đời. Sau năm 1975, nhiều tiểu thuyết của Bà Tùng Long được in và đông đảo công chúng đón nhận.
Một số tác phẩm của Bà Tùng Long mới được NXB Trẻ phát hành. |
Mới đây Nhà xuất bản (NXB) Trẻ in lại 10 tác phẩm chọn lọc của Bà Tùng Long gồm: Đường tơ đứt nối, Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Những ai gieo gió, Bóng người xưa, Người xưa đã về, Đời con gái, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Con đường một chiều.
Trong buổi ra mắt bộ sách sáng 31/7 tại TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ - nói: “Bộ sách ra đúng dịp sinh nhật văn sĩ Bà Tùng Long (ngày 1/8). 10 ấn phẩm này là nỗ lực lớn của cả NXB lẫn gia đình nhà văn. Các tác phẩm này đều là những truyện đăng nhiều kỳ trên báo trước đây. Tôi hy vọng serie này sẽ thỏa mãn ‘cơn nghiền’ những ai hâm mộ Bà Tùng Long và văn chương miền Nam một thời trước đây”.
Bộ sách được vẽ bìa theo phong cách vintage, nhưng được sử dụng công nghệ in ấn hiện đại. Ngoài bộ sách, NXB Trẻ còn phát hành bộ túi canvas in hình bìa sách.
Túi vải in hình bìa sách. |
Những tác phẩm của Bà Tùng Long viết cách đây hơn 60 năm, thời điểm tại Việt Nam có rất ít nhà văn nữ. Thời điểm ấy, trong khi xã hội vẫn nặng nếp sống phong kiến trọng nam khinh nữ, thì tác phẩm của Bà Tùng Long thường có cái nhìn mới, nhân văn, luôn bênh vực và đề cao người phụ nữ.
Tác phẩm của Bà Tùng Long luôn là nơi phụ nữ cất tiếng nói, ca ngợi tình yêu cao đẹp. Các nhân vật nữ trong truyện của bà luôn sống tốt, yêu thương, hy sinh cho chồng con, chịu khó lao động, mưu tìm hạnh phúc cho cá nhân, gia đình bất chấp ràng buộc lễ giáo lạc hậu.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức - con trai Bà Tùng Long - nhớ lại: “Hiện ra trước mắt tôi hình ảnh má ngồi viết ở chiếc bàn đặt giữa hai cái giường của thầy và má. Sáng sớm, trưa, khuya... Ngày này qua tháng nọ. Miệt mài không nghỉ. Có những lúc cao điểm, má viết cùng lúc năm feuilleton cho năm tờ nhật báo... Má không từ chối bất cứ lời mời nào, vì quá cần tiền lo cho ông chồng với chín đứa con. Tất cả chỉ nhờ ngòi bút Bic của má... Cái ngòi bút mà nhiều lúc, giữa đêm trường vắng lặng, tôi nằm im nghe tiếng nó lướt sột soạt trên mặt giấy, bền bỉ và cô độc đến nao lòng”.