Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để tâm hồn bị đầu độc bởi những cảm xúc tiêu cực

Để tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết, đôi khi chúng ta không cho phép bản thân sống thật với cảm xúc của mình. Có nên giữ những quả bom vô hình đó trong tâm hồn mình?

Chế ngự sự giận dữ là điều mà những người trưởng thành nên học. Thế nhưng, khi những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén quá lâu, chúng sẽ trở thành “liều thuốc độc” cho nội tâm con người. Một lời xúc phạm khiến ai đó bị tổn thương, hoặc nặng nề hơn là những hành động quá khích, gây nguy hiểm cho cộng đồng… tất cả đều bắt đầu bằng sự tích tụ từng chút một của những bực dọc và giận dữ hàng ngày.

Cuốn sách Những cảm xúc bị dồn nén của nhà tâm lý trị liệu Isador Henry Coriat sẽ cho các bạn một “tấm bản đồ” để hiểu một cách tường tận hơn, nội tâm của con người. Qua đó, người đọc có thể nhìn sâu vào những vấn nạn tinh thần của đời sống xã hội hiện đại.

Tấm bản đồ nội tâm sinh động

Trong sách Những cảm xúc bị dồn nén tác giả Isador Henry Coriat cho hay, trong quá trình tinh thần con người chịu đau khổ, ý thức xảy ra một cơ chế phòng vệ bằng cách dồn nén cảm xúc. Các cảm xúc nguyên sơ này được chuyển vào trong vô thức. Nó không hề mất đi, mà được não bộ của chúng ta “cất giữ”.

Dung de tam hon bi dau doc boi nhung cam xuc tieu cuc anh 1
Cuốn sách Những cảm xúc bị dồn nén của Isador Henry Coriat.

Trong những lúc tỉnh táo và minh mẫn, lý trí và ý thức của con người hoạt động mạnh mẽ. Nó tiến hành “đàn áp” những cảm xúc nguyên sơ kia. Có nghĩa rằng: Ngay từ đầu, giữa ý thức và vô thức đã hình thành những cuộc tranh đấu liên miên và dai dẳng mà kẻ thắng đương nhiên là ý thức.

Nhưng vô thức có một “sức mạnh ngầm” đáng sợ. Nó ở những tầng sâu phía dưới ý thức. Vô thức điều khiển suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con người bằng những nguồn lực vô hình không thể lí giải nổi. Những cảm xúc bị dồn nén là "tấm bản đồ" giúp bạn đi xuống những tầng vô thức ấy, hiểu được động cơ của vô thức trong chuỗi hành động tâm lý của con người.

Khám phá những bí mật sâu thẳm của linh hồn

Cuốn sách nói lên một thực tế khá đau lòng: Chúng ta gần như chẳng hiểu gì về con người mình. Những cảm xúc chúng ta thường thể hiện ra bên ngoài như: Yêu, ghét, buồn, thương, hờn giận, căm thù, ghen tị... chỉ là bề nổi của cảm xúc mà thôi. Thậm chí những trạng hái tâm lý phức tạp và một số chứng bệnh tinh thần như căng thẳng, u uất, chưa nói hết được sự phức tạp của nội tâm con người. Luôn có một động lực tâm lý thúc đẩy những điều đó.

Vô thức là nơi tích lũy và tái diễn những cảm xúc bị dồn nén, những tổn thương và nỗi đau trong tầm hồn con người. Có thể đó là những thứ tồn tại sâu thẳm bên trong tâm hồn mà chúng ta không dám đối diện. Trong số chúng, nguy hiểm nhất chính là cái “xấu” và cái “ác”.

Dung de tam hon bi dau doc boi nhung cam xuc tieu cuc anh 2
Những cảm xúc tiêu cực sẽ đầu độc con người một cách từ từ. 

Có một thực tế đáng buồn là trong xã hội hiện đại, khi mà con người phải chiến đấu với những áp lực tinh thần triền miên, thì đó cũng chính là “môi trường lý tưởng” cho cái xấu và cái ác hoành hành. Áp lực, khủng hoảng khiến chúng ta khó lòng kìm chế cơn giận, điều đó có thể trở thành mầm mống của tội ác.

Cách để phong tỏa “những ngọn núi lửa” trong tâm hồn

Cuốn sách không chỉ phân tích rất sâu về nguồn cơn của những giấc mơ, những chứng bệnh tinh thần, mà còn đưa ra chìa khóa để con người tự thấu hiểu chính mình, thấu hiểu những nỗi ấm ức vô hình đè nén tâm hồn mỗi ngày. Một cách đơn giản để giải tỏa những áp lực đó chính là viết nhật kí, bày tỏ buồn phiền lên trang giấy.

Hãy nhớ rằng: Trước khi tìm đến các bác sĩ tâm lý, hãy tự trị liệu và giải thoát cho chính mình. Nếu bạn rơi vào trạng thái đau buồn và u uất quá lâu, đó là vì bạn đã tự dằn vặt bản thân mình. Hãy mở lòng và quên đi những điều không tốt đẹp trong quá khứ, tha thứ cho chính mình là cách chữa lành tốt nhất.

Dung de tam hon bi dau doc boi nhung cam xuc tieu cuc anh 3
Hãy dũng cảm đối diện với cảm xúc thật của chính mình. 

Một người chỉ trở nên mạnh mẽ và sáng suốt khi đã thực sự nhận biết và thấu hiểu tất cả những cảm xúc của mình, ngay cả những cảm xúc đã bị dồn nén và cất giữ quá lâu. Đừng giấu những bất hạnh trong lòng, bạn phải dũng cảm đem nó ra ánh sáng, học cách đối diện với nỗi đau để trở nên mạnh mẽ hơn.

Những cảm xúc bị dồn nén không chỉ hữu ích cho những nhà nghiên cứu hay bác sĩ tâm lý, nó là cuốn cẩm nang hữu ích cho mỗi chúng ta. Con người đau khổ, bởi họ biết quá ít về chính mình. Và cuốn sách này giống như một tấm gương để bạn đọc soi tỏ nội tâm phức tạp trong mỗi chúng ta.

Isador Henry Coriat (1875 - 1943) Là một bác sĩ tâm thần và nhà thần kinh học người Mỹ gốc Ma-rốc. Ông là một trong những nhà phân tâm học đầu tiên của Mỹ, cũng là một trong những người sáng lập Hiệp hội Phân tâm học Boston. Ông từng là chuyên gia y tế cho Phong trào Emmanuel và đồng tác giả của Religion and Medicine (Tôn giáo và Y học); The Moral Control of Nervous Disorders (Kiểm soát đạo đức đối với chứng rối loạn thần kinh).



Thái Uyên

Bạn có thể quan tâm