Những súng trường tấn công huyền thoại thế kỷ 20
Dù những loại vũ khí công nghệ cao ngày càng chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng cái tên như AK-47 hay M16 vẫn nhận được sự kính nể nhất định về vị thế mà chúng đã và đang nắm giữ.
AK-47 của Liên Xô
AK-47 là khẩu súng trường huyền thoại nhất thế giới, với số lượng cực lớn được sản xuất cùng với vai trò chưa thể thay thế trong quân đội nhiều quốc gia cũng như các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới. Sở hữu uy lực khủng khiếp cùng sức bền lý tưởng, vai trò của AK-47 vẫn chưa thể được thay thế hoàn toàn.
Đại gia đình AK. |
Là khẩu súng phổ dụng bậc nhất, AK-47 bắn ra loại đạn kích cỡ 7,62x39 mm với tầm sát thương lên tới hơn 1.000 m. Bên cạnh đó, chế độ bắn liên thanh của khẩu súng còn cho nó bắn ra tới 600 viên đạn/phút, giúp uy lực càng được nâng cao. Kết cấu bền vững cho phép khẩu súng hoạt động tốt trong mọi môi trường, trong đó có môi trường sa mạc hay các đầm lầy nhiệt đới.
Được Liên Xô cho ra mắt năm 1947 và phổ dụng từ năm 1949 tới nay, AK-47 vẫn nhận được sự tin tưởng gần như tuyệt đối. Con số hơn 100 triệu khẩu được sản xuất cho thấy sự phổ dụng của loại vũ khí này. Dù phiên bản gốc AK-47 đã bị nhiều loại súng khác vượt mặt những những phiên bản cải tiến, trong đó có AK-12 đang giúp mẫu súng huyền thoại này được hồi sinh.
M16 của Mỹ
Sự ra đời của súng trường tấn công M16 được xem là bước nhảy vọt quan trọng nhất của quân đội Mỹ. Kể từ cuộc chiến phi nghĩa trên lãnh thổ Việt Nam, M16 trở thành vũ khí chính của quân đội Mỹ cùng với nhiều quốc gia đồng minh khác của Washington trên khắp thế giới.
M16 (trên cùng) và các phiên bản lần lượt là M16A1, M16A2, M4A1 và M16A4. |
Khi mới đưa quân đội tham chiến trên chiến trường Việt Nam, lính Mỹ và Ngụy được trang bị loại súng trường M14. Tuy nhiên, so với súng AK-47 mà quân đội Việt Nam đang sở hữu, vũ trang của Mỹ và bè lũ tay sai bị thất thế nghiêm trọng. Do nòng súng nhỏ nên khi tác chiến trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam, súng Mỹ thường xuyên bị kẹt đạn, khiến chúng trở thành những khối sắt vô dụng.
Tuy chưa thật sự hoàn hảo nhưng sự ra đời của M16 đã giúp quân đội Mỹ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu. Dù vậy, các phiên bản khác của M16 nhanh chóng được ra đời nhằm hạn chế tối đa sự bất cập của phiên bản đầu tiên. Đến năm 2010, M16 đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi quân đội Mỹ với sự thay thế của M4, phiên bản cải tiến từ súng M16A2.
Súng M16 sử dụng đạn tiêu chuẩn NATO kích cỡ 5,56x45 mm. Tầm bắn hiệu quả của súng này đạt 550 m với mục tiêu di động và 800 m với mục tiêu cố định. Cơ chế bắn cho phép khẩu súng này nhả 950 viên đạn/phút với vận tốc đạt 948 m/s.
Sturmgewehr 44 của Đức
Sturmgewehr 44 hay còn gọi là StG 44 là khẩu súng được quân đội Đức Quốc xã sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Không chỉ mang những nét đột phá về cấu trúc, StG 44 còn được coi là khẩu súng trường tấn công đầu tiên trên thế giới, biến nó trở thành loại vũ khí hình mẫu cho các loại súng trường tấn công sau này.
Súng trường tấn công Sturmgewehr 44 của Đức. |
Được phổ dụng tháng 9/1943, có tới 420.000 khẩu súng được sản xuất cho tới khi Phát xít Đức thất bại dưới tay quân đồng minh. Sử dụng loại đạn 7,92x33 mm, StG 44 có khả năng hạ gục chính xác mục tiêu ở khoảng cách 300 m với chế độ bắn liên thanh và 600 m ở chế độ bắn bán tự động. Thiết kế ưu việt còn cho phép khẩu súng nhả đạn với tốc độ 600 viên/phút.
Sau khi Phát xít Đức thất bại, StG 44 tiếp tục được các nước thắng trận sử dụng tới đầu những năm 1960. Trước khi bị loại bỏ, StG 44 đã là hình mẫu để các nước thắng trận nghiên cứu, cải tiến để tạo ra khẩu súng của riêng họ. Nhiều tính năng của StG 44 được tìm thấy trong AK-47 cùng với M16 và các mẫu súng khác trên khắp thế giới.
Steyr AUG của Áo
Steyr AUG là súng trường tấn công của Áo được ra đời trong những năm 1960, trước khi được phổ dụng trong quân đội Áo vào năm 1978. Sở hữu thiết kế hoàn toàn khác biệt so với những khẩu súng đang thịnh hành nhất thời điểm đó, Steyr AUG không những khẳng định được tên tuổi của mình mà còn biến nó trở thành khẩu súng rất được ưa thích.
Mẫu Steyr AUG tiêu chuẩn (hình trên) và phiên bản cải tiến Steyr AUG A3. |
Điểm đặc biệt nhất giúp người sử dụng dễ dàng nhận ra Steyr AUG và các phiên bản của nó là ống ngắm quang học được gắn vào thân cùng với cơ chế nạp đạn từ phía sau, khác biệt hoàn toàn so với các mẫu thiết kế thời điểm đó. Ống ngắm quang học giúp người sử dụng hạ gục chính xác mục tiêu trong khi cơ chế nạp đạn từ phía sau giúp khẩu súng ổn định hơn.
Có khả năng bắn đồng thời loại đạn 5,56x45 mm tiêu chuẩn NATO cùng với đạn 9x19 mm, Steyr AUG có khả năng bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2.700 m. Thiết kế khá độc đáo nhưng Steyr AUG vẫn đủ sức nhả 750 viên đạn/phút trong khi tốc độ đạn bắn ra có thể lên tới 970 m/s. Với nhiều phiên bản cải tiến, Steyr AUG vẫn đang giữ vị thế quan trọng trong quân đội nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ.
Trịnh Duy
Theo Infonet