Năm 2016, bên cạnh những đổi mới về thái độ phục vụ của cán bộ y tế, một số bệnh viện còn tồn tại nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Rác thải y tế
Sáng 8/1, thông tin hàng chục tấn rác thải y tế độc hại đang được âm thầm sơ chế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khiến dư luận hoang mang. Những phế phẩm rất nguy hại được tái chế thành sản phẩm nhựa tại cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát - Nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai - thừa nhận vụ việc và giải thích do gần đây khoa giữ lại một phần để thực hiện đề tài thử nghiệm quá trình xử lý diệt khuẩn tại bệnh viện. Những hình ảnh báo chí ghi được là một số quy trình trong giai đoạn xử lý đó.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho hay đề tài nghiên cứu này chưa được hội đồng bệnh viện thông qua mà đã thực hiện.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Việt Hùng bị xử lý kỷ luật với nội dung chưa sâu sát trong công tác quản lý, giám sát các quy trình; tự ý triển khai thử nghiệm quy trình xử lý chất thải y tế nguy hại khi chưa báo cáo, chưa được bệnh viện và các cơ quan chức năng cho phép. Một số nhân viên liên quan đến vụ việc bị dừng hợp đồng lao động.
Nữ sinh bị cưa chân sau khi bó bột
Ngày 6/3, trên đường đi học về, Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, ở Đắc Lăk) bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy chân. Nạn nhân được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu và bó bột chân phải. Tối cùng ngày, Vi kêu đau và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác.
Gia đình đã đề nghị bác sĩ tháo bột và cho chuyển viện nhưng không được đồng ý. Sáng 8/3, các bác sĩ mới đồng ý tháo bột. Lúc này, chân Vi xuất hiện nhiều vết bỏng, sưng vù nhưng các bác sĩ vẫn yêu cầu để lại điều trị.
Ngày 11/3, khi chân của Vi nổi nhiều bỏng nước lớn, gia đình đã yêu cầu các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Sau khi khám, chiều cùng ngày, đơn vị này đã chuyển Vi xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Tuy nhiên, do chậm trễ, Vi phải cắt đi gần hết chân phải.
Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, thừa nhận sự yếu kém về chuyên môn, tắc trách trong công việc của cán bộ.
Sở Y tế tỉnh Đắc Lắk đã kỷ luật ban giám đốc bệnh viện đồng thời xử phạt vi phạm hành chính.
Bác sĩ yêu cầu người nhà bệnh nhân đưa cả xấp phong bì
Ngày 2/6, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nữ cán bộ y tế của Bệnh viện K, cơ sở 3 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) nhận cả xấp phong bì từ người nhà bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn người nhà bệnh nhân đưa phong bì cho đồng nghiệp. Bộ Y tế và công an đồng thời chỉ đạo làm rõ vụ việc.
Nữ cán bộ y tế sau đó được xác định là bác sĩ T., Khoa Ngoại vú, mức kỷ luật đối với bác sĩ này là cảnh cáo.
Clip bác sĩ Bệnh viện K nhận cả xấp phong bì từ bệnh nhân. Ảnh: Cắt từ clip. |
Sáng 8/12, trong buổi thị sát, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại được nhiều bệnh nhân vây quanh phàn nàn về tình trạng chen ngang khi khám, nằm ghép người, nhiều khoản chi khó nói tại cơ sở này.
Ngay sau đó, 7 cán bộ, nhân viên y tế (trong đó, có trưởng, phó một số khoa) đã phải chịu kỷ luật. Một cán bộ đã bị điều chuyển công tác, không tiếp xúc với người bệnh, số còn lại phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo, cắt thưởng.
Đau chân trái, mổ chân phải
Năm 2015, anh Nguyễn Văn Thảo (37 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và tổn thương chân phải. Sau một năm, anh hồi phục dần nhưng chân trái khó nhấc, đi cà nhắc.
Chiều 19/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Thảo được chỉ định mổ chuyển gân chày sau chân trái, nhưng khi hết thuốc tê, anh phát hiện bác sĩ đã mổ nhầm chân phải.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía bệnh viện, đặc biệt là bác sĩ trực tiếp mổ đã đến xin lỗi bệnh nhân, nhận trách nhiệm chữa trị và miễn phí toàn bộ viện phí.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu - người mổ chính cho bệnh nhân.
Anh Trần Văn Thảo - bệnh nhân bị mổ nhầm chân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: HQ. |
Hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê
Ngày 25/12, hai bệnh nhân là Hoàng Văn Tr. (sinh năm 1982, ở xã Hồng Thái - Phú Xuyên - Hà Nội) và Quách Thị Mai P. (38 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) đều được tiêm chung các loại thuốc tiền mê và gây mê, sau đó có biểu hiện sốc phản vệ tại Bệnh viện Trí Đức, sau đó được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và tử vong tại đây.
Vụ việc gây hoang mang dư luận những ngày cuối cùng của năm 2016. Hiện, công an quận Hai Bà Trưng đã tiến hành niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc và các sổ sách liên quan đến ca gây mê. Đồng thời, Sở Y tế đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật, thủ thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức và các cá nhân tham gia 2 kíp mổ để phục vụ công tác điều tra.