Chất caffeine chủ yếu hiện diện trong quả cà phê nhưng thật ra không chỉ có thế. Trong lá cà phê cũng có caffeine nhưng ở mức độ ít hơn. Ngày nay, chúng ta thường uống cà phê pha chế từ hạt đã rang, còn tại một số khu vực của châu Phi và Trung Đông, có một thứ đồ uống giống như trà đôi khi được biết đến với cái tên qahwa (từ gốc của từ “coffee”) được pha từ lá cà phê đã sao chín. |
Tuổi thọ của một cây cà phê phụ thuộc phần lớn vào sự chú ý và chăm sóc của người trồng. Cách thức phổ biến là cắt tỉa để cây chỉ mọc ra ba nhánh chính, một trong số đó mỗi năm sẽ được cắt lại một lần theo cơ chế luân phiên, luôn luôn để lại hai nhánh ra hoa kết quả và nhanh phục hồi để giúp duy trì sản lượng phù hợp. Cây cà phê có thể sống tới khoảng 100 năm. Tuy nhiên những cây lâu năm này sẽ cho sản lượng rất thấp. Vì vậy người ta tập trung chăm sóc cây cà phê trong khoảng 15-20 năm đầu rồi trồng lại cây mới. |
Thu hoạch cà phê là hoạt động lớn nhất hàng năm tại một trang trại cà phê. Không giống nhiều thức quả khác, quả cà phê phải chín hẳn mới có thể thu hoạch được. Nếu thực hiện quá sớm, cà phê sau khi rang sẽ có vị chát, thiếu độ ngọt và thậm chí là gây khô miệng. Trong khi đó các quả cà phê trên cùng một cây không chín cùng một lúc. Đây là lý do có thể mất đến 12 tuần để hoàn thành vụ thu hoạch cà phê. |
Sau khi được hái và phân loại, người ta sẽ tách hạt cà phê ra khỏi quả và phơi khô để chúng không bị hỏng. Phơi khô là phương pháp chế biến tự nhiên, truyền thống và phổ biến nhất. Ngoài cách này, người ta còn có thể chế biến ướt hoặc tuốt thịt quả tự nhiên (hay còn gọi là chế biến mật ong). Cà phê chế biến ướt hoàn toàn thường thể hiện tính axit rõ ràng nhất và có độ đậm tự nhiên từ nhẹ đến trung bình, với hương vị cam-chanh nổi bật. Trong khi đó cà phê được chế biến tuốt thịt quả tự nhiên thì có tính axit phong phú, nhiều vị ngọt hơn. |
Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, có thể giúp bạn tỉnh táo nhưng cũng có thể gây mất ngủ. Nhiều người muốn uống cà phê nhưng lại không muốn bị mất ngủ. Đây là lý do khiến cà phê khử caffeine ra đời. Việc khử caffeine cần được các công ty chuyên biệt thực hiện dựa trên hệ thống thiết bị đặc biệt và quy mô cần thiết. Hiện tại có ba phương pháp chính để khử caffeine: Chế biến nước kiểu Thụy Sĩ, phương pháp chế biến bằng dung môi hóa học và carbon dioxide. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ khử được 98% caffeine. |
Thành phần của cà phê có rất nhiều loại axit quen thuộc được biết đến rộng rãi như axit citric (được tìm thấy trong cam, chanh xanh và chanh vàng) và axit malic xuất hiện tự nhiên trong hạt cà phê chưa rang; một số khác, như axit axetic, sinh ra từ sự phân hủy hoặc tương tác của một số loại đường đặc biệt và các hợp chất khác. Thành phần axit lớn nhất trong cà phê chưa rang là một họ axit chlorogen, chiếm khoảng 5-10% trọng lượng khô của hạt cà phê nhân xanh. Đặc trưng của loại axit này là hương vị cỏ, tươi sáng hoặc chua và cũng đóng góp vị đắng cho cà phê. |
Thành phần quan trọng trong sữa khi được đánh bọt bằng hơi nước là hàm lượng casein protein. Loại protein này chiếm khoảng 80% trọng lượng sữa. Nếu sữa không tươi, những protein này bị các axit amin hình thành trong sữa sau vài ngày phân huỷ. Giữ trong tủ lạnh có thể làm chậm quá trình này, nhưng để sữa ra khỏi tủ lạnh quá lâu có thể làm nó thiu nhanh hơn - dù nó vẫn có thể thơm và uống vẫn thấy tươi mới. |