Thương mại quốc phòng là một trong những thị trường màu mỡ, được các nước lớn đầu tư khá nhiều tiền bạc, một mặt đáp ứng nhu cầu của quân đội trong nước và xuất khẩu cho khách hàng để thu lợi nhuận.
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá vũ khí được tổ chức rầm rộ hàng năm thông qua các đợt triển lãm quốc phòng trên toàn thế giới. Các nhà thầu quốc phòng luôn dành nhiều “mỹ từ” để ca ngợi vũ khí của họ, tuy vậy, vẫn có khoảng cách nhất định giữa quảng cáo và thực tế. Nhiều mẫu vũ khí sau khi xuất khẩu cho khách hàng gặp trục trặc kỹ thuật, chất lượng và hiệu suất vận hành không đúng như nhà sản xuất công bố.
Tên lửa chống hạm Trung Quốc bắn trượt mục tiêu
Theo Jane’s Defence Weekly, trong cuộc tập trận hải quân Armada Jaya-2016 diễn ra ngày 14/9, Hải quân Indonesia (TNI-AL) đã bắn thử tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất nhưng không thành công.
Tên lửa rời bệ phóng sau khi nhận lệnh tới 5 phút và không thể đánh trúng mục tiêu được chỉ định là một tàu chiến ngưng sử dụng. Một tên lửa C-705 khác phóng từ KRI Kujang (642), lớp KCR-40 gặp lỗi trong giai đoạn giữa của chuyến bay và cũng không thể tìm thấy mục tiêu.
Tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc bán cho Indonesia từng bắn trượt mục tiêu. Ảnh: Wantchinatimes. |
Ngày 17/5, trong quá trình tập trận với pháo phòng không Type-85 Giant Bow do Trung Quốc sản xuất bán cho Indonesia. Khẩu pháo gặp trục trặc và khai hỏa mất kiểm soát khiến 4 binh sĩ Indonesia thiệt mạng, 8 người khác bị thương.
Tạp chí quốc phòng Kanwa cho biết Cameroon đã mua 4 trực thăng tấn công Z-9 của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cung cấp một khoản vay trị giá 100 triệu USD cho nước này. Tuy nhiên, một chiếc đã rơi ngay sau khi được bàn giao. Phía Cameroon đang đàm phán với Trung Quốc về vụ việc và không có thêm kế hoạch mua vũ khí Trung Quốc do lo ngại về chất lượng.
Năm 2009, Ecuador và CETC, Trung Quốc ký hợp đồng trị giá 60 triệu USD để cung cấp 4 radar cảnh báo sớm YLC-2 và YLC-18. Các radar được chuyển giao trong giai đoạn 2010 – 2011 và được triển khai dọc biên giới với Columbia. Tuy nhiên, các radar không hoạt động sau khi được triển khai.
Thương vụ "lùm xùm" nhất được cho là hợp đồng xuất khẩu xe tăng chiến đấu chủ lực MBT-2000 cho Peru. Theo AP, năm 2009, quân đội Peru bày tỏ sự quan tâm đến xe tăng chiến đấu chủ lực MBT-2000, còn gọi là VT-1A do Trung Quốc sản xuất. 5 chiếc được chuyển đến Peru để thử nghiệm.
Chính phủ Peru dự định mua 80-120 xe tăng VT-1A để hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp nước này. Năm 2010, Bộ Quốc phòng Peru quyết định trả lại 5 xe tăng VT-1A cho Trung Quốc và chấm dứt hợp đồng mua xe tăng này.
Lý do mà quân đội Peru đưa ra là xe tăng VT-1A dùng động cơ, hệ thống truyền động, hệ thống phòng vệ do Ukraine sản xuất. Trong khi đó, Trung Quốc không được phép xuất khẩu các thành phần này cho bên thứ 3. Quân đội Peru lo ngại xe tăng VT-1A sẽ không đảm bảo chất lượng nếu không dùng các thành phần do Ukraine chế tạo.
Nga, Mỹ bị tố bán vũ khí kém chất lượng
2 nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ cũng không ít lần bị tố bán vũ khí kém chất lượng cho khách hàng. Trong tháng 7/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước Ấn Độ (CAG) báo cáo rằng 60% động cơ của tiêm kích MiG-29K do Nga sản xuất đang sử dụng trên tàu sân bay INS Vikramaditya phải rút khỏi dịch vụ do các lỗi kỹ thuật.
Động cơ tiêm kích MiG-29K của Nga chuyển giao cho Ấn Độ bị tố kém chất lượng. Ảnh: Aviation Week. |
Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ còn phàn nàn nhà sản xuất RSK-MiG, Nga không thể bàn giao tiêm kích MiG-29K hoàn chỉnh với đầy đủ tính năng như đã cam kết trong hợp đồng.
Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới luôn nổi tiếng về chất lượng cũng bị tố chuyển giao hàng kém chất lượng. Tháng 12/2016, Reuters dẫn nguồn tin quân đội Ukraine cho biết những máy bay không người lái RQ-11B Raven mà Mỹ chuyển giao cho nước này rất lạc hậu và kém chất lượng.
RQ-11B chuyển giao cho Ukraine hoạt động không hiệu quả, công nghệ lạc hậu và rất dễ bị đối phương chiếm quyền điều khiển. Một số nguồn tin cho rằng, đây là gói viện trợ, không phải kinh doanh nên Mỹ đã cố tình chuyển giao những máy bay hàng thải của họ cho Kiev.