Máy bay an toàn nhất thế giới biến mất bí ẩn
Rạng sáng ngày 8/3/2014, Malaysia Airlines (MAS) tuyên bố chuyến bay số hiệu MH370 chở theo 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn biến mất bí ẩn ngay bên ngoài vùng thông báo bay của Việt Nam trên Biển Đông. Chiếc máy bay khi di chuyển từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trẻ em Malaysia vẽ tranh cầu mong MH370 an toàn. Ảnh: AFP |
Ngay sau khi máy bay biến mất, Malaysia, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích trên Biển Đông. Sau nhiều ngày tìm kiếm không đạt hiệu quả, giới chức Malaysia bắt đầu xem xét hàng loạt dữ liệu liên quan và chuyển trọng tâm tìm kiếm sang những vùng biển xung quanh.
Loạt dữ liệu mới làm dấy lên nghi ngờ chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines bị không tặc và kẻ nào đó cố tình tắt các thiết bị định vị của phi cơ. Tuy nhiên, vệ tinh vẫn ghi nhận tiếng "ping" phát ra từ động cơ máy bay khoảng 5 tiếng sau khi nó biến mất khỏi màn hình radar. Dựa theo vị trí phát hiện tiếng "ping", người ta tập trung tìm kiếm chiếc máy bay ở phía bắc và phía nam Ấn Độ Dương.
Nỗ lực tìm kiếm quốc tế tiếp tục kéo dài nhiều tuần sau đó với sự tham gia của hàng chục quốc gia. Tuy nhiên, chiếc Boeing 777 – loại máy bay an toàn nhất thế giới - vẫn bặt vô âm tín. Dựa vào dữ liệu vệ tinh, chính phủ Malaysia tuyên bố máy bay lao xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương và không ai sống sót. Tính tới thời điểm hiện tại, sự cố với chuyến bay MH370 của MAS là bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không.
Chìm tàu Sewol, Hàn Quốc
Ngày 16/4/2014, chiếc tàu chở 476 người, chủ yếu là học sinh trường trung học Danwon gặp nạn trên đường từ Incheon đến đảo Jeju của Hàn Quốc. Lúc 8h58 phút, nó phát tín hiệu cấp cứu khi cách đảo Byungpoong khoảng 2,7 km. Chưa đầy một tiếng sau, con tàu lật úp làm 292 người chết và 12 người khác mất tích.
Tàu Sewol lật úp. Ảnh: Yonhap |
Thông tin sau vụ tai nạn cho biết tàu Sewol chở quá tải trong hành trình từ Incheon tới Jeju. Sau cú rẽ định mệnh của thuyền phó, con tàu nghiêng và lật úp. Thay vì yêu cầu hành khách rời khỏi phà, thủy thủ đoàn lại yêu cầu mọi người ngồi trong phòng. Khi tàu sắp chìm, thuyền trưởng và các thành viên thủy thủ đoàn vội vã lên tàu cứu hộ, bỏ mặc hàng trăm người đang mắc kẹt.
Nỗ lực cứu hộ kéo dài nhiều tuần nhằm trục vớt thi thể những hành khách thiệt mạng. Người ta tìm thấy những căn phòng có hàng chục thi thể do thủy thủ đoàn yêu cầu họ ở tại chỗ. Vụ tai nạn khiến người đứng đầu công ty khai thác tàu Sewol bị truy tố, Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won từ chức trong khi Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố giải tán lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc.
Tai nạn hầm mỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Vụ tai nạn hầm mỏ nghiêm trọng xảy ra ngày 13/5 ở Soma, Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ làm 301 người thiệt mạng. Nguyên nhân của sự cố là do một máy biến áp phát nổ, gây ra hỏa hoạn khi 787 thợ mỏ đang làm việc trong hầm lò. Nó trở thành vụ tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện trường vụ sập hầm mỏ làm 301 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty |
Sự cố xảy ra ở đoạn hầm mỏ nằm sâu 2 km dưới mặt đất. Vụ nổ khiến hệ thống thang máy của khu mỏ ngừng hoạt động. Ngoài 301 người thiệt mạng, vụ tai nạn khiến 80 người khác bị thương và hàng trăm người mắc kẹt dưới lòng đất. Hầu hết những người thiệt mạng là do bị ngạt khí.
Máy bay chở khách trúng tên lửa ở Ukraina
Ngày 17/7, một chiếc máy bay chở khách của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraina. Chiếc Boeing 777 gặp nạn khi di chuyển từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia. Chính quyền Ukraina tuyên bố toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu MH17 đều tử nạn.
HIện trường máy bay chở khách Boeing 777 rơi ở miền đông Ukraina. Ảnh: CNN |
Chính quyền Ukraina đổ lỗi cho lực lượng tự vệ vũ trang ở miền đông đất nước gây ra vụ tai nạn, trong khi các tay súng chống chính phủ Kiev khẳng định máy bay quân sự Ukraina gây ra vụ tấn công. Các nguồn tin từ Mỹ cáo buộc một tên lửa đất đối không bắn rơi máy bay Malaysia nhưng chưa thể khẳng định vị trí phóng tên lửa hay lực lượng nào đứng sau vụ tấn công.