Không phải smartphone Android đầu tiên, song Motorola Droid được biết đến là một trong những đối thủ đời đầu của iPhone. Ra mắt năm 2009, thiết bị sở hữu màn hình 3,7 inch, 4 nút khiển. Khi trượt ngang, máy để lộ bàn phím QWERTY và nút điều hướng 4 chiều. Theo Gizmodo, thiết kế này được đánh giá mới mẻ vào thời điểm đó. Motorola và nhà mạng Verizon thậm chí mua bản quyền từ “droid” trong loạt phim Star Wars của Lucasfilm, dùng nhạc khởi động phong cách ngoài hành tinh cho sản phẩm. Ảnh: Droidlife. |
Sau khi gây quỹ trên Kickstarter, Nextbit Robin lên kệ tháng 2/2016. Thiết bị được quảng cáo “ưu tiên cho đám mây” bởi bên cạnh 32 GB bộ nhớ trong, sản phẩm kèm 100 GB trên Internet để lưu ứng dụng và dữ liệu, gọi là bộ nhớ thông minh (smart storage). Dù vậy, Robin nhanh chóng thất bại do không nhiều người ủng hộ ý tưởng. Dịch vụ lưu trữ bị đóng cửa vào đầu 2018, một năm sau khi Razer mua lại Nextbit. Thiết kế vuông vức của sản phẩm được sử dụng lại trên Razer Phone thế hệ đầu tiên. Ảnh: The Verge. |
Dù phần mềm không được đánh giá cao, Microsoft Surface Duo 2 vẫn được xem là một trong những smartphone gập có thiết kế và phần cứng tốt. Trình làng năm 2021, thiết bị cạnh tranh với Galaxy Z Fold3 của Samsung, nhưng có chút khác biệt vì sử dụng 2 màn hình tách biệt tại 2 phía bản lề. Người dùng có thể gập 360 độ và sử dụng bút cảm ứng. Tuy nhiên, các tính năng 2 màn hình dựa trên Android tối ưu kém, bên cạnh giá đắt khiến Surface Duo 2 không được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: The Verge. |
Nothing là thương hiệu khá non trẻ, thành lập bởi cựu CEO OnePlus Carl Pei. Đến nay, công ty mới có 2 mẫu smartphone mang tên Phone 1 và Phone 2, đều nổi bật nhờ mặt lưng trong suốt kèm dải đèn thông báo phong cách viễn tưởng hoài cổ (retro-futuristic). Với tên Glyph, đèn sẽ nhấp nháy dựa trên thông báo và trạng thái sạc. Viền nhôm xung quanh điện thoại khá vuông vức, thoạt nhìn giống iPhone. Thiết kế tối giản này cũng được mang vào giao diện Android cho cả Nothing Phone 1 và Phone 2. Ảnh: The Verge. |
Dù chưa bao giờ bán ra thị trường, Xiaomi Mi Mix Alpha gây ấn tượng khi loại bỏ viền 2 bên, kéo dài màn hình sang mặt lưng tạo thiết kế bao quanh gần như 360 độ. Dải đen duy nhất ngăn cách màn hình dùng để chứa cụm camera. Phần màn hình cạnh phải hiện thời gian và thông báo, cạnh đối diện chứa nút nguồn và âm lượng ảo, trong khi mặt sau có thể chứa widget. Dù vậy, công ty Trung Quốc thừa nhận đây chỉ là dự án nghiên cứu, không có kế hoạch bán rộng rãi. Ảnh: Xiaomi. |
Khi vẫn còn vị thế trên thị trường smartphone, HTC nổi tiếng với những thiết bị ngoại hình đẹp, và One M8 là một trong số đó. Khi ra mắt năm 2014, thiết bị nổi bật với hệ thống loa stereo nằm 2 phía màn hình (BoomSound), mặt lưng nhôm nguyên khối và uốn cong tạo cảm giác cầm nắm thoải mái. Chạy Android nhưng One M8 sử dụng giao diện HTC Sense với nhiều tính năng hữu ích. HTC vẫn ra mắt bản kế nhiệm One M9, nhưng sự vươn lên của đối thủ khiến công ty Đài Loan xuống dốc. Ảnh: TechSpot. |
Thế hệ Galaxy Fold đầu tiên được Samsung ra mắt năm 2019. Dù được đồn đoán từ lâu, giới công nghệ vẫn bất ngờ khi sản phẩm được trình làng và phân phối rộng rãi. Nhiều vấn đề lộ rõ theo thời gian như độ bền màn hình không cao, bụi lọt gây hỏng bản lề. Công ty Hàn Quốc thậm chí hoãn ngày bán Galaxy Fold để chỉnh sửa thiết kế. Bất chấp nhiều vấn đề, Galaxy Fold vẫn được duy trì với nhiều thế hệ, thiết kế thay đổi và độ bền dần cải thiện. Ảnh: The Verge. |
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.