Nhiều sinh viên chọn ở lại TP.HCM để làm thêm vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh minh họa: Connect times. |
Dịp lễ 30/4-1/5, Minh Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Hiếu và Lê Ngọc Quý An - sinh viên của 3 trường đại học khác nhau ở TP.HCM - đều lựa chọn làm thêm vào những ngày đầu lễ. Thay vì về quê sớm, cả 3 muốn tận dụng thời gian này để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Thu nhập tăng dịp lễ
Minh Hùng đang là sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Kỹ thuật Swinburne ở TP.HCM. Kỳ nghỉ lễ năm nay là lần đầu tiên Hùng chọn ở lại TP.HCM để làm thêm. Công việc của Hùng là bán hàng ở một cửa hàng đồ chơi tại quận 5 (TP.HCM). Những ngày lễ vừa qua, Hùng đều làm việc từ 9h30 đến 18h.
"Nhà của em cách TP.HCM không quá xa nên em nghĩ về quê sớm hay trễ hơn cũng không sao. Thời gian nghỉ lễ của em là hơn một tuần nên em chọn đi làm thêm vào những ngày đầu kỳ nghỉ để kiếm thêm thu nhập rồi sẽ về quê sau", Hùng nói.
Minh Hùng làm thêm vào dịp lễ 30/4-1/5 và nhận được mức lương nhân đôi. Ảnh: NVCC. |
Làm việc vào dịp lễ, Hùng đã nhận được mức lương nhân đôi. Nam sinh viên cũng tránh được cảnh về quê đông đúc vào những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ. Mỗi lần xong việc, thay vì đi chơi, Hùng chỉ đi uống cà phê một mình hoặc tập thể dục rồi về phòng trọ nghỉ ngơi.
"Mấy ngày này, lượng khách mua đồ tại cửa hàng đông đúc hơn bình thường. Vì vậy, nhiều khi làm hết công sức, về nhà, em cũng mệt rồi đi ngủ luôn", Hùng nói.
Cũng giống như Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, sinh viên năm nhất, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), ở lại TP.HCM để làm thêm tại rạp chiếu phim dịp lễ 30/4-1/5. Công việc của Hiếu là kiểm tra vé và xếp rạp, hướng dẫn khách hàng vào rạp xem phim.
"Ban đầu, em cũng tính về quê sớm để chơi lễ cùng gia đình, nhưng do quản lý xếp lịch trực vào đúng ngày 30/4 và 1/5, em phải ở lại để làm việc", Hiếu nói.
Nghe tin con gái không thể về quê sớm để nghỉ lễ cùng gia đình, mẹ của Hiếu đã rất lo lắng và nói "thôi nghỉ đi mà về quê". Tuy nhiên, Hiếu cho biết em cần có trách nhiệm với công việc của mình nên không thể bỏ mặc tất cả để về quê.
Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, sinh viên năm nhất, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), còn làm thêm công việc chụp ảnh tự do. Ảnh: NVCC. |
Những ngày vừa qua, Hiếu đều làm ở rạp chiếu phim từ 17h đến 2h sáng hôm sau. Thời gian nghỉ lễ, khách tới rạp đông hơn nên các suất chiếu phim cũng được mở thêm. Vì vậy, Hiếu đã phải nỗ lực rất nhiều.
Sau khi xong việc ở rạp chiếu phim, Hiếu về phòng trọ nghỉ ngơi. Thời gian còn lại, Hiếu đi chụp hình cho khách hàng đã đặt lịch từ trước. Đây là công việc làm thêm "tay trái" của Hiếu từ khi cô trở thành sinh viên.
"Đi làm thêm vào những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ nhưng em không tủi thân. Em thấy mình bận rộn một chút cũng vui. Làm thêm em cũng có thu nhập để phụ giúp bố mẹ luôn", Hiếu nói.
Lựa chọn nghỉ ít ngày hơn
Khác với Ngọc Hiếu và Minh Hùng, gia đình của Lê Ngọc Quý An - sinh viên năm thứ hai ngành Marketing tại Đại học Văn Lang - lại ở TP.HCM. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ này, Quý An vẫn chọn đi làm thêm thay vì ở nhà toàn thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình, bạn bè.
Nữ sinh viên cho biết em không muốn để bản thân "nhàn rỗi" quá nhiều trong các ngày lễ nên đã đăng ký làm thêm tại trường. Hiện tại, An làm tư vấn tuyển sinh và nhận hồ sơ xét học bạ của thí sinh vào trường. Công việc này đã kéo dài từ tháng 10/2022 đến nay.
"Ngày lễ 30/4-1/5, phòng tuyển sinh của trường vẫn hoạt động bình thường để nhận hồ sơ xét học bạ của thí sinh. Tận dụng thời gian này, khi lịch học của em còn trống nhiều, gia đình cũng không đi chơi xa nên em đã đăng ký ca làm việc ở trường vào các ngày đầu kỳ nghỉ lễ", An nói.
Lê Ngọc Quý An - sinh viên năm thứ hai ngành Marketing tại Đại học Văn Lang - chọn làm thêm tại trường vào dịp lễ 30/4-1/5. Ảnh: NVCC. |
Quý An cho biết bố mẹ đều ủng hộ quyết định đi làm thêm dịp lễ 30/4-1/5 của em. Theo An, công việc này vừa giúp em có thêm thu nhập, chuẩn bị học phí cho học kỳ sau, vừa hỗ trợ kinh nghiệm làm việc cho chuyên ngành học Marketing.
Để có thể vừa đi làm dịp lễ, vừa vui chơi cùng gia đình, Quý An đã chọn làm việc đến khoảng 17h. Sau đó, nữ sinh viên sẽ về nhà để cùng người thân đi ăn uống, vui chơi.
An cho biết em chỉ làm thêm đến hết ngày 1/5. Hai ngày còn lại của kỳ nghỉ lễ, An sẽ dành toàn bộ thời gian để nghỉ ngơi, chuẩn bị bài vở trước khi đi học trở lại.
Giống như An, Ngọc Hiếu cũng quyết định về quê sau khi hoàn tất công việc làm thêm vào chiều ngày 1/5. Nữ sinh sẽ ở lại tỉnh Bình Phước để cùng mẹ nghỉ ngơi, vui chơi trong những ngày còn lại của kỳ nghỉ lễ. Sau đó, ngày 4/5, Hiếu lên lại TP.HCM học tập.
Minh Hùng cũng đang cân nhắc chiều 1/5 sẽ trở về nhà ở Vũng Tàu để chơi lễ cùng gia đình. Nam sinh dự kiến đến ngày 7/5 mới lên lại TP.HCM.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.