Súng phóng lựu XM-25
XM-25 là loại súng phóng lựu thông minh và nguy hiểm nhất thế giới hiện nay, do công ty công nghệ Alliant Techsystems và Heckler & Koch hợp tác chế tạo. Tầm bắn của khẩu súng đạt 700 - 1.000 m, vượt xa các loại súng phóng lựu thông thường. Ngay cả khi bắn trượt mục tiêu, xung chấn từ vụ nổ vẫn ảnh hưởng trực tiếp tới đối phương.
Súng phóng lựu XM-25. Ảnh: militaryfactory.com. |
Nhà sản xuất trang bị cho XM-25 một máy đo laser, cho phép xạ thủ xác định chính xác khoảng cách tới mục tiêu. Sau khi nhả đạn, hệ thống điện tử của khẩu súng tiếp tục đo khoảng cách giữa quả lựu và khẩu súng dựa vào số vòng quay của viên đạn, giúp người bắn đưa ra phương án kích nổ quả đạn chính xác nhất. Đạn của XM-25 có khả năng nổ trên không hoặc sau khi tiếp đất.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng XM-25 đạt hiệu quả gấp 300% các vũ khí cùng loại. Thậm chí, nếu người bắn sử dụng đạn chứa ít thuốc nổ, XM-25 chỉ làm đối thủ choáng chứ không giết họ. Quân đội Mỹ đưa XM-25 vào biên chế từ năm 2010. Nó từng tham chiến tại Afghanistan.
Robot chiến đấu điều khiển từ xa
Những cỗ máy chiến đấu điều khiển từ xa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong biên chế quân đội Mỹ. Chúng là phương án tác chiến hiệu quả và phù hợp với những nhiệm vụ nguy hiểm, trực tiếp đe dọa tính mạng binh sĩ. Robot chiến đấu điều khiển từ xa luôn sẵn sàng tiến vào những khu vực nguy hiểm, độc hại để làm nhiệm vụ.
Một robot chiến đấu của quân đội Mỹ. Ảnh: militaryfactory.com. |
Tấn công kẻ thù không phải là nhiệm vụ thường xuyên của robot chiến đấu, bởi phần lớn chúng là robot phá mìn hay xe bọc thép mini vũ trang. Chúng có thể lao thẳng vào lòng địch để thực hiện nhiệm vụ răn đe, do thám hoặc gây rối loạn, phối hợp tác chiến cùng hệ thống máy bay không người lái của Mỹ.
Trên thực tế, quân đội Mỹ sử dụng robot chiến đấu ở cả chiến trường Iraq và Afghanistan. Trong khi robot phá mìn khá phổ biến, quân đội Mỹ lại tỏ ra dè dặt trong việc triển khai xe bọc thép mini. Họ đưa xe bọc thép mini tới Iraq nhưng không sử dụng chúng do lo ngại chúng bắn nhầm binh sĩ.
Tia nhiệt ADS
ADS là hệ thống tạo nhiệt độc đáo của quân đội Mỹ. Nó bắn ra những tia nhiệt để làm nóng bề mặt của mục tiêu (bao gồm cả da người). Những tia này gây ra cảm giác bỏng rát cho nạn nhân dù thực tế da họ hoàn toàn không tổn thương. Đây là loại vũ khí hiệu quả trong việc giải tán các cuộc bạo động hoặc đẩy lùi kẻ thù trên chiến tuyến mà không cần nổ súng.
Thiết bị bắn ra chùm tia nhiệt, gây ra cảm giác bỏng rát. Ảnh: militaryfactory.com. |
Cơ chế hoạt động của ADS khá giống với lò vi sóng. Các tia của ADS kích thích sự chuyển động của các phân tử nước dưới da và làm nóng chúng gần như ngay lập tức. Chúng chỉ tác động tới lớp da ngoài cùng để không gây tổn thương cho cơ thể.
Một chuyên gia nghiên cứu ADS mô tả: “Trong những khoảnh khắc đầu tiên, các tia này khiến da nóng lên. Sau đó, nạn nhân cảm thấy lớp da như đang cháy. Tuy nhiên, nạn nhân sẽ trở về trạng thái bình thường ngay sau khi thoát khỏi tầm ảnh hưởng của chùm tia”. Các thí nghiệm cho thấy, ngưỡng chịu đau của một người bình thường khi chịu tác động của chùm tia là 3 tới 5 giây.
Đại bác âm thanh LRAD
LRAD là tên của một loại thiết bị tạo ra tiếng ồn ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy không gây chết người nhưng âm thanh của LRAD có khả năng tác động mạnh tới thính giác con người trong phạm vi 300 m. Nạn nhân của vũ khí này buộc phải tránh xa nguồn phát âm thanh hoặc ẩn nấp để tránh tổn thương thính giác vĩnh viễn.
Vũ khí siêu ồn LRAD. Ảnh: militaryfactory.com. |
Quân đội Mỹ đang sử dụng LRAD trong cuộc chiến chống cướp biển. Ngoài ra, cảnh sát từng sử dụng nó để giải tán đám đông biểu tình trong thời điểm hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại thành phố Pittsburgh, hạt Allegheny, bang Pennsylvania, Mỹ vào năm 2009. Ngoài những ứng dụng trong quân đội, người ta còn sử dụng LRAD để đuổi thú hoang ra khỏi sân bay, các trạm điện mặt trời và nhà máy điện hạt nhân.