Giữa lúc dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang được dư luận quan tâm, nhiều người không khỏi bất ngờ khi người lãnh đạo cao nhất của dự án BOT này là một chàng trai 9X.
Ông chủ 9X của dự án BOT đầy tai tiếng
Theo thông tin trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Phú Hiệp đang là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - đơn vị vận hành trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ông cũng đồng thời là người đại diện pháp luật của công ty này.
Dự án BOT Cai Lậy đang bị các tài xế phản đối bằng nhiều "chiến thuật" khác nhau. Ảnh: Trương Khởi. |
Tuy nhiên, thực chất, ông Nguyễn Phú Hiệp chỉ là Giám đốc công ty vận hành thu phí dự án BOT Cai Lậy hiện nay, còn ông chủ thực sự đứng sau đầu tư xây dựng dự án lại là một cái tên khác đến từ Vĩnh Phúc.
Cụ thể, thông tin trong danh mục Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL 1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hình thức hợp đồng BOT của Vụ đối tác công – tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết chủ đầu tư của dự án BOT Cai Lậy nhiều tai tiếng hiện nay chính là liên danh CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái và CTCP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông số 1.
Trong đó, vốn đối ứng của chủ đầu tư xây dựng dự án là 210 tỷ đồng và 1.188 tỷ là tiền vay ngân hàng. Công ty Bắc Ái nắm giữ 65% vốn trong tổng số 210 tỷ đồng vốn đối ứng, còn lại Công ty Xây dựng giao thông số 1 góp 35%.
Theo tìm hiểu, Bắc Ái được thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, công ty này đã hoàn tất tăng vốn lên 900 tỷ đồng. Trong đó, tất cả cổ đông của công ty đều là cổ đông cá nhân bao gồm ông Lê Tiến Thắng nắm giữ 82% vốn, ông Lê Văn Duẩn góp 5%, ông Lê Thanh Bình nắm giữ 10% và ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc BOT Cai Lậy hiện nay - góp 3%.
Là cổ đông lớn nhất tại Bắc Ái, trong một thời gian dài ông Lê Tiến Thắng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty. Tuy nhiên, đến tháng 3 vừa qua, ông Thắng bất ngờ từ chức và nhường lại vị trí lãnh đạo cao nhất công ty cho ông Nguyễn Tiến An, một doanh nhân còn trẻ sinh năm 1992, tại Vĩnh Phúc.
Tuy không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Bắc Á nhưng giám đốc Nguyễn Tiến An đang điều hành và quản lý công ty tham gia đầu tư hàng loạt dự án BOT, BT giao thông với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo 9X công ty sở hữu dự án BOT gần 7.000 tỷ đồng
Một ông chủ 9X điều hành dự án BOT khác là Nguyễn Tiến Vinh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát. Được biết, Nguyễn Tiến Vinh sinh năm 1990, thường trú tại TP. Bắc Ninh. Lãnh đạo này được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc Minh Phát để thay cho ông Nguyễn Ngọc Tư.
Công ty Minh Phát của ông chủ 9X này hiện có vốn điều lệ lên tới 889 tỷ đồng, và là chủ của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nắm giữ tới 65% vốn dự án.
Cụ thể, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ do liên danh Công ty Minh Phát, TCT xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành hợp tác xây dựng với tổng vốn lên tới hơn 6.731 tỷ đồng. Trong đó, vốn của chủ đầu tư là hơn 823 tỷ, còn lại là tiền đi vay ngân hàng.
Trong cơ cấu vốn của chủ đầu tư, Công ty Minh Phát góp hơn 535 tỷ đồng, tương đương 65% vốn; trong khi 2 đối tác còn lại là Cienco1 góp trên 148 tỷ (18%) và Công ty Phương Thành góp trên 139 tỷ (17%).
Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phát, ông Nguyễn Tiến Vinh cũng không hề sở hữu bất kỳ cổ phần nào.
Ngoài Minh Phát, nhóm cổ đông tại đây còn sở hữu một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành, doanh nghiệp trong ngành cầu đường có vốn điều lệ là 1.556 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Minh Đức góp 52% vốn; bà Nguyễn Thị Cẩm Tú góp 33% và ông Nguyễn Văn Quân sở hữu 15% vốn.
Công Thành là chủ đầu tư sở hữu 99,99% tại dự án BOT Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
"Nữ tướng" 9X BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp
Một "nữ tướng" 9X của dự án BOT giao thông khác là bà Từ Thị Bích Nguyệt, Phó tổng giám đốc BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Từ Thị Bích Nguyệt, Phó tổng giám đốc 9X của BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Ảnh: Hoài Thanh. |
Phó tổng giám đốc Từ Thị Bích Nguyệt lần đầu xuất hiện trong cuộc họp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các nhà đầu tư BOT ngày 11/9 vừa qua với tư cách là đại diện chủ đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Lãnh đạo này sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Luật, khoa Luật Kinh tế.
Dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp do liên danh Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Thi Sơn, CTCP đầu tư xây dựng số 9 đầu tư với tổng vốn hơn 1.836,8 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn đối ứng của chủ đầu tư là 254,3 tỷ đồng, chiếm gần 14% tổng vốn dự án. 2 công ty mỗi bên góp 50% vốn đối ứng.