Trong năm 2022, có nhiều cuốn sách chuyên khảo lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được tái bản và xuất bản mới. Những cuốn sách này góp phần vào việc tìm hiểu một số lĩnh vực, khía cạnh chuyên sâu như văn chương, báo chí, ngôn ngữ tiếng Việt, âm nhạc, văn hóa dân gian…
Bên cạnh đó, với hàm lượng tri thức cao, những cuốn sách này còn phục vụ cho giới nghiên cứu, học giả, giảng viên, sinh viên, qua đó góp phần quảng bá, nâng cao tri thức và sự phát triển của xã hội. Sau đây là những cuốn sách chuyên khảo lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đáng chú ý trong năm nay.
Hải quốc từ chương
NXB Khoa học Xã hội – Tri thức Trẻ Books phát hành tháng 6.
Xuất phát từ một đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì, PGS.TS Trần Trọng Dương (chủ nhiệm) đã phát triển, bổ sung, hoàn thiện thành một tập đại thành văn chương Việt Nam viết về biển đảo có tên là Hải quốc từ chương (sau 6 năm).
Từ việc sưu tập các tư liệu văn hiến trong suốt nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn, Hải quốc từ chương đã tuyển chọn và giới thiệu gần 350 tác phẩm văn học Hán Nôm thời trung - cận đại và gần 100 tác phẩm văn học dân gian viết về lịch sử, phong tục, tập quán, sản vật địa phương, hải sản và những suy tư, tâm tình, những lời ăn tiếng nói mang hơi thở của biển cả.
Cuốn sách cung cấp tư liệu văn học về biển đảo thời trung đại mà chúng ta chưa có một cuộc khảo sát tổng thể về di sản văn chương của cha ông viết về mảng đề tài này.
Đằng sau mặt báo
NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 6.
Đằng sau mặt báo của tác giả Trần Đình Ba tái hiện đời sống báo chí thuở ban đầu đến năm 1945.
Sách thông tin cơ bản tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo chữ Pháp, chữ Hán. Tiếp theo là sự xuất hiện của tờ Gia Định báo năm 1865, đánh dấu sự ra đời của báo chí tiếng Việt, kế đó là báo chí tư nhân.
Nhiều câu chuyện về hậu trường nghề báo được đề cập trong Phần II “Chuyện sau mặt báo qua ký ức người đương thời” của sách, tạo sự hấp dẫn, chân thực về nghề báo với kỹ thuật lấy tin, bài; nhuận bút viết báo; giá bán báo; cách thức cộng tác báo.
Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu
NXB Trẻ phát hành tháng 7.
Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu gồm 2 phần, phần 1 “Lục Vân Tiên ca diễn” bao gồm tác phẩm 2.088 câu lục bát, kèm bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm).
Phần 2 sách in kèm thêm phần "Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu", trích từ các công trình/bài viết của năm tác giả: Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng để bạn đọc có thêm cái nhìn tham khảo.
Thế giới của Truyện Nôm
NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 7.
Vốn là một bản di cảo còn dang dở vào thời điểm Maurice Durand qua đời (1966), Thế giới của Truyện Nôm (tên nguyên tác tiếng Pháp L’Univers des Truyện Nôm) được biên soạn bởi cố GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên, giáo sư Philippe Papin và phó giáo sư Philippe Le Failler.
Sách không chỉ bàn đến những vấn đề liên quan đến truyện Nôm (truyện thơ viết bằng chữ Nôm) mà còn đề cập đến những thể loại liên quan như ngâm khúc, vãn, ca…
Phần chính của cuốn sách là nghiên cứu về truyện Nôm, tuyển tập 18 truyện: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Ngư tiều vấn đáp y thuật, Hoa Tiên, Tỳ Bà truyện, Nhị Độ Mai, Truyện Tú Uyên, Lý Công truyện, Ngọc Hoa truyện…
Rong chơi miền chữ nghĩa tập 5
NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 10.
Rong chơi miền chữ nghĩa tập 5 nằm trong bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa gồm 5 tập, khoảng 2.500 trang tập hợp những bài giải đáp của tác giả An Chi trên nhiều tờ báo, nội dung bàn nhiều về ngữ nghĩa
Sách gồm 460 trang nội dung sách với 165 mục từ. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu đúng nguồn gốc của từ ngữ, thành ngữ trong tiếng Việt, các điển cố, điển tích trong lịch sử văn hóa Đông Tây, đồng thời cắt nghĩa một số từ thường dùng dễ nhầm lẫn. Ngoài ra cuốn sách cũng phê phán nhẹ nhàng các hiện tượng viết sai trên báo chí hàng ngày.
Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc
NXB Trẻ phát hành tháng 11.
Đây là cuốn khảo cứu tiếp nối công trình cách đây 5 năm của nhà văn Nguyễn Trương Quý - Một thời Hà Nội hát.
Sách tập trung nghiên cứu âm nhạc giai đoạn 1930-1950. Đó là thời đại của "những tráng sĩ ca và những diễm tình ca, là thời đại đã cho ra đời những bản hành khúc khơi dậy lòng ái quốc của người dân Việt Nam".
Tác giả cũng nỗ lực soi rọi những nét văn hóa đậm đặc của một thời đại, từ tầm ảnh hưởng của Cách mạng tư sản Pháp 1789 đến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, thông qua chất keo chủ đạo: âm nhạc.